Thứ 6, 22/11/2024, 18:07[GMT+7]

Nhà tù Sơn La

Thứ 7, 04/05/2019 | 16:56:53
3,112 lượt xem
Theo Ban quản lý di sản văn hóa Sơn La, nhà tù Sơn La hiện nay nằm trên địa phận tổ 8, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Nhà tù Sơn La. Ảnh: Thanh Thưởng

Giữa lòng thành phố Sơn La đang phát triển có ngọn đồi mang tên Khau Cả nằm soi mình bên dòng suối Nậm La. Trên ngọn đồi ấy có nhà tù Sơn La, được xây dựng từ đầu năm 1908 dưới sự đốc thúc của tên công sứ Giăng Mông Pê Ra, cuối năm hoàn thành với diện tích 500m2, là nhà tù hàng tỉnh.

Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo nhân dân ta nổi dậy đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột của thực dân phong kiến. Kẻ thù tìm đủ mọi cách để đàn áp phong trào cách mạng của quần chúng, mặt khác chúng gấp rút xây dựng thêm hoặc mở rộng các nhà tù. Lợi dụng địa thế hiểm trở của Sơn La, chúng mở rộng nhà tù Sơn La lên gấp 3 lần ( từ 500m2 lên 1.500m2), trở thành trung tâm đặc biệt để đày ải, giam giữ và tiêu hao chủ yếu là tù cộng sản.

Du khách tham quan dấu tích xà lim tam giác chéo - nhà tù Sơn La. Ảnh: Thanh Thưởng

Nhà tù Sơn La được đổi thành ngục Sơn La. Nơi đây đã giam giữ tổng cộng 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thủy, Song Hào, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Trân, Đặng Việt Châu.….

Du khách thắp hương tưởng niệm những người đã hy sinh tại nhà tù Sơn La. Ảnh: Thanh Thưởng

Nhưng vượt lên trên gông cùm và tội ác của thực dân Pháp, những người cộng sản Việt Nam ở đây đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng; biến những bức tường đá lạnh lẽo của nhà tù đế quốc thành những viên gạch hồng ấm tình đồng chí; biến bóng đêm đen tối của nhà tù đế quốc thành những tia sáng cách mạng tỏa ra khắp vùng núi rừng Tây Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam, đã đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ các chiến sỹ trung kiên cho Đảng.

Nhóm tượng tù nhân họp chi bộ nhà tù dưới hầm sâu. Ảnh: Thanh Thưởng

Hiện nay, nhà tù Sơn La là nơi lưu giữ chứng tích lịch sử và minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đầy ải bởi thực dân Pháp giam cầm.

Mặc dù nhà tù Sơn La bị phá huỷ gần hết, nhưng như có một phép màu kỳ lạ, cây đào do đồng chí Tô Hiệu ( Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La từ tháng 5/1940 đến tháng 10/1941), trồng bên cửa sổ nơi bị giam giữ - một chứng nhân của lịch sử tiếp tục bám rễ, vươn cành, khẳng định sức sống vĩnh hằng, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của những người cộng sản trung kiên nơi đây.

Du khách tham quan cây đào Tô Hiệu. Ảnh: Thanh Thưởng

Di tích nhà tù Sơn La được xếp hạng quốc gia từ năm 1962; trở thành một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con em các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng, người Việt Nam nói chung. Di tích Nhà tù Sơn La cũng trở thành một điểm thu hút nhiều khách trong nước và nước ngoài - nhất là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2019) này.

Hợp Hưng