Thứ 5, 10/10/2024, 20:42[GMT+7]

Tai biến sau tiêm chủng: Bao giờ rõ nguyên nhân?

Thứ 5, 10/01/2013 | 09:16:51
1,811 lượt xem
Từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013 đã ghi nhận tần suất xuất hiện các trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem cao bất thường. Sáu ca đã tử vong sau tiêm chủng tại Nghệ An, Thanh Hóa, Kiên Giang và Hà Nội. Sáng 9-1, Bộ Y tế đã họp khẩn xử lý tai biến trong tiêm chủng, nhưng cuối cùng, nguyên nhân là gì vẫn bỏ ngỏ.

Không loại trừ dấu hỏi về chất lượng vắc-xin

 

Mới đây nhất đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng tại Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội từ ngày 20-12-2012 đến 5-1-2013.

 

Ba trường hợp ở Bình Định (không có trường hợp tử vong) gồm có một trường hợp phản ứng nặng, hai trường hợp phản ứng nhẹ; một trường hợp trẻ hai tháng tuổi ở Kiên Giang tử vong sau 96 giờ tiêm; một trường hợp trẻ ba tháng tuổi ở Hà Nội tử vong sau 20 giờ tiêm. Các trường hợp đều có các biểu hiện như: trẻ sốt nhẹ, khóc thét, sốt, co giật, tím tái. Tất cả các trường hợp trên đều có tiền sử khỏe mạnh.

 

Cục Y tế Dự phòng đã chỉ đạo các Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Sở Y tế Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội nhanh chóng tiến hành điều tra, xác minh tại địa điểm tiêm chủng. Các lô vắc-xin liên quan đến phản ứng tại tỉnh Bình Định, Kiên Giang và Hà Nội đã bị tạm dừng sử dụng trên địa bàn.

 

Sáng nay (9-1), Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh, cấp Bộ đã họp đánh giá các trường hợp nêu trên cũng như tất cả các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem.

 

Ông Nguyễn Văn Bình – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, Hội đồng tư vấn chuyên môn khẳng định không có có bằng chứng về sự liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm với quy trình bảo quản, vận chuyển vắc-xin và dịch vụ tiêm chủng. Quy trình thẩm định, cấp giấy phép lưu hành, kiểm định và sử dụng vắc-xin tuân thủ theo quy định.

 

“Hiện chưa có bằng chứng về sự liên quan giữa phản ứng sau tiêm chủng và chất lượng vắc-xin. Tuy nhiên cũng chưa đủ cơ sở để loại trừ nguyên nhân này. Bộ Y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các đơn vị liên quan tiếp tục tiến hành các biện pháp kiểm tra chất lượng vắc-xin, nghiên cứu đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng”, ông Bình cho hay.

 

Bao giờ tìm ra nguyên nhân?

 

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có chỉ đạo Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tăng cường tập huấn cho cán bộ tiêm chủng về tiêm chủng an toàn, giám sát xử lý phản ứng sau tiêm. Bộ Y tế cũng đưa ra nhận định, khi sử dụng vắc-xin có thể xảy ra phản ứng do những nguyên nhân khác nhau. Việc xuất hiện các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng trong thời gian gần đây là đáng quan tâm. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết để bảo vệ cho trẻ em, gia đình và cộng đồng, chủ động phòng bệnh.

 

Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng, Chương trình tiêm chủng mở rộng phải tiếp tục tăng cường chất lượng của dây chuyền bảo quản lạnh, theo dõi chất lượng vắc-xin nghiêm ngặt từ sản xuất, vận chuyển đến tiêm chủng. Các cán bộ tiêm chủng phải tăng cường tiêm chủng an toàn, từ quy trình tiêm, hỏi tiền sử của trẻ trước tiêm, theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm, có chỉ định đúng, có tư vấn cho gia đình trẻ về chăm sóc bé sau tiêm, nếu đã có tiền sử dị ứng với mũi tiêm thứ nhất thì cẩn trọng ở mũi hai, đưa ngay đến cơ sở y tế khi bé có biểu hiện sốt kéo dài, khóc thét trên ba giờ, co giật trong ba ngày sau tiêm...

 

Ông Hiển cũng khuyến cáo, về phía gia đình, nên hiểu rõ con tiêm vắc-xin gì, có hạn chế gì, chống chỉ định thế nào và hợp tác với cán bộ y tế như thông báo tiền sử sinh đẻ: bé có sinh non không, có biểu hiện bất thường trong ba ngày gần đây không...

 

Tuy nhiên, trong khi Bộ Y tế chưa tìm ra câu trả lời cho cái chết của những trường hợp trẻ tử vong sau tiêm, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn không thể yên tâm đưa con đi tiêm chủng. Chị Nguyễn Thị Hiền, Thanh Xuân – Hà Nội chia sẻ: “Con trai tôi bốn tháng tuổi, đã tiêm được một mũi năm trong một. Từ khi ở Hà Nội có trẻ bị tử vong sau tiêm chủng, tôi thấy rất lo lắng, không biết có nên đưa con đi tiêm chủng nữa hay không”.

 

Người dân vẫn chờ đợi ở Bộ Y tế một câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng.

Theo nhandan.com

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày