Chủ nhật, 28/04/2024, 01:03[GMT+7]

Sẽ tăng mức phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt

Thứ 6, 19/04/2019 | 08:09:09
974 lượt xem
Nhiều chuyên gia đã đề xuất tăng mức phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt khi sửa Nghị định 46/2016 để tăng tính răn đe người vi phạm.

Ảnh minh họa.

Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016. Sau khoảng hơn 2 năm thực hiện Nghị định 46 theo hướng tăng nặng mức phạt, lực lượng Thanh tra giao thông đã phát hiện trên 240.000 vụ vi phạm, xử phạt số tiền hơn 500 tỷ đồng. Lực lượng công an đã xử lý vi phạm trong lĩnh vực đường bộ hơn 7 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 4.600 tỷ đồng, tước gần 600.000 GPLX. Riêng lĩnh vực đường sắt xử phạt hơn 3.000 trường hợp, phạt tiền hơn 1,6 tỉ đồng.

Mặc dù việc xử phạt diễn ra thường xuyên nhưng trong những năm qua, tình trạng vi phạm trên đường cao tốc đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là xe lùi, đỗ trả khách sai quy định ngay trên đường cao tốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Nạn xe khách núp bóng xe hợp đồng trong thời gian dài gia tăng nguy cơ ùn tắc chưa được xử lý triệt để. Hàng năm, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích vẫn thường xuyên xảy ra, gây nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Thực tế, hình thức xử lý các vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe. Nhiều chuyên gia nhận định, một phần khiến những người ý thức kém vẫn còn tái phạm là do mức xử phạt hành chính chưa đủ nặng, cơ quan chức năng chưa có cơ sở dữ liệu để xác định, xử phạt tăng nặng đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần nên nhiều người sau khi đóng phạt lại tiếp tục tái phạm lỗi.

Nói về vấn đề mức phạt như thế nào để đủ sức cảnh tỉnh người vi phạm, bà Hoàng Hồng Hành - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh Tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, tới đây cần sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa với người vi phạm trong lĩnh vực đường bộ, tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thay vì tối đa 24 tháng như hiện nay, thậm chí có thể tước quyền sử dụng GPLX vĩnh viễn đối với một số vi phạm có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Thực tế, lực lượng CSGT cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xử phạt vi phạm do cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan liên quan chưa được kết nối, nhiều tài xế bị tịch thu bằng lái xe thì lập tức đi làm giấy phép mới, lý do là bởi thông tin về tài xế vi phạm khó được kiểm tra trên hệ thông.

Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, sẽ phải xây dựng hệ thống dữ liệu về ATGT để quản lý những hành vi tái phạm, những người vi phạm lần một sau khi nộp phạt sẽ được lưu trữ trong dữ liệu, nếu tiếp tục vi phạm trong những lần tới sẽ bị gia tăng hình phạt, như vậy mới đủ sức răn đe. Tuy nhiên, để thực hiện được dự định này sẽ cần rất nhiều nguồn lực và có kế hoạch cụ thể. Trước đó, cần phải đa dạng hóa hình thức xử phạt, bên cạnh việc phạt hành chính.

Theo vtv.vn