Thứ 5, 10/10/2024, 21:48[GMT+7]

Thế giới trước nguy cơ khủng hoảng lương thực mới

Thứ 6, 11/01/2013 | 14:44:38
3,219 lượt xem
Từ đầu năm đến nay, thời tiết thất thường xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Kho dự trữ lương thực ở nhiều nước đã vơi đi trông thấy, giá lương thực ngày càng leo thang. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, chắc chắn nhiều nước và khu vực lại rơi vào tình trạng đói kém, như năm 2007 - 2008.

Ảnh mang tính minh họa

Thời tiết khô hạn ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nước và khu vực

 

Nắng nóng và hạn hán hoành hành suốt từ tháng 6 đến nay đã hủy hoại việc sản xuất ngũ cốc và đậu tương tại nhiều vùng trên khắp nước Mỹ; các trang trại phải chịu đựng đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 56 năm qua. Trong tổng số 50 bang của nước Mỹ, có tới 48 bang trải qua một tháng 7 nắng nóng dữ dội chưa từng thấy. Khô hạn kéo dài đã làm cho sản lượng ngũ cốc của cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới này bị giảm sút nặng nề, đẩy giá ngũ cốc lên cao, đặc biệt là giá ngô và đậu tương cao tới mức kỷ lục vào tháng 8, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa mì cũng tăng 19%. Tình hình đó làm cho giá tổng thể gói thực phẩm của nước Mỹ leo thang đến chóng mặt.

 

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng làm cho các nước xuất khẩu lúa mì lớn như Nga, U-crai-na và Ca-dắc-xtan buộc phải cắt giảm xuất khẩu. Các chuyên gia thị trường của Commerzbank cho biết, nhiệt độ cao và hạn hán tại khu vực quanh biển Đen đã làm cho diện tích lúa mì ở đây sụt giảm nghiêm trọng. Tại các khu vực sản xuất nông nghiệp lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng xảy ra tình trạng mưa nắng thất thường, sâu bệnh trầm trọng, làm ảnh hưởng rất nặng nề tới sản lượng lương thực và ngũ cốc. Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã phải cắt giảm dự báo sản lượng lúa gạo toàn cầu trong năm nay, từ 732 triệu tấn trong dự báo trước đó, xuống còn 725 triệu tấn. Các nhà khí tượng học Nhật Bản cảnh báo rằng, dường như thế giới đang cảm thấy sự khởi đầu của hiện tượng thời tiết En Ni-nô, trong đó có hiệu ứng ấm lên tự nhiên ở phía Tây Thái Bình Dương và có thể sẽ kéo dài cho đến khi mùa đông đến ở Bắc Bán cầu. 

 

Ông Xa-mi-ran Sác-ra-bô-ty (Samiran Chakraborty), Giám đốc nghiên cứu khu vực của Ngân hàng Standard Chartered, cho biết, tại Ấn Độ, mọi sự chú ý đang tập trung vào vấn đề lạm phát lương thực, bởi lượng mưa trong mùa mưa vào giữa tháng 8 vừa qua thấp hơn mức trung bình 15,2%, và dự báo giá gạo ở châu Á sẽ tăng 10% trong những tháng tới, khi nguồn cung thắt chặt. Ông Cu-rúp-pa-xéc-ri Véc-ky Tô-mát (Kuruppasserry Varkey Thomas), Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ, trong bài phát biểu mới đây trước Quốc hội nước này cũng đã nhấn mạnh rằng, Ấn Độ cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá do triển vọng xấu của vụ thu hoạch lương thực, vì điều kiện thời tiết không thuận lợi. 

 

Tại Ban-căng, hạn hán chưa từng thấy cũng gây thiệt hại ước tính lên tới trên 1 tỷ euro cho ngành nông nghiệp của một trong những khu vực nghèo nhất châu Âu. Tình hình ở Đông Phi hiện nay cũng đã đến mức báo động đỏ, khi đang rất thiếu ngô, thứ lương thực chủ yếu đối với hàng trăm triệu người ở Kê-ni-a, U-gan-đa và Xô-ma-li. Còn tại châu Á, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước có dân số đông nhất thế giới. Ngoài ra, hầu hết các nước Mỹ La-tinh cũng sẽ bị ảnh hưởng do đợt tăng giá lương thực này.

 

Ông Pin-ta (Pinta), một quan chức Liên đoàn Nông dân Pháp (FNSEA), cho rằng, hậu quả của điều kiện thời tiết không thuận lợi trong năm nay sẽ là những vụ thu hoạch nghèo nàn, đặc biệt là ngô ở Mỹ và đậu tương ở Nga. Giá lúa mì và gạo trong năm nay đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, giá ngô và đậu tương cũng tăng tới 40%. Điều này đang gây áp lực mạnh mẽ lên giá lương thực và thực phẩm.

 

Tại các quốc gia có mức sinh hoạt cao như Mỹ và các nước Tây Âu, giá lương thực tăng cao đột ngột đang tạo ra nhiều thách thức, buộc các gia đình có thu nhập thấp phải đưa ra những lựa chọn khó khăn trong chi tiêu. Ở những nước có mức sinh hoạt thấp, giá lương thực tăng cao càng tạo áp lực lớn, buộc người dân phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm nhiều khoản chi tiêu, cốt sao có đủ tiền mua lương thực, nhằm trước hết tái tạo sinh lực để sản xuất. Đối với các nước nghèo, kỹ thuật canh tác nông nghiệp lạc hậu, hiện lương thực chủ yếu vẫn phải trông chờ vào nhập khẩu, chẳng hạn như An-gô-la, Tuy-ni-di, Ai Cập…, khi giá lương thực tăng cao còn có thể gây bất ổn xã hội, như đã từng xảy ra trong những năm gần đây, thậm chí gây áp lực cho ngân sách nhà nước, vì buộc phải dồn tiền cho việc trợ giá lương thực.

 

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, vùng Sa-hen của châu Phi là khu vực thiếu hụt lương thực kinh niên, nơi có số trẻ suy dinh dưỡng ước đã tăng lên mức cao mới - khoảng 1,5 triệu em, do dịch tả và nạn châu chấu. Trong khi đó, cơ quan cứu trợ World Vision của Ốt-xtrây-li-a cho biết, hiện tại ở Ni-giê, Ma-li, Sát, Mô-ri-ta-ni và Xê-nê-gan… đã có tới 18 triệu người đang cần trợ giúp lương thực.

 

Nhìn lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007 - 2008, có thể thấy, do thời tiết xấu gây thất bát mùa màng, tăng cường sử dụng lương thực để chế biến nhiên liệu sinh học, dẫn đến giá gạo tăng vọt lên gấp 3 lần, khiến nhiều nước không đủ tiền mua gạo cho dân; hơn nữa, nhiều nước quá lo lắng, chỉ nghĩ đến quyền lợi của dân mình, đã đề ra chính sách cấm xuất khẩu ngũ cốc. Tất cả điều đó đã làm cho cuộc khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng hơn. Chẳng hạn, tại In-đô-nê-xi-a, Chính phủ phải huy động quân đội canh giữ các kho lương thực; hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực, xung đột đẫm máu xảy ra tại Ai Cập, Ca-mê-run và Ha-i-ti.

 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007 - 2008 đã khiến cho gần 100 triệu người trên thế giới bị đói ăn, đứt bữa; còn cuộc khủng hoảng lương thực năm 2010 cũng làm cho 44 triệu người phải chịu cảnh bữa cơm, bữa cháo. WB dự báo, cuộc khủng hoảng lương thực sắp tới có thể sẽ khiến cho khoảng 44 đến 100 triệu người lâm vào tình cảnh thiếu ăn, nếu thế giới không có

các biện pháp ứng cứu hữu hiệu kịp thời.

 

Nhiên liệu sinh học và chăn nuôi ngốn nhiều lương thực

 

Nhiều cảnh báo cho rằng, nguồn nhiên liệu dầu mỏ trên trái đất không bao lâu nữa sẽ cạn kiệt, bởi thế, từ hàng chục năm nay người ta đua nhau tìm nguồn năng lượng mới, thay thế nó, đó là nhiên liệu sinh học, đặc biệt là dùng ngô và mía để sản xuất cồn ê-ta-nôn (ethanol) thay cho xăng. Từ lâu, Mỹ, Ca-na-đa, các nước Mỹ La-tinh và nhiều nước Tây Âu đã sử dụng một khối lượng khá lớn xăng pha cồn ê-ta-nôn (với một tỷ lệ thích ứng, hợp lý) làm nhiên liệu cho các loại động cơ máy phát điện loại nhỏ và trung bình, động cơ ô tô, tàu thủy, xe máy… Thông thường, Mỹ sử dụng khoảng 1/3 sản lượng ngô của mình để sản xuất ê-ta-nôn, 1/3 dùng để chăn nuôi gia súc, gia cầm và 1/3 còn lại phục vụ tiêu dùng cho con người như một loại rau, hoặc trong các thực phẩm chế biến như si-rô ngô, tinh bột ngô để làm bánh, kẹo…

 

Năm 2012, chỉ tiêu về nhiên liệu tái sinh của Chính phủ Mỹ đòi hỏi sản xuất tới 49,2 tỉ lít ê-ta-nôn từ ngô và năm 2013 sẽ sản xuất 52,2 tỉ lít. Như vậy, trong năm 2012, chỉ tiêu ê-ta-nôn ngô sẽ ngốn mất 40% tổng sản lượng ngô của nước này. Trong bối cảnh hạn hán kéo dài, ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng ngũ cốc, nhất là sản lượng ngô, sự cạnh tranh giữa ngành chăn nuôi và ngành sản xuất ê-ta-nôn càng trở nên căng thẳng. Nếu kiên quyết thực hiện đầy đủ chỉ tiêu nhiên liệu tái sinh ê-ta-nôn ngô, chắc chắn phải thu hẹp chăn nuôi, kể cả bò sữa, bò thịt, các loại gia súc khác và gia cầm.

 

Suốt mấy tháng gần đây, các nhà sản xuất sữa, thịt gia súc và gia cầm ở Mỹ đã không ngừng kêu gọi chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cho ngừng, hoặc giảm bớt chỉ tiêu sản lượng ê-ta-nôn từ ngô. Họ cảnh báo rằng, việc bảo đảm chỉ tiêu về nhiên liệu tái sinh có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực trong bối cảnh hạn hán kéo dài đang đẩy giá ngô và đậu tương lên những kỷ lục mới. Tuy nhiên, sức mạnh của ê-ta-nôn ngô đã khiến giới chức Mỹ còn chùng chình, lưỡng lự, chưa đưa ra quyết định, nhất là khi cuộc bầu cử tổng thống mới đã đến gần.

Người châu Á cũng nên xem lại khẩu phần lương thực

Đa số các nước châu Á đều sử dụng lúa gạo làm lương thực chủ yếu cho cuộc sống con người. Riêng các nước ASEAN tiêu thụ gạo nhiều nhất - bình quân mỗi người tiêu thụ 164 kg gạo/năm, trong khi trên thế giới, trung bình mỗi người chỉ tiêu thụ 65 kg lương thực/năm. Các nước ASEAN đóng góp hơn 22% nhu cầu gạo toàn cầu. Hiện nay, mỗi năm các nước này tiêu thụ khoảng 100 triệu tấn. Trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ này, nhu cầu gạo của ASEAN sẽ tăng mỗi năm khoảng 1%; đến năm 2021 sẽ tiêu thụ khoảng 111,3 triệu tấn, chủ yếu là do tăng dân số.

 

Tổng sản lượng lúa gạo của các nước ASEAN tăng mỗi năm khoảng 1,37%. Theo đó, sản lượng lúa gạo ở khu vực này sẽ tăng từ 110,5 triệu tấn trong niên vụ 2010 - 2011 lên 128,3 triệu tấn trong niên vụ 2021 - 2022, nếu không bị nắng hạn hay ngập úng làm thất bát quá nặng nề. Mức tăng sản lượng này chủ yếu do tăng năng suất 1,22%/năm. Diện tích trồng lúa gạo nhiều lắm cũng chỉ có thể tăng từ 46 triệu ha hiện nay lên 47 triệu ha vào niên vụ 2021 - 2022. Diện tích canh tác lúa gạo bị hạn chế là do thiếu đất trồng, thiếu nguồn nước tưới, luân phiên sử dụng đất trồng, phải nhường chỗ cho các loại nông sản khác, nhường đất xây dựng các khu công nghiệp, các khu đô thị mới, đường sá giao thông, trong khi đó rất khó khai hoang những diện tích canh tác mới. Mặt khác, chi phí đầu vào, đặc biệt là năng lượng tăng cao cũng khiến hoạt động sản xuất bị hạn chế.

 

Hiện nay, ASEAN đóng góp khoảng 53,3% khối lượng xuất khẩu gạo của thế giới. Dự kiến tăng trưởng xuất khẩu gạo của khu vực này đạt 3,3%/năm, từ 15,5 triệu tấn năm 2011 lên 21,5 triệu tấn năm 2021. ASEAN có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực cho khu vực châu Á, nơi đông dân nhất thế giới. Thế nhưng, cũng phải thấy rằng, các nước ASEAN sản xuất được bao nhiêu lúa gạo thì người dân ở chính khu vực này cũng sử dụng gần hết bấy nhiêu, số dư thừa để xuất khẩu ra các khu vực khác trên thế giới không đáng là bao. Nếu các nước Việt Nam và Thái Lan xuất khẩu gạo nhiều nhất, nhì thế giới, thì Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a lại là những nước cần nhập rất nhiều gạo. Mặc dù hai quốc gia này đang cố gắng thực hiện các chương trình tự túc lương thực bằng cách sử dụng các giống lúa năng suất cao và mở rộng diện tích trồng trọt, nhưng Phi-líp-pin vẫn phải nhập khẩu gạo nhiều thứ hai thế giới, còn In-đô-nê-xi-a nhập khẩu gạo nhiều thứ ba thế giới. Tổng khối lượng nhập khẩu gạo của hai nước này chiếm khoảng 11,6% lượng nhập khẩu gạo trên toàn cầu.

 

Nhiều chuyên gia, nhất là các chuyên gia về nhân chủng học, khuyến cáo rằng, người châu Á nên xem xét lại khẩu phần gạo trong bữa ăn. Nếu họ tăng cường hơn nữa tỷ lệ các loại rau, củ, quả trong suất ăn, đặc biệt là tăng các sản phẩm sữa, đậu tương, thì họ có thể giảm mức tiêu thụ gạo trung bình mỗi năm xuống dưới 100 kg/năm và dần dần xuống 70-80 kg/năm, ngang với mọi người trên thế giới, và khi đó vấn đề an ninh lương thực của loài người sẽ không còn phải lo lắng nhiều. Hơn nữa, nếu mạnh dạn thay đổi thành phần bữa ăn, chắc chắn cũng sẽ góp phần cải thiện đáng kể chiều cao và thể lực nói chung của nhiều dân tộc các nước châu Á trong tương lai.

 

Cùng nhau ngăn chặn nguy cơ thiếu lương thực

 

Không kiềm chế xuất khẩu, cũng không hoảng loạn nhập khẩu và tích trữ thêm lương thực - đó là phương châm của cả cộng đồng thế giới nhằm ngăn chặn nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực mới.

 

Viện Nghiên cứu và Chính sách Lương thực quốc tế cho biết, việc hạn chế xuất khẩu lương thực của một số quốc gia trong cuộc khủng hoảng giá lương thực cách đây 4 năm đã góp phần làm tăng hơn 60% giá gạo toàn cầu. Các chuyên gia viện này cho rằng, xét trên quan điểm toàn cầu, việc một số nước đề ra chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực và nông sản, như năm 2007 - 2008, sẽ gây nguy hại về an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác. Còn việc lạm phát giá lương thực khiến các quốc gia thiếu lương thực hoảng loạn, mua thêm và đẩy mạnh tích trữ sản phẩm lương thực sẽ làm cho tình hình càng trở nên trầm trọng hơn. Bởi thế, có thể khẳng định, việc hạn chế xuất khẩu và ngược lại, việc mua và tích trữ thêm lương thực như vậy có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng về giá lương thực, tác động đến an ninh lương thực toàn cầu.

 

Để ngăn chặn nguy cơ nói trên, Chính phủ Mỹ và nhiều nước khác đã tích cực tìm kiếm thỏa thuận trên các diễn đàn đa phương, nhằm dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu lương thực và bảo đảm rằng, các quốc gia sẽ hạn chế sử dụng những biện pháp này trong tương lai. Năm 2011, các nhà lãnh đạo G-20 đã thúc đẩy các biện pháp dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu lương thực. Những cam kết như vậy cũng đã được nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Vla-đi-vô-xtốc của Nga vào hai ngày 8 và 9 tháng 9 vừa qua.

 

Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Le Monde (Pháp) mới đây, người đứng đầu FAO, ông Giô-xơ Gra-di-a-nô Đa Xin-va (Jose Graziano Da Silva), cũng đã cảnh báo, giá lương thực sẽ leo thang và biến động nhiều trong 10 năm tới. Ông Đa Xin-va khẳng định, sự phối hợp quốc tế đã được nâng cao nhờ sáng kiến của nhóm G-20 nhằm tăng cường sự minh bạch trên các thị trường nông sản. Người đứng đầu FAO đề nghị các nước ngừng dùng các loại lương thực, như ngô, để sản xuất nhiên liệu sinh học. Ông cho rằng, vấn đề này có thể tránh được trong tương lai, khi công nghệ nhiên liệu sinh học tiên tiến hơn sẽ được áp dụng cùng với việc tăng cường sử dụng các cây phi lương thực. Mặt khác, cũng phải nhanh chóng cải thiện các công nghệ bảo quản lương thực, nhất là hệ thống các kho, vận chuyển lương thực và chế biến lương thực. Theo ông Đa Xin-va, 1/3 trong tổng sản lượng lương thực đã bị hao hụt và mất đi do công tác tích trữ kém cỏi tại các nước đang phát triển, hoặc để “rơi vãi và bỏ phí” tại các nước giàu có. Ông thúc giục các nước sản xuất nông sản hàng đầu thế giới cần phối hợp hành động để làm dịu bớt mối lo ngại về giá lương thực gia tăng.

 

Thế giới hiện đang đứng trước cơn sốt giá lương thực leo thang thứ ba trong vòng 5 năm qua. Rút bài học từ cuộc khủng hoảng lương thực những năm 2008 và 2010, nhóm G-20 đã thành lập một tổ chức mang tên Rapid Response Forum (Diễn đàn phản ứng nhanh - RRF) để đối phó với cơn sốt giá thực phẩm đang leo thang hằng ngày trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi một cuộc khủng hoảng trên các thị trường lương thực toàn cầu đang đến gần, thì RRF có vẻ chưa được như mong đợi. Theo trang tin FT, lãnh đạo G-20 và Liên hợp quốc đã họp kín và lên kế hoạch lập một diễn đàn khẩn cấp mới vào cuối tháng 8 vừa qua. Một số lãnh đạo G-20 cho biết, cuộc họp nhằm thảo luận biện pháp ngăn chặn các chính sách hạn chế xuất khẩu, đầu cơ, tích trữ gây khan hiếm hàng hóa nông sản nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm qua, hoặc như đã xảy ra ở cuộc khủng hoảng trước.

 

Tổ chức từ thiện Oxfam đã kêu gọi FAO khuyến nghị giảm thiểu việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ ngô ở Mỹ. Thế nhưng, giới vận động hành lang ở Mỹ đang ráo riết tìm cách ngăn cản khuyến nghị này. Đối với các chủ trang trại Mỹ, nhiên liệu sinh học chính là một nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định giá cao. Nếu giảm sản lượng nhiên liệu sinh học, thu nhập của họ có nguy cơ bị giảm sút rõ rệt.

 

Theo tapchicongsan.org.vn  

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày