Thứ 4, 01/05/2024, 22:51[GMT+7]

Vũ Thư quyết liệt giải tỏa vi phạm hành lang đê điều

Thứ 2, 31/07/2017 | 09:59:53
1,028 lượt xem
Với mục tiêu bảo đảm an toàn công trình đê điều, tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai, huyện Vũ Thư quyết liệt giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang đê điều.

Xã Vũ Tiến (Vũ Thư) huy động máy móc giải tỏa các trường hợp xây dựng tường bao, cổng dậu tại chân đê thuộc địa phận thôn Song Thủy.

Nhiều năm qua, gia đình ông Trần Văn Thành, thôn Song Thủy, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) phát triển trang trại tổng hợp ở khu vực giáp đê bối của thôn. Gia đình ông đã xây dựng hơn 160mtường bao, cổng dậu và trồng cây ngay sát chân đê. Từ tháng 6, cán bộ xã, thôn đã nhiều lần đến đôn đốc, nhắc nhở gia đình ông chủ động tháo dỡ, giải tỏa công trình, cây cối, thậm chí lập biên bản vi phạm nhưng ông hy vọng xã “nhắc để đấy” chứ không xử lý. Khi tổ công tác cưỡng chế, giải tỏa vi phạm đê điều của xã huy động máy móc, nhân lực đến giải tỏa ông Thành mới tin là xã “làm thật” và vui vẻ chấp hành cưỡng chế giải tỏa toàn bộ vi phạm của gia đình. 

Ông Thành chia sẻ: Nếu xã, huyện, tỉnh không làm quyết liệt thì tôi và nhiều người dân vi phạm cũng chưa nghiêm chỉnh chấp hành Luật Đê điều. Mặc dù bị giải tỏa, thiệt hại tài sản nhưng tôi thấy rất thỏa đáng. Gia đình tôi sẽ rút kinh nghiệm trong xây dựng và sản xuất để vừa phát triển kinh tế gia đình vừa bảo đảm an toàn đê điều chung của địa phương.

Ông Trần Nguyên Soái, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến cho biết: Thời điểm trước khi xã ra quân xử lý, không riêng gia đình ông Thành mà hàng chục hộ dân khác cũng vi phạm hành lang đê điều với nhiều hình thức khác. Để công tác giải tỏa bảo đảm triệt để, xã thành lập đoàn khảo sát, thống kê, lập danh sách 100% các hộ vi phạm cần giải tỏa. Cán bộ thôn đến thông báo, tuyên truyền, vận động và ký cam kết với từng hộ để bà con tự giác giải tỏa sớm. Thực tế, hầu hết các hộ tự giác tháo dỡ, giải tỏa công trình, cây cối vi phạm nhưng cũng còn một số hộ do không có lao động hoặc cố tình không giải tỏa, cần sự vào cuộc quyết liệt của xã. Từ ngày 11/7, xã huy động lực lượng tiến hành giải tỏa trên toàn bộ tuyến đê. Kết quả, đã tháo dỡ trên 300m2 tường bao, cổng dậu; phá bỏ hàng trăm cây trồng tại chân đê; phát quang hơn 10.000m2 cỏ dại, cây cối, rác thải trên mặt đê, mái đê. Đến nay, tuyến đê qua địa bàn thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai.

Huyện Vũ Thư hiện có gần 100km đê các cấp, trong đó có gần 60km đê quốc gia là đê Hồng Hà II và đê hữu Trà Lý, còn lại là đê bối dân cư. Qua khảo sát trước mùa mưa, bão, trên địa bàn huyện vẫn có hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình vi phạm Luật Đê điều, phổ biến nhất là các trường hợp xây dựng công trình nhà ở, lều quán, nhà tạm, tường bao cổng dậu, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, các trường hợp xe quá tải trọng lưu thông trên mặt đê gây sụt, lún mái đê. Vi phạm xảy ra ở hầu hết tuyến đê, trong khi địa bàn huyện lại có nhiều tuyến đê đã xuống cấp và 6 trọng điểm đê xung yếu, nếu không giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang đê điều sẽ gây cản trở công tác phòng, chống thiên tai.

Ông Lại Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/5/2017 của UBND tỉnh, từ ngày 19/5, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, triển khai nhiệm vụ tới lãnh đạo các địa phương về công tác quản lý đê điều, kinh doanh bến bãi vật liệu ven sông. Trong quá trình triển khai, huyện khuyến khích các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ máy móc, nhân lực để nhân dân tự giác tháo dỡ, giải tỏa các công trình vi phạm hành lang đê điều. Trên địa bàn huyện hiện có 19 cụm bến bãi với 48 bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, trong đó có một số bến bãi tập kết vật liệu ở vị trí sát chân đê, mái đê và chất vật liệu cao quá mức cho phép. Huyện đã tổ chức ký cam kết với 100% chủ bến bãi và tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các chủ bến bãi tự giác di dời, giải tỏa vật liệu để bảo vệ an toàn hành lang đê, kè, cống và hành lang thoát lũ.

Kết quả, sau gần 2 tháng triển khai, phần mái đê và chân đê ở các tuyến đê đã cơ bản được giải tỏa, phát quang, bảo đảm thông thoáng. Nhân dân đã tự tháo dỡ hầu hết các công trình vi phạm, cấp xã cưỡng chế giải tỏa hơn 300 công trình vi phạm, cắt bỏ hàng nghìn cây trồng sát chân đê, các bến bãi đã chủ động di dời vật liệu bảo đảm an toàn hành lang đê điều, góp phần tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là công tác hộ đê khi có tình huống xấu xảy ra.

Hà Phương