Thứ 7, 23/11/2024, 10:22[GMT+7]

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thứ 4, 13/11/2024 | 15:33:03
688 lượt xem
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Các FTA thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cả trực tiếp và gián tiếp. Các doanh nghiệp trong nước nếu không đổi mới công nghệ sẽ khó tồn tại. Trong bối cảnh đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) có tầm quan trọng đặc biệt.

Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát nhanh, bền vững đất nước. Ảnh: Vietnam+

Theo sự phát triển của sản xuất xã hội, sức lao động của xã hội không ngừng được hoàn thiện, phát triển và nhận thức về nguồn lực này cũng ngày càng đầy đủ hơn. Sự phát triển của nhận thức về sức lao động của xã hội được thể hiện trong khái niệm NNL. Nếu như trước đây, NNL chỉ đơn thuần được coi là phương tiện, là một trong số nguồn lực cho phát triển như các nguồn lực vật chất khác, thì ngày nay NNL còn được xác định là mục tiêu của sự phát triển. Trong điều kiện cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, trí tuệ con người ngày càng được đề cao, được đánh giá là nguồn lực vô tận, có tính quyết định đối với phát triển và tiến bộ xã hội. NNL, đặc biệt là NNLCLC, nếu biết khai thác và bồi dưỡng hợp lý thì càng phát triển và có khả năng tái sinh nhanh. Chính vì thế, nghiên cứu để phát triển NNLCLC là vấn đề hết sức cần thiết nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. 

Phát triển NNL CLC: Khái niệm, vai trò

NNLCLC được hiểu là một bộ phận của NNL, kết tinh những gì tinh túy nhất, chất lượng nhất của NNL. Là bộ phận lao động có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật (CMKT) cao, có kỹ năng lao động giỏi, có năng lực sáng tạo, đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh, đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn, biết vận dụng tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào trong quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Mặt khác, đây còn là bộ phận lao động có phẩm chất đạo đức tốt, có tác phong nghề nghiệp, có tính kỷ luật, tinh thần yêu nước, ý thức tình cảm dân tộc, ý chí tự lực tự cường và đạo đức trong nghề nghiệp. NNLCLC ở đây bao gồm NNL có trình độ đại học, cao đẳng; NNL lãnh đạo quản lý và hoạch định chính sách, NNL khoa học công nghệ, đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng, các kiện tướng, các nghệ nhân,…Trong bài viết này chỉ nghiên cứu về NNLCLC có trình độ đại học, cao đẳng…

Mỗi thời kỳ khác nhau, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương khác nhau thì yêu cầu về các tiêu chí đánh giá NNLCLC cũng khác nhau. Đối với nước ta hiện nay, để đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH, việc cụ thể hóa các nội dung số lượng, chất lượng, cơ cấu NNLCLC cho phù hợp là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển NNLCLC của quốc gia cũng như của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương.

Phát triển NNL là các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức và thể lực của người lao động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động sản xuất. Kiến thức được nâng lên nhờ quá trình đào tạo, tiếp thu và tích lũy kinh nghiệm, còn thể lực có được là nhờ chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể và chăm sóc y tế.

Trong điều kiện tiến hành CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển NNLCLC như là một phương hướng cụ thể của phát triển NNL. Trong NNL, chất lượng đóng vai trò quyết định trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Do vậy, phát triển NNLCLC đóng vai trò vô cùng quan trọng và là động lực thúc đẩy nền kinh tế, xã hội phát triển. Phát triển NNLCLC cũng gắn với phát triển NNL của xã hội nhưng tập trung khai thác NNL ở khía cạnh lao động chất xám, với trình độ tay nghề cao, có khả năng đáp ứng được yêu cầu cho CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Có nhiều chỉ tiêu đánh giá toàn diện về sự phát triển NNLCLC. Tuy nhiên bài viết sẽ chỉ tập trung khai thác nhóm chỉ tiêu đánh giá về số lượng, cơ cấu và chất lượng NNLCLC đáp ứng yêu cầu SX KD và nhóm chỉ tiêu đánh giá hiệu quả làm việc của nhân lực. 

Vai trò của NNLCLC đối với phát triển KT, XH

Nhân tố quan trọng để tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững với tốc độ cao.

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vốn, khoa học – công nghệ, NNL, cơ cấu kinh tế, thể chế kinh tế,... và sự kết hợp giữa chúng với nhau. Trong số các nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế thì NNL, NNLCLC có vai trò quan trọng đặc biệt vì trong mọi hoạt động của con người, đặc biệt là hoạt động lao động sản xuất nhân tố con người luôn là yếu tố quyết định, có tính sáng tạo và là nguồn nhân lực không cạn kiệt.

Tác động của NNLCLC tới tăng trưởng kinh tế thể hiện rõ nhất ở phương diện tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu. Trong tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu, khoa học – công nghệ có vai trò động lực vì chỉ trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại thì mới có thể tạo ra năng suất lao động xã hội cao từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tuy nhiên, bản thân các thành tựu khoa học – công nghệ cũng không thể tự động tạo ra năng suất lao động cao và từ đó tạo ra tăng trưởng kinh tế. Chủ thể của quá trình này chính là NNLCLC. Việc phát huy vai trò động lực của khoa học – công nghệ phụ thuộc chủ yếu vào số lượng và chất lượng của NNL hiện có, do đó thực tiễn các quốc gia trên thế giới đều quan tâm tới phát triển NNL, đặc biệt thông qua các chính sách tổng thể về phát triển con người, trong đó giáo dục đào tạo thường được coi là quốc sách.

Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và phát triển kinh tế tri thức

Trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, máy móc thay thế lao động cơ bắp của con người; còn ngày nay máy tính giúp con người trong lao động trí óc, nhân lên gấp bội sức mạnh trí tuệ, sức sáng tạo của con người. Thông tin, tri thức trở thành yếu tố quyết định nhất của việc tạo ra của cải, việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tri thức trở thành hình thức cơ bản nhất của vốn, quan trọng hơn cả tài nguyên, sức lao động. Lực lượng sản xuất của xã hội loài người từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên đang chuyển dần sang dựa chủ yếu vào năng lực trí tuệ của con người. Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng có hiệu quả tri thức cho phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm cả việc khai thác kho tri thức toàn cầu, cũng như làm chủ và sáng tạo tri thức cho những nhu cầu của riêng mình.

Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội X, Đảng ta xác định rằng: “Phải coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH, HĐH. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; kết hợp việc sử dụng nguồn vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại. Coi trọng cả số lượng và chất lượng tăng trưởng kinh tế trong mỗi bước phát triển của đất nước, ở từng vùng, từng địa phương, trong từng dự án kinh tế, xã hội”.

Để có thể phát triển kinh tế tri thức cần phải có NNL với chất lượng cao. Nhân tố quyết định đổi mới, sáng tạo.

Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, ngành, vùng và toàn nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cạnh tranh là tất yếu, do đó nâng cao sức cạnh tranh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của từng chủ thể sản xuất kinh doanh. Sức cạnh tranh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô vốn, trình độ ứng dụng khoa học – công nghệ, trình độ tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, NNL, các chính sách của chính phủ…, trong đó NNL có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là NNLCLC.

Ngày nay, các doanh nghiệp, ngành, vùng, nền kinh tế thành công và đứng vững trong cạnh tranh trong nước và quốc tế đều là các chủ thể đã và đang quan tâm tới đầu tư phát triển NNL. Lợi thế cạnh tranh từ giá cả sức lao động thấp đang có xu hướng giảm xuống, làm cho các doanh nghiệp không thể bàng quan với vấn đề NNL của mình nếu muốn đứng vững trong cạnh tranh.

Thực trạng NNLCLC  trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Nhóm chỉ tiêu đánh giá về số lượng và chất lượng NNLCLC

Về quy mô và cơ cấu. Hiện nay trên cả nước, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo từ năm 2019 đến năm 2023 lần lượt là: 22,6%; 23,6%; 26,1%; 26,3%; 27,1%. Những tỷ lệ trên rất khiêm tốn so với tổng số lao động trong độ tuổi lao động. 

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo phân theo ngành kinh tế


2019

2020

2021

2022

2023

Chung

22,6

23,6

26,1

26,3

27,1

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

4,0

4,6

4,1

4,1

4,5

Công nghiệp chế biến, chế tạo

17,7

17,9

23,6

23,4

21,5

Thông tin và truyền thông

86,5

83,5

86,3

88,0

88,1

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

86,0

85,1

86,8

85,7

86,4

Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ

80,2

81,9

84,8

88,0

85,6

Giáo dục và đào tạo

91,2

91,3

91,7

92,2

91,4

Y tế và trợ giúp xã hội

92,2

89,8

92,4

91,3

91,5

Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2023, tr. 185

Việt Nam đang thực hiện quá trình CNH, HĐH. Nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và ngành công nghiệp, chế biên, chế tạo rất thấp. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tỷ lệ tương ứng từ năm 2019 đến 2023 là: 4,0%; 4,6%; 4,1%; 4,1%; 4,1%; 4,5%. Ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo: 17,7%; 17,9%; 23,6%; 23,4%; 21,5%. Như vây, trong các ngành sản xuất của cải vật chất, lao động phổ thông chiếm tỷ trọng cao. Điều này phản ánh chất lượng nguồn nhân lực ở những ngành này còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ.

Về chất lượng NNLCLC. 

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật


2019

2020

2021

2022

2023

Sơ cấp

3,7

4,7

6,8

7,1

6,2

Trung cấp

4,7

4,4

4,1

3,7

4,2

Cao đẳng

3,8

3,8

3,6

3,7

4,0

Đại học trở lên

10,6

11,1

11,7

11,9

12,7

Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2023, tr. 182

Xét theo tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên theo trình độ CMKT ở hệ cao đẳng và đại học thì con số tương ứng qua các năm là: Hệ cao đẳng 3,8%; 3,8%; 3,6%; 3,7%; 4,0%. Hệ đại học là: 10,6%; 11,1%; 11,7%; 11,9%; 12,7%. Sự tăng trưởng là liên tục qua các năm về tỷ lệ ở các hệ này nhưng  rất chậm. Xu hướng trên cho thấy chất lượng NNLCLC ngày càng tốt hơn nhưng có sự mất cân đối giữa đào tạo về thực hành và nghiên cứu.

Nhóm chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả làm việc của nhân lực CLC

Về năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố hàng đầu thể hiện hiệu quả làm việc của người lao động. Các hoạt động học tập, đào tạo, phát triển giúp nâng cao năng lực của nhân lực chỉ thực sự đạt kết quả khi qua đó nhân lực nâng cao được năng suất và hiệu quả công việc. Vì thế NSLĐ là một chỉ tiêu đánh giá sự phát triển NNLCLC.

NSLĐ tăng liên tục qua các năm. Tuy nhiên, NSLĐ ở các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản rất thấp, thấp hơn NSLĐ bình quân chung của cả nước. Năm 2023, NSLĐ ngành này chưa bằng một nửa NSLĐ chung của cả nước. NSLĐ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp. NSLĐ các ngành dịch vụ tăng nhanh và cao hơn các ngành khác. Điều này phản ánh đúng vai trò của NNLCLC làm nâng cao NSLĐ và vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Về thu nhập bình quân. Tăng NSLĐ, tăng thu nhập của người lao động là lợi ích thiết thân và là động lực khuyến khích họ tiếp tục cố gắng học hỏi, phát triển bản thân. Vì thế TNBQ là một chỉ tiêu đánh giá sự phát triển NNLCLC.

Hiện nay trên cả nước, đối với NNLCLC thì TNBQ cao nhất là lao động CMKT cao, sau đó là lao động CMKT bậc trung. Thấp nhất là TNBQ của lao động có kỹ năng của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Về tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động ở các hệ đào tạo cao đẳng và hệ đại học trở lên đã giảm liên tục nhưng tỷ lệ này cao hơn lao động bậc dưới và cao hơn cả tỷ thất nghiệp của lao động không có trình độ CMKT. Năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của lao đông không có CMKT là 2,01%, của lao động được đào tạo qua hệ cao đẳng là 2,69%, của lao động có trình độ đại học trở lên là 2,85%. Tỷ lệ thiếu việc làm thì thấp. Thực tế trên phản ánh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, mất cân đối trong đào tạo.

Nguyên nhân của những thực trạng trên là từ giáo dục đào tạo và sử dụng NNL CLC.

Một số giải pháp nhằm phát triển NNL CLC trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Một là, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Giáo dục và đào tạo chính là một trong những yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, là yếu tố cơ bản nhất đưa đến thành công của mỗi quốc gia. Thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trong các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế. Chú trọng trang bị các kỹ năng mềm cho người học; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp ngay từ bậc học phổ thông giúp người học có định hướng đúng đắn, từ đó xác định động cơ và học tập rõ ràng.

Hai là, có chính sách đãi ngộ để thu hút, phát huy vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực. Hiện nay tiền lương khu vực công so với khu vực tư có cải thiện, song hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc khiến cho nhiều nhân tài, đặc biệt là những người trẻ đang có xu hướng rời bỏ khu vực công ra ngoài làm việc. NNLCLC có xu hướng tìm kiếm cơ hội việc làm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân nhiều hơn. Vì thế cần xây dựng và thực hiện chế độ đãi ngộ tương xứng với kết quả công việc, trình độ và năng lực của người lao 

Ba là, cần xây dựng và có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và trọng dụng nhân lực CLC một cách có hiệu quả.

Bốn là, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, các ngành công nghiệp nền tảng.

Với xu hướng hội nhập như hiện nay, nếu không nhanh chóng xây dựng được NNLCLC, có khả năng làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới thì chỉ có thể đảm nhận được các phần việc có giá trị thấp, hàm lượng chất xám không cao và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Khả năng sáng tạo, tích cực, chủ động của con người cho phép khai thác tính vô tận của các nguồn lực khác. Do đó, chú trọng phát triển NNL, NNLCLC chính là sự bảo đảm cho sự phát triển và phồn vinh của đất nước trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2023, Nxb. Thống kê

Ths. Đặng Thị Tố Tâm 

(Khoa Kinh tế chính trị - Học viện Chính trị khu vực I)





Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày