Thứ 6, 22/11/2024, 17:54[GMT+7]

Qua đình nghiêng nét bút

Thứ 2, 13/05/2019 | 08:58:40
2,739 lượt xem
Quần thể kiến trúc đa thần giáo (đình, đền, chùa, miếu) của làng La Miên xưa, nay là làng La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ còn bảo lưu khá nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo như điêu khắc trên đá và trên gỗ... Đặc biệt, di tích còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán Nôm có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa không chỉ của riêng vùng đất Thái Bình mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng quốc gia...

Cụm đình, đền, chùa La Vân, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ).

Cụm di tích La Vân có số lượng văn bản Hán Nôm được đánh giá nhiều vào bậc nhất của tỉnh, có người ví von như một “vựa” chữ. Di sản văn hóa Hán Nôm cụm đình, đền, chùa La Vân được bảo tồn dưới dạng vải, giấy gió, gỗ, đá và đất nung, đó là các loại câu đối, đại tự, cuốn thư, bài vị, thần tích, sắc phong, bia đá, chuông, khánh đồng, gốm, sứ... 

Sử cũ ghi vào năm 1632 với sự đóng góp của nhân dân La Miên và nhân dân khắp vùng trong cả nước, đặc biệt là hai ông Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Gia Khánh là người làng La Miên làm quan tại Kinh đô Thăng Long đã quyên góp được 1.700 cân tiền và đồng nguyên chất để trùng tu ngôi chùa Thủ và Am Bảo Long thờ quốc sư Nguyễn Minh Không (tức Nguyễn Chí Thành) tại làng La Miên (nay là thôn La Vân) cho đến năm 1682 chùa Thủ và Am Bảo Long tiếp tục được mở rộng tạo nên khu quần thể kiến trúc đình, đền, chùa khá độc đáo ở làng La Vân.

Thông qua các văn bản Hán Nôm còn lưu giữ ở La Vân cho thấy cách ứng xử của tiền nhân với Hán Nôm rất trân trọng và phong phú dưới dạng kiểu chữ Chân, Triện, Khải phản ánh những nội dung khác nhau qua các thời kỳ lịch sử của vùng đất La Miên, đặc biệt là những thiên thần, nhân thần có công lao với dân tộc trong việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa La Miên qua các thời kỳ. Di tích còn bảo lưu 13 đôi câu đối bằng gỗ, trong đó có 3 đôi khảm trai, 4 bức đại tự, 1 chuông, 1 khánh đồng thời Nguyễn; 1 bài vị, 50 bia đá, 3 bia hậu, 1 hương đài thời Lê. Ngoài ra còn 20 bia hiệu loại nhỏ hiện tại đã mờ mòn nét chữ, di tích còn bảo lưu 22 sắc phong có niên đại từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. So với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trong toàn tỉnh thì cụm di tích La Vân có số lượng văn bản Hán Nôm cao vào bậc nhất. 

Ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Sắc phong bằng chữ Hán (thường gọi là chữ Nho) của triều đình phong kiến cho di tích thường được làm bằng loại vải đặc biệt hoặc giấy gió chất lượng cao. Hiện tại, các loại sắc phong còn lưu giữ tại cụm di tích La Vân từ thế kỷ XVII vẫn còn gần như nguyên trạng. Có thể phân loại các sắc phong trong cụm di tích La Vân thành hai loại; loại sắc phong thời Hậu Lê và loại sắc phong thời Nguyễn. Cùng với sắc phong là thần tích cũng được viết bằng chữ Hán, mực nho trên giấy gió và chữ Hán khắc trên bài vị, đại tự bằng gỗ quý lưu tại tòa thánh của di tích là những di sản Hán Nôm có giá trị nghiên cứu và có giá trị cao về mỹ thuật và điêu khắc cho những người nghiên cứu, học viết và thực hành thư pháp. Khi tiếp cận với các di sản văn hóa Hán Nôm độc đáo ở La Vân nhiều nhà nghiên cứu cũng tìm thấy chất liệu tranh, nét sứ và họa tiết long vân, hoa văn trang trí của các di sản văn hóa đầy ý nghĩa khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Các văn bản chữ Hán khắc trên gỗ như các bức đại tự, cuốn thư, câu đối lại là những tài liệu có giá trị trực quan giúp ích cho người học chữ Hán Nôm và thực hành thư pháp. Câu đối lòng máng, câu đối bản, chữ khắc nổi hoặc khắc chìm từ 7 đến 13 chữ một vế. Đáng quý là 13 đôi câu đối, trong đó có 3 đôi câu đối khảm trai ca ngợi tài cao, đức trọng của thánh tổ Nguyễn Minh Không được treo trang trọng ở tòa thánh. Đại tự “Quốc sư từ” và “Phật sinh thiên nam” với cách thể hiện những nét chữ bay bổng nhưng mềm mại, ý nghĩa sâu xa gợi sự liên tưởng tới nguồn gốc của di tích và các nhân thần được thờ ở đây. 

Ông Nguyễn Văn Siêng sinh ra ở La Vân, ngay từ bé ông đã mê mẩn nét chữ “xổ” ngang, “xổ” dọc biết hình mà không biết nghĩa này, ông đã bỏ nhiều công sức gióng dựng câu lạc bộ thư pháp Hán Nôm thu hút đông đảo người tham gia, trong đó có nhiều bạn trẻ tạo điều kiện thực hành thư pháp ở cụm di tích La Vân và có thể tìm thấy ở đây cách bố cục, hoa văn, kích thước chữ, nền then hay sơn thếp trên các câu đối, đại tự, đặc biệt hệ thống các bia đá ở cụm di tích La Vân là kho tàng phong phú về di sản Hán Nôm. Tại tòa bái đình còn bảo lưu 6 bia đá có niên đại từ thế kỷ thứ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, trong đó có ba bia Hậu niên đại Đức Long 1653, Vĩnh Thịnh 1709, Long Đức 1735 ghi công những người hảo tâm tiến cúng bạc, tiền, ruộng vườn xây dựng đình, đền, chùa La Miên và ba tấm bia ghi quá trình tu bổ, tôn tạo đình, đền, chùa và sự tích quốc sư Nguyễn Minh Không...

Cụm di tích đình, đền, chùa La Vân được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995, nơi đây thờ quốc sư Nguyễn Minh Không thế kỷ XII, ông là cao tăng được vua Lý phong quốc sư và là người có công lao to lớn với vương triều Lý trong việc trị thủy, chống giặc ngoại xâm và mở mang vùng đất lưu vực sông Hồng. Ông còn được tôn vinh là vị tổ sư của nghề đúc đồng và bèo hoa dâu nổi tiếng La Vân. Từ đầu thế kỷ XI, nhà Lý bắt đầu chăm lo đến việc giáo dục thì chữ Hán vẫn là loại hình văn tự chính thống trong giáo dục, khoa cử. Phải đến thế kỷ XIII chữ Nôm mới được hình thành. Nhà Lý từ thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV thì hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh và được sử dụng rộng rãi. Sử sách ghi lại một số tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm thời Trần có cuốn “Thiền Tông Bản Hạnh” và đến thế kỷ XVIII - XIX chữ Nôm đã phát triển tới mức cao “át” cả địa vị chữ Hán. Các tác phẩm nổi tiếng như hịch Tây Sơn hay khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã yêu cầu thí sinh làm bài thi bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được viết bằng chữ Nôm. Cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, chữ Hán cùng với chữ Nôm là hai loại hình văn tự được dùng trong mọi lĩnh vực xã hội và đã để lại một di sản đồ sộ trong đó cụm di tích đình, đền, chùa, miếu mang phong cách đa thần giáo ở La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ là một điển hình.

Nhà thư pháp Trần Quốc Trí, Câu lạc bộ UNESCO thư pháp Việt Nam

Tôi đã nhiều lần về thăm, nghiên cứu và thực hành thư pháp tại cụm di tích đa thần giáo La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tôi rất ngưỡng mộ nhân dân làng La Vân và cán bộ xã Quỳnh Hồng trong việc phục hồi vốn văn hóa của cha ông ta để lại. Đồng thời ghi dấu ấn tinh thần nối nghiệp tiền nhân để tiếp thu những tinh hoa của người xưa để lại, cũng là thực hiện những di huấn của bậc tiền bối mà trong các đình, chùa, miếu mạo còn lưu lại qua các di tích hoành phi, câu đối để cho mọi người thấy được chúng ta học và thực hành thư pháp không phải chỉ để biểu diễn mà thực hành thư pháp còn để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cha ông để lại hàng ngàn năm qua.

Nhà thư pháp Nguyễn Văn Siêng, thôn La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ

Tôi rất vinh dự khi được sinh ra và lớn lên ở La Vân, địa danh có cụm di tích đình, đền, chùa thờ quốc sư Nguyễn Minh Không thế kỷ XII, ông là cao tăng được vua Lý phong quốc sư và là người có công lao to lớn với vương triều Lý trong việc trị thủy, chống giặc ngoại xâm và mở mang vùng đất lưu vực sông Hồng. Ở làng tôi, quốc sư được tôn vinh là vị tổ sư của nghề đúc đồng và bèo hoa dâu nổi tiếng La Vân do vậy bức hoành ở đền La Vân ghi rõ là “Quốc sư từ”. Di sản văn hóa Hán Nôm được lưu giữ tại di tích là nguồn cảm hứng vô tận cho tôi và bao người yêu thích thư pháp trong và ngoài nước tìm về thực hành thư pháp vào dịp lễ hội tháng 3 âm lịch hàng năm.

Ông Nguyễn Duy Đông, thôn Thượng, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ

Từ bé tôi đã được biết đến cụm di tích đa thần giáo La Vân nổi tiếng với kho chữ Hán Nôm và sự tích bèo hoa dâu như trong cổ tích. Quỳnh Sơn quê tôi hiện bây giờ vào tháng 3 âm lịch bèo hoa dâu vẫn “hóa” ở bờ ruộng, bờ ao làng xanh mướt.


Quang Viện