Thứ 2, 08/07/2024, 06:20[GMT+7]

Giám khảo Cánh Diều: 'Tiếng cười trong phim Việt chưa sâu sắc'

Thứ 3, 09/04/2019 | 19:30:35
673 lượt xem
Theo nhóm chấm giải, điện ảnh nội năm qua bớt phim "thảm họa", tiến bộ về kỹ thuật nhưng kịch bản còn khuyết điểm.

Ở hội thảo, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức quỹ điện ảnh theo mô hình nhiều nước - trích một phần doanh thu phát hành phim để hỗ trợ làm các dự án nghệ thuât. Bà Lan là Cục trưởng Cục Điện ảnh từ năm 2012 đến năm 2018.

Sáng 9/4, tọa đàm "Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018" diễn ra ở TP HCM. Sự kiện bên lề giải Cánh Diều quy tụ một số nhà làm phim, quản lý, phê bình.

Trưởng ban chấm giải phim truyện - nhà phê bình, lý luận điện ảnh Trần Luân Kim - nhận định tác phẩm dự thi năm nay có nội dung phong phú, nêu nhiều khía cạnh cuộc sống. Tuy nhiên, kịch bản vẫn là điểm yếu của phim Việt, nhân vật chưa hoàn chỉnh về tâm lý, thiếu tình huống logic. Dù phim hài chiếm ưu thế và thắng lớn phòng vé, tiếng cười trên màn ảnh còn dễ dãi và thiếu tính châm biếm xã hội. Ý kiến này được nhiều nhà làm phim, nhà phê bình tán đồng.

Điện ảnh Việt được nhận định chưa có nhiều tác phẩm độc đáo về nghệ thuật. Theo biên kịch Đoàn Tuấn, phim nội chủ yếu là hài và hành động, cách làm chưa sáng tạo, đôi khi giống nước ngoài dễ khiến khán giả chán. Biên kịch Hồng Ngát cho rằng nhiều phim kinh dị Việt Nam có nội dung quá rập khuôn, ví dụ như nội dung nhân vật đến nhà hoang rồi gặp hiện tượng kỳ lạ.

Một lý do khiến nhà sản xuất ngại mạo hiểm thử nghiệm là kết quả phòng vé. Đạo diễn Đào Bá Sơn, Lê Hồng Chương nêu thực trạng các phim có giá trị, đậm chất tác giả như "Song Lang", "Đảo của dân ngụ cư" đều ít người xem, nhanh chóng rời rạp. Cũng theo ông Đào Bá Sơn, do điện ảnh Nhà nước suy yếu, phim Việt đang thiếu những tác phẩm về chiến tranh hoặc phê phán sự xuống cấp đạo đức.

Sự lấn át của phim ngoại cũng là thách thức lớn cho điện ảnh Việt. Theo Hội Điện ảnh, năm ngoái có khoảng 40 phim nội và gần 300 tác phẩm nước ngoài chiếu ở Việt Nam. Việc nhập ồ ạt, thiếu quy định hạn chế phim ngoại giống Trung Quốc (chỉ chiếu 34 phim nước ngoài mỗi năm) khiến tác phẩm nội bị thất thế ngay trên sân nhà. Ngoài ra, biên kịch Hồng Ngát nói các phim ngoại được nhập về chủ yếu là hành động, kinh dị và hài, một số tác phẩm thậm chí kém chất lượng. Nhiều phim có giá trị cao của thế giới lại không được phát hành ở Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định phim Việt có nhiều điểm sáng gần đây. Theo ban giám khảo Cánh Diều, phim nội tiến bộ nhiều về kỹ thuật, trong đó khâu dàn cảnh, tạo hình, quay phim cho thấy sự chuyên nghiệp, không thua kém một số tác phẩm ngoại. "Trong 14 tác phẩm, chỉ một phim chúng tôi đánh giá thấp. Không còn hiện tượng các phim 'thảm họa' góp mặt nhiều như trước đây. Đó là tín hiệu đáng mừng", trưởng nhóm giám khảo Trần Luân Kim cho biết.

Đạo diễn Đào Bá Sơn nhận định các phim dở dần bị đào thải khi trình độ thưởng thức của khán giả ngày càng tăng. Ngoài ra, các hệ thống rạp ngày càng khắt khe, không nhận phim quá kém, không đảm bảo chất lượng kỹ thuật. Nhà làm phim sinh năm 1954 cũng đánh giá cao sự khởi sắc doanh thu gần đây của phim Việt: "Mùa Tết 2019 có hai phim Cua lại vợ bầu, Trạng Quỳnh thắng lớn. Sau đó, Hai Phượng đạt doanh thu ấn tượng - hơn 200 tỷ. Phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân còn được phát hành ở 28 cụm rạp tại Mỹ. Đây là bước đi tiên phong cho điện ảnh Việt Nam", ông nói.

Video: song_lang_official_trailer_khoi_chieu_17.08.2018.mp4

Trailer "Song Lang' - tác phẩm được đánh giá cao trong loạt phim điện ảnh dự thi năm nay.  

Các thành viên tọa đàm dành nhiều lời khen cho "Song Lang" của đạo diễn Leon Lê. Theo bà Ngô Phương Lan - cựu Cục trưởng Cục Điện ảnh, đây là tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. Phim còn lồng ghép thông điệp về văn hóa dân tộc thông qua câu chuyện về cải lương. Nhiều người lấy tác phẩm là ví dụ cho điểm tích cực của điện ảnh Việt năm qua.

Lễ trao giải Cánh Diều sẽ diễn ra ngày 12/4 ở TP HCM. Đây là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, ra đời từ năm 2003. Năm nay, danh sách dự thi gồm 14 phim điện ảnh, 13 phim truyền hình, 14 phim hoạt hình, 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học, 26 phim ngắn và hai công trình lý luận, phê bình. Tiêu chí giải thưởng là đề cao tác phẩm có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Năm ngoái, "Cô Ba Sài Gòn "thắng giải "Phim điện ảnh xuất sắc" còn "Thương nhớ ở ai" là "Phim truyền hình xuất sắc".

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày