Thứ 3, 15/10/2024, 12:39[GMT+7]

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Thứ 5, 15/06/2017 | 10:32:19
2,760 lượt xem
Trong tác phẩm Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu, Người sáng lập Báo Thanh Niên, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, từng nói: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức là người vô dụng”.

Điều đó chứng tỏ các bậc tiền nhân hết sức quan tâm đến tâm và tài trong xây dựng con người. Với người làm báo, tâm và tài chính là yếu tố cấu thành nên nhân cách người làm báo chân chính.

Để có tài làm báo, không phải “cầu được ước thấy” mà đó là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện. Trước hết là được học tập trong trường lớp, sau đó là tích lũy từ thực tiễn. Trong chuyện học thì không chỉ học thầy trong trường mà học cả bạn bè, đồng nghiệp. Châm ngôn có câu răn dạy thật chí lý: “Học thầy không tày học bạn”. Lăn lộn vào thực tế cuộc sống sẽ cho các nhà báo không chỉ tài liệu để sáng tạo tác phẩm báo chí mà đó còn là kho kinh nghiệm quý giá để dành, bất kỳ khi nào, trong hoàn cảnh nào lúc cần có tư liệu để sử dụng. 

Trong nghiệp làm báo của mình, có những chuyến đi cơ sở tôi tranh thủ lấy được nhiều tài liệu để nâng cao hiệu quả chuyến đi. Nhưng cũng có lần đi về không viết được gì, vậy mà vẫn thành công bởi tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để khi cần lại lôi từ cái kho dự trữ ấy mà viết, mà phân tích. Thông thường, sau mỗi chuyến về làm việc, các đồng chí lãnh đạo huyện hay cán bộ cơ sở lại ngóng trông có một bài báo trên Báo Thái Bình viết về huyện mình, địa phương mình, đó là áp lực nhưng cũng là động lực để người làm báo phải làm việc thật nghiêm túc, có trách nhiệm, không thể “cưỡi ngựa xem hoa”. Người làm báo cần có sự đam mê với nghề, không thể hời hợt mà trở thành nhà báo giỏi. Trước một đề tài mà Ban Biên tập hay Trưởng phòng giao, phóng viên cần tìm hiểu thật kỹ vấn đề định viết để tránh bị coi là ngô nghê, vì người làm báo vốn liếng duy nhất là con chữ, một chút văn học, còn lại không có chuyên môn chuyên ngành, khi đi cơ sở cần nghe nhiều để hiểu được nhiều, cái gì chưa hiểu thì hỏi, mình viết bài mà chưa hiểu thì bạn đọc làm sao hiểu được, tuyệt đối không giấu dốt, không dễ dãi với bất kỳ tác phẩm nào. 

Nghe, ghi chép và quan sát là việc mà phóng viên không được coi nhẹ. Nghe để hiểu vấn đề. Ghi chép để lưu giữ tài liệu. Quan sát để cảm nhận. Nguồn tài liệu từ các báo cáo tổng kết là thông tin chính thống, rất đáng tin cậy nhưng chỉ dựa vào báo cáo để viết thì không có được bài báo hay vì quá trình hình thành một bài báo là sự sáng tạo. 

Có lần tôi nghe chủ tịch một huyện phàn nàn về bài báo vừa đăng: Nguyên xi như báo cáo tôi trình bày nhưng trích dẫn lại không chính xác. Ông nói chân thành rằng, đọc bài báo, chúng tôi cần thấy chính kiến của nhà báo, cần có sự phân tích, mổ xẻ, thậm chí phê phán điều gì huyện chưa làm được hoặc làm được như vậy đã hết khả năng chưa? So với các huyện khác thì chúng tôi đang đứng ở đâu? Nghe ông nói tôi thấy thật buồn với đồng nghiệp của mình.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại Trường Sa.

Bây giờ nói về chữ tâm. Tài năng một phần do yếu tố bẩm sinh cộng với tích lũy từ thực tiễn và được học hành cơ bản. Nhưng cái tâm của con người lại là nỗ lực phấn đấu ở mọi lúc, mọi nơi. Khi tôi đang làm việc có một trường hợp đến cơ quan đưa đơn khiếu kiện tranh chấp hơn 10m2 đất, trước khi về người ấy đưa cho tôi một nắm tiền, nói là tiền đi đường, tôi kiên quyết không nhận với lời giải thích: Tôi về huyện đã có huyện lo ăn, đi đường thì có công tác phí, nếu bà thuê viết thì xin gửi lại tài liệu để bà thuê người khác, tôi không làm được. Sau này, nguyên chủ tịch một huyện nói: Anh không nhận tiền là sáng suốt vì việc ấy không làm được đâu, mà không được thì bà ấy móc họng anh ra chứ không phải chuyện đùa với bà này. 

Gần đây ở huyện X. có  chuyện đề bạt không bình thường, người ta gửi đơn theo đường bưu điện, sau đó gọi điện cho tôi, ra giá 50 triệu đồng, chỉ cần tôi cho đăng báo trung ương, người đó hẹn tôi về thị trấn nhận tiền. Để tránh tai nạn nghề nghiệp, mặc dù đây là họ tự nguyện (chứ không phải tôi đặt giá) tôi vẫn nhờ anh bạn công an đi cùng và lên kế hoạch đối phó nếu đây là cái bẫy giăng ra với tôi. Rất không may là thấy đông người đó không đến chỗ hẹn. 

Gần đây có chuyện một phóng viên chụp ảnh rồi đến đe dọa người trong ảnh, đòi 30 triệu đồng, khi không đạt được mục tiêu lập tức họ cho đăng công khai bức ảnh đó. 

Vừa qua có một tờ báo ngành cho phóng viên về điều tra chuyện bán đất xây dựng nông thôn mới của trưởng thôn. Điều đáng buồn là người ta đi điều tra chống tiêu cực mà chỉ nghe một phía của người khiếu kiện, không làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng không gặp đối tượng bị khiếu kiện, kết quả là các thông tin đưa ra đều không chính xác. Tổng biên tập tờ báo đang rất lúng túng chưa biết trả lời thế nào. Nhóm phóng viên này do non yếu nghiệp vụ hay làm vì động cơ không trong sáng? Chỉ có trời biết, đất biết và lương tâm người cầm bút viết bài báo ấy biết.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta chúc các nhà báo: “Bút sắc, lòng trong”. Đó chính là mong các nhà báo có cái tâm trong sáng, không bị cám dỗ vì vật chất và có tài năng thật sự để ngòi bút sắc sảo, đóng góp cho đời nhiều tác phẩm báo chí để đời.

Phạm Viết Thanh 

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày