Thứ 5, 28/03/2024, 22:30[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình- Kết quả và một số bài học kinh nghiệm

Thứ 2, 02/03/2020 | 14:33:44
59,149 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực và từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Đường làng ngõ xóm xã nông thôn mới Thái Dương (Thái Thụy) xanh, sạch, đẹp. Nguồn ảnh: Báo Thái Bình

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, năm 2009 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 52-KH/TU tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), trong đó có Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. 

Giai đoạn 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28/4/2011 về “xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ xây dựng nông thôn mới; đến năm 2015, tất cả các xã đạt 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên. 

Giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu đến năm 2020: 75% trở lên số xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 07/11/2013 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nhiều văn bản khác; đến năm 2018 tiếp tục ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018 về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/4/2011 và Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân, bảo đảm nghiêm túc, đúng tiến độ, thời gian quy định.

Các huyện ủy, thành ủy đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai công tác tuyên truyền, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá; huy động nguồn lực của nhân dân cho xây dựng nông thôn mới; phân công cấp ủy, cán bộ các phòng, ban kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các xã. Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, các huyện, thành ủy thường xuyên chú trọng kiểm tra, đánh giá việc chỉ đạo, xây dựng quy hoạch, tổ chức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở cơ sở; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, lệch lạc; đề nghị tỉnh sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới, tạo động lực và phong trào sâu rộng trong nhân dân, đã làm thay đổi nhận thức, cách làm, khắc phục đáng kể tư tưởng trông chờ, ỷ lại; phát huy những nhân tố tích cực, cách làm sáng tạo ở các địa phương.

Đảng bộ các xã trong tỉnh đã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Một số xã ban hành nghị quyết về: công tác tuyên truyền; dồn điền, đổi thửa; xây dựng nếp sống văn hoá; xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp. 100% số xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, ban quản lý, các tổ giúp việc ban chỉ đạo cấp xã; ban dồn điền, đổi thửa ở thôn; phân công cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thể phụ trách, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ở các thôn.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quyết định và kế hoạch tổ chức thực hiện; tập trung chỉ đạo các cấp các ngành và các địa phương trong tỉnh phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân và huy động nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới của các thành phần kinh tế. Các cơ quan thông tin đại chúng và hầu hết các địa phương, cơ sở đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch; tăng thời lượng tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Các xã đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền ở thôn, xóm; in phát tờ rơi, kẻ vẽ panô, áp phích, sáng tác các tiểu phẩm, tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có nhiều sáng kiến trong vận động nhân dân như: chỉ đạo xây dựng mô hình tự quản về vệ sinh môi trường ở thôn; nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; đường, ngõ đẹp, vệ sinh, ngăn nắp; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của, tham gia chỉnh trang khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng thôn, xã...

Nhìn chung, nhận thức của các cấp, các ngành và hầu hết cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, nhân dân có chuyển biến tích cực; thấy rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của Nghị quyết 02-NQ/TU; nhận thức đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và sự quan tâm của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từ đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân về nhận thức và hành động tổ chức thực hiện các chủ trương, nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những chủ trương, chính sách, quy định mới của Trung ương Đảng và Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; nhằm phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất ban hành nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời đã ban hành Thông báo số 476-TB/TU ngày 26/7/2018 của Tỉnh ủy về kết luận cơ chế, chính sách hỗ trợ xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, huyện đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm đặc thù của huyện, thành phố giai đoạn 2018-2019, tỉnh Thái Bình; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018 về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/3/2019 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu; Kết luận số 50-KL/TU ngày 28.02.2019 chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện quy hoạch khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; Thông báo số 629-TB/TU ngày 19/3/2019 về quy định mẫu Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và Nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu;

Nhìn chung, nhận thức của các cấp, các ngành và hầu hết cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, nhân dân có chuyển biến tích cực; nhận thức đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và sự quan tâm của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từ đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân về nhận thức và hành động tổ chức thực hiện các chủ trương, nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả đạt được

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng đồng tình của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay 100% số xã của tỉnh đạt chuẩn NTM, 7/7 huyện đạt chuẩn huyện NTM, thành phố đủ điều kiện xét, công nhận hoàn thành xây dựng NTM. Thái Bình đang hoàn thiện để được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong tháng 3/2020.

Sản xuất nông nghiệp, đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung với cùng loại sản phẩm. Toàn tỉnh có 234 cánh đồng sản xuất tập trung với diện tích 6.804 ha; nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng sản phẩm cao được nghiên cứu, khảo nghiệm, đưa nhanh vào sản xuất. Cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất được đẩy mạnh. Lĩnh vực chăn nuôi đã có một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao đầu tư vào sản xuất. Nuôi trồng thủy sản đã quan tâm phát triển một số đối tượng chủ lực như ngao, cá vược, cá song, tôm sú, tôm thẻ chân trắng; đang triển khai nuôi tôm công nghệ cao ở 02 huyện ven biển. 100% các hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và từng bước ổn định, nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ; hình thành các liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Nghề và làng nghề được duy trì và phát triển theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường. Thương mại, dịch vụ phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Chính sách giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Thái Bình từ 8,12% - năm 2011, xuống còn 2,9% - năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015), bình quân giảm 1,04%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 5,27% - kết quả đầu năm 2016, xuống còn 3,35% - năm 2018 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020). Ước thực hiện năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,35%, bình quân giảm 0,5%/năm. Người nghèo từng bước được hỗ trợ, cải thiện về đời sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, giúp họ tự nỗ lực vươn lên, thoát nghèo bền vững

Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hoá. Kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở được giữ vững; đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm hỗ trợ. Hàng năm, tuyển sinh dạy nghề cho trên 30.000 người, trong đó hỗ trợ cho khoảng 6.000 lao động nông thôn học nghề; tạo việc làm mới cho khoảng 33.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không ngừng tăng qua các năm, học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp bình quân đạt 75% góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh, đến năm 2018 tỷ lệ qua đào tạo là 64%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 50%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cao và đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho nhân dân tại trạm y tế xã. Chương trình nước sạch nông thôn đã hoàn thành việc phủ kín các địa phương trong tỉnh; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 100%.

Các thiết chế văn hoá cơ sở được quan tâm đầu tư, gắn với giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống. Phong trào xây dựng xã, thôn, làng, gia đình văn hóa, các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng phát triển sôi nổi, rộng khắp ở các xã, thôn. Hạ tầng thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng các hoạt động, chỉ đạo điều hành và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai chính quyền điện tử tỉnh.

Hệ thống tổ chức chính trị ở cơ sở được củng cố; cán bộ cấp xã chuẩn hóa tăng nhanh. Công tác quản lý, điều hành được đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và kỷ luật, kỷ cương của bộ máy hành chính. Các cấp chính quyền đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; tăng cường cải cách hành chính; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tội phạm giảm; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nền nếp và có chuyển biến tích cực; đã cơ bản giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, góp phần bảo đảm ổn định tình hình trên địa bàn; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới được tăng cường. Các tổ chức quần chúng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải thường xuyên được kiện toàn, nhân rộng, hoạt động có hiệu quả, nâng cao ý thức và phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm, tai tệ nạn xã hội.

Bài học kinh nghiệm

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Thái Bình đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, Xây dựng nông thôn mới phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát năng động sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp. Đây chính là bài học rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn trên quê hương Thái Bình.

Hai là, Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới. Vì vậy công tác thông tin tuyên truyền được triển khai rộng khắp tên các phương tiện thông tin đại chúng và luôn bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy để định hướng, xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp.

Ba là, Phải bám sát định hướng xây dựng nông thôn mới của Nhà nước; vận dụng linh hoạt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các địa phương, cơ sở; triển khai, thực hiện đồng bộ các tiêu chí, có lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng xã, từng thôn; khắc phục tư tưởng nóng vội, cách làm thiếu dân chủ hoặc trông chờ, ỷ nại; chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bốn là, Kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tế của địa phương và nguyện vọng của người dân. Thực hiện phân cấp cho cơ sở trong thực hiện, nhất là cộng đồng dân cư và quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất (giao thông, thuỷ lợi nội đồng); tập trung cho các công trình do thôn và cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức thực hiện; tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có phù hợp tiêu chí nông thôn mới; tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Năm là, Xác định người dân là chủ thể - người trực tiếp làm, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện và được hưởng lợi kết quả. Phải lấy ý kiến người dân một cách nghiêm túc, từ khâu xây dựng đề án, góp ý quy hoạch đến việc xác định công trình, hạng mục đầu tư; tạo sự đồng thuận, tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức, vật chất của người dân. Việc huy động sự đóng góp phải do chính nhân dân địa phương đó bàn bạc dân chủ, tự nguyện đóng góp và tổ chức thực hiện, tránh sự bàn bạc thiếu dân chủ dẫn đến việc huy động vượt quá sức đóng góp của nhân dân.

Thạc sĩ - GVC Lê Mai Phương
(Khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày