Thứ 6, 22/11/2024, 16:25[GMT+7]

Để người dân yên tâm khi dùng nước

Thứ 5, 18/10/2018 | 07:42:03
1,019 lượt xem
Hiện nay, hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày càng hoàn thiện hơn, trung bình mỗi huyện, thành phố có từ 3 – 4 trạm cấp nước sạch đã đi vào hoạt động phục vụ nhu cầu dùng nước sạch của người dân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ người dân được dùng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn tăng lên.

Vận hành cấp nước sinh hoạt tại Trạm cấp nước xã Thụy Lôi (Tiên Lữ)

Theo thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, tỷ lệ người dân nông thôn trong tỉnh được dùng nước đạt quy chuẩn đã đạt trên 60%. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có một số ý kiến của người dân phản ánh về chất lượng nước cấp từ trạm cấp nước tập trung không ổn định như: Có độ đục, vẩn, có cặn vàng.

Thực tế ở một số hộ dân đang sử dụng nước sinh hoạt cấp từ các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh cho thấy, bên cạnh những lời khen về chất lượng nước bảo đảm, vẫn còn những phản ánh trong quá trình sử dụng nước. Bà Vũ Thị Lợi, người dân xã Hải Triều (Tiên Lữ), hộ đang sử dụng nước cấp từ Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hưng Yên cho biết: “Gia đình tôi đã sử dụng nước cấp tại trạm cấp nước tập trung từ nhiều năm nay, thay thế hoàn toàn cho các nguồn nước trước kia như nước mưa, nước giếng khoan. Đánh giá cảm quan thì nước không có màu, không có mùi lạ, nhưng cứ đến khi bể chứa sắp hết nước là nước đục, có cặn vàng. Hiện nay gia đình tôi đang sử dụng thêm máy lọc nước mini để lọc trước khi dùng nước ăn, uống”. Trong thời gian vừa qua, phóng viên cũng ghi nhận phản ánh của người dân về chất lượng nước sinh hoạt cấp từ các trạm cấp nước tập trung chưa bảo đảm ở một số khu vực như: Thị trấn Trần Cao (Phù Cừ); xã Thụy Lôi (Tiên Lữ); xã Dị Sử (Mỹ Hào)…

Để bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị cấp nước phải thực hiện nội kiểm (tự kiểm tra chất lượng nước của đơn vị mình theo các chỉ tiêu của quy chuẩn) và đơn vị chức năng (Trung tâm Y tế dự phòng) tiến hành ngoại kiểm để đánh giá lại các chỉ tiêu. Trước đây, việc nội kiểm, ngoại kiểm chỉ được tiến hành hàng quý, hoặc 6 tháng/lần, nhưng hiện nay để bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt cấp tới hộ dân và chấn chỉnh những đơn vị cấp nước chưa đạt tiêu chuẩn, việc kiểm tra chất lượng nước được tiến hành ít nhất mỗi tháng 1 lần, trở thành yêu cầu bắt buộc với tất cả các đơn vị cấp nước. 

Từ tháng 6.2018 đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đều tiến hành ngoại kiểm đối với trên 30 trạm cấp nước trong toàn tỉnh. Các nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra chế độ nội kiểm; quy định vệ sinh; chế độ thông tin; chế độ báo cáo… Kết quả cho thấy, bên cạnh các trạm cấp nước chấp hành nghiêm việc nội kiểm, chất lượng nước được bảo đảm thì vẫn còn một số trạm cấp nước chưa tự giác nội kiểm và có vi phạm về chất lượng nước sinh hoạt cấp tới hộ dân. 

Trong khi đó, để nước sinh hoạt đạt quy chuẩn đến với người dùng, nguồn nước đó phải bảo đảm được các chỉ tiêu của Bộ Y tế đã quy định. Đối với các trạm có công suất dưới 1 nghìn m3 nước/ngày đêm phải bảo đảm quy chuẩn 02 (hơn 10 chỉ tiêu); với trạm có công suất trên 1 nghìn m3/ngày đêm phải bảo đảm quy chuẩn 01 (hơn 100 chỉ tiêu).

Làm việc tại trạm cấp nước xã Thụy Lôi (Tiên Lữ), ông Trần Văn Đoàn, giám đốc Công ty TNHH xây dựng TL An Huy, đơn vị đang quản lý, vận hành trạm cấp nước cho biết: “Hiện nay, trạm cấp nước đang phục vụ nhu cầu dùng nước sinh hoạt cho gần 800 hộ dân trong xã, mỗi hộ dùng khoảng 5 – 7 m3 nước/tháng. Do trạm có công suất nhỏ, quy mô phục vụ trong xã nên chưa được đầu tư nhiều. Mặt khác, hệ thống xử lý và cấp nước sinh hoạt của trạm đã vận hành lâu năm, nhiều đoạn đường ống cũ, hỏng chưa kịp xử lý dẫn đến chất lượng nước chưa ổn định”. Trước việc một số chỉ tiêu khi kiểm tra các mẫu nước sinh hoạt của trạm chưa đạt quy chuẩn, đại diện công ty này cho biết đang có biện pháp khắc phục bằng cách thay cát lọc, lõi lọc trong quá trình xử lý nước, điều chỉnh lại tỷ lệ clo dư và có hướng chuyển đổi nguồn nước đầu vào từ nước ngầm sang nước sông Luộc, thay đổi công nghệ lọc nước trong thời gian tới.

Tuyên truyền, vận động người dùng nước sử dụng nước sinh hoạt từ trạm cấp nước tập trung đã khó, để người dân yên tâm dùng nước, phát huy hiệu quả hoạt động bền vững của trạm cấp nước càng khó hơn. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi đơn vị cấp nước đều phải tự ý thức trong việc nâng cao, bảo đảm chất lượng nước cấp tới người dùng. Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng nước sạch đối với các cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh càng phải được coi trọng, từng bước xây dựng niềm tin với người dùng nước thông qua những bảng kiểm tra chất lượng nước tốt, hướng tới thực hiện mục tiêu chung của tỉnh là đến hết năm 2020 tỷ lệ người dân dùng nước sạch đạt quy chuẩn đạt 100%.

Theo: baohungyen.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày