Thứ 4, 15/01/2025, 20:36[GMT+7]

Công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động

Thứ 5, 18/10/2018 | 08:35:13
1,474 lượt xem
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số cuộc tranh chấp lao động tập thể và đình công gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến đời sống việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.

Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cùng lãnh đạo Công ty TNHH Kỹ thuật Điện tử Fuhong Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) giải đáp các kiến nghị của người lao động.

Trước các cuộc tranh chấp lao động, đình công, liên đoàn lao động các cấp đã phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc giải quyết. Qua đó, càng cho thấy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công là rất quan trọng.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, từ năm 2013 đến tháng 7/2018, toàn tỉnh xảy ra 43 cuộc ngừng việc tập thể, đình công của NLĐ đã được công đoàn cấp trên cơ sở tham gia giải quyết, trong đó có 19 cuộc ở doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn lại là doanh nghiệp khác. Các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể dẫn tới đình công những năm gần đây thường xảy ra nhiều hơn, quy mô lớn hơn từ vài trăm người đến hàng nghìn người, tham gia dài ngày, mang tính dây chuyền và thường xảy ra ở các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu, da giày, điện, điện tử. Trong số 43 cuộc ngừng việc tập thể có 16 cuộc ở ngành may mặc, 14 cuộc ở da giày, 6 cuộc ở điện tử, 7 cuộc ở ngành khác. Các cuộc ngừng việc tập thể chủ yếu liên quan đến điều kiện làm việc và các chế độ tiền lương, tiền thưởng. Điển hình như cuộc ngừng việc tập thể của gần 500 công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Fuhong Việt Nam tại khu công nghiệp Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) vào sáng ngày 26/3/2018. Xuất phát từ việc công nhân phải chịu nhiều áp lực về thời gian, định mức công việc, điều kiện làm việc không bảo đảm... nên công nhân ở các bộ phận đã tổ chức ngừng việc tập thể. Sau khi có thông tin, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, lãnh đạo Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã đến nắm tình hình, làm việc với lãnh đạo Công ty để tìm giải pháp đưa NLĐ trở lại làm việc.

Theo ông Bùi Xuân Vinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các cuộc ngừng việc lao động tập thể, đình công xuất phát từ chủ sử dụng lao động vi phạm các quy định pháp luật về lao động như: thời gian làm việc, giờ nghỉ, NLĐ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, cường độ làm việc cao, thường xuyên phải tăng ca, tăng giờ, tăng sản lượng khoán quá quy định khi chưa có sự thỏa thuận với NLĐ; không điều chỉnh lương tối thiểu theo mức lương tối thiểu vùng, nợ lương; việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ không đầy đủ như đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Về phía NLĐ thiếu tác phong công nghiệp trong lao động, việc nắm các kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế, bị ảnh hưởng của tư tưởng đám đông hùa theo nên dễ bị lợi dụng lôi kéo. Bên cạnh đó, công tác phối hợp, nắm bắt tình hình giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời, hiệu quả; việc thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết, kỹ năng hòa giải còn hạn chế, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật chưa có chiều sâu. Tổ chức công đoàn cơ sở ở một số doanh nghiệp chưa chủ động trong hoạt động, còn lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp.

Từ các cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương, tổ chức công đoàn những nhiệm vụ mới trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ và trong giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ với người sử dụng lao động. Thông thường khi xảy ra tranh chấp lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh và liên đoàn lao động các huyện, thành phố, công đoàn ngành là nơi đầu tiên được NLĐ tìm đến. Sau khi nhận được thông tin về tranh chấp lao động, công đoàn cấp trên cơ sở thường cử đại diện đến doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến phản ánh của NLĐ, người sử dụng lao động và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn. Tổ chức công đoàn thực hiện tuyên truyền, vận động NLĐ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lao động đồng thời tổ chức đối thoại giữa NLĐ và người sử dụng lao động để tìm giải pháp giải quyết. Với sự can thiệp kịp thời của các cấp công đoàn và các ngành chức năng, hầu hết các cuộc tranh chấp, ngừng việc tập thể đã được giải quyết. Ở nhiều cuộc tranh chấp, người sử dụng lao động đã phải nhượng bộ, giải quyết những yêu cầu chính đáng của NLĐ. Qua các cuộc tranh chấp, NLĐ cũng hiểu hơn được quyền và trách nhiệm của mình nên các cuộc ngừng việc tập thể trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng đập phá nhà xưởng, máy móc của doanh nghiệp và không xảy ra xô xát, gây thương tích.

Để hạn chế số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho NLĐ, đồng thời tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng lao động với NLĐ và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, công đoàn các cấp chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, trách nhiệm và bản lĩnh, xử lý tình huống khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể cho cán bộ công đoàn cơ sở để phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động.

Nguyễn Cường