Thứ 6, 22/11/2024, 17:59[GMT+7]

Chấn sơn, khai thủy

Thứ 2, 10/06/2019 | 11:07:06
3,417 lượt xem
Dân gian vùng Phụ Phượng (sau đổi thành Phụ Dực, nay là Quỳnh Phụ) từ xưa vẫn lưu truyền câu ca: “Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào - Lý triều tứ cố cảnh” đại ý ngợi ca cảnh đẹp cổ kính xen lẫn cảnh vật tự nhiên và các công trình kiến tạo của nhân dân vùng Phụ Phượng triều Lý trong đó có làng Lộng Khê (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ nay).

Đền Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ - một trong tứ cố cảnh triều Lý.

Các bậc cao niên trong làng cho biết tên làng Lộng Khê theo nghĩa chiết tự “Khê” có nghĩa là dòng nước, Lộng sát biển lớn, ghép hai từ lại có nghĩa đây là vùng đất bãi bồi gần cửa biển bên cạnh sông Luộc đỏ nặng phù sa…

Làng Lộng Khê (tên nôm là Nhống) có đền Lộng Khê nơi Thiền sư Dương Không Lộ, Quốc sư triều Lý chấn sơn, khai thủy. Trong đền còn một phiến đá rộng hơn 3m², tương truyền đây là phiến đá thiêng in hình dấu chân khổng lồ của ngài khi đến làng Nhống tạo dựng sơn môn. Cạnh đền là một ngôi chùa cổ được xây dựng công phu, tráng lệ, liên hoàn trong quần thể đền, chùa cùng thờ Quốc sư Dương Không Lộ. Hiện tại, trong chùa vẫn còn bức tượng cổ Quốc sư Không Lộ đang thiền định.

Đền còn đôi câu đối cổ:

“Trần thế âm phù thần báo mộng
Lý triều xuất hiện Phật chân linh”

Tương truyền trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã cùng quân sĩ nhà Trần nhiều lần đi qua sông Luộc để tiến đánh quân giặc trên sông Bạch Đằng. Lần ấy, khi Hưng Đạo vương cùng quân sĩ chuẩn bị vượt sông trong đêm tối, bỗng dưng trời đổ mưa giông, gió thổi mạnh khiến cho thuyền không vượt qua sông được. Đêm ấy, Hưng Đạo vương cùng quân sĩ phải nghỉ lại khúc sông cạnh làng Nhống. Hưng Đạo vương được bố trí ngủ lại trong đền. Quân sĩ tản vào nhà dân xung quanh. Đêm vẫn mưa giông, chớp giật, Hưng Đạo vương vừa chợp mắt bỗng chiêm bao thấy một vị thiền sư cao lớn đứng bên nói với Hưng Đạo vương rằng xuất quân lần này đại thắng quân Nguyên - Mông. Tỉnh giấc chiêm bao, Hưng Đạo vương sai người chuẩn bị vật phẩm, sửa soạn nghi lễ tế thần linh báo ứng. Quả nhiên trời đang mưa giông, sấm chớp ầm ầm bỗng dưng mây tan, mưa tạnh. Hưng Đạo vương cùng quân sĩ vượt sông tiến đánh quân xâm lược và thắng trận.

Đền Lộng Khê có cảnh quan đẹp, trước đền là hồ nước trong xanh, giữa hồ có giếng cổ. Thuở xa xưa đền Lộng Khê nằm sát cạnh sông Luộc nhưng sau nhiều đợt vỡ đê do lũ lớn thượng nguồn tràn về, đền được chuyển vào trong làng như ngày hôm nay. Người dân làng Nhống (Lộng Khê) vẫn thường gọi ngài (Lý triều Quốc sư Dương Không Lộ) là vị thần Khổng Lồ. Ngài không những dạy dân cách khai thủy, chấn sơn, cấy lúa nước, làm nông nghiệp mà còn là một thần y chữa bệnh cho dân làng Nhống và cư dân quanh vùng. Thời nhà Lý (1009 - 1225) đạo Phật được coi là quốc giáo. Sử cũ ghi thiền sư Dương Không Lộ là người hiểu về đạo Phật sâu sắc là giáo chủ của cả vùng, ngoài việc truyền bá đạo Phật, Thiền sư còn có công lớn trong việc mở mang các công trình trị thủy nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp người dân có cơm ăn, áo mặc. Ngài còn là người am hiểu về y thuật có công chữa khỏi bệnh hiểm cho vua Lý Thánh Tông và được nhà vua phong Quốc sư. Sử cũ ghi khoảng trước năm 1060 thiền sư Dương Không Lộ cùng các thiền sư Từ Đạo Hạnh và Giác Hải đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Thiền sư Không Lộ là đời thứ 9 Thiền phái Vô Ngôn Thông. Thiền sư họ Dương cha mẹ nối đời làm nghề chài lưới, đến đời ngài vì nặng lòng nhân tình thế thái mà bỏ đi theo đạo Phật. Từ một ngư phủ, Dương Không Lộ theo Thiền sư Lôi Hà Trạch xuất gia cùng làm bạn với các Thiền sư Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Đền Lộng Khê được xây dựng trong cảnh quan tuyệt mỹ tứ cổ cảnh Lộng Khê của huyện Phụ Dực xưa. Tổng thể kiến trúc đền Lộng Khê khá rộng lộ rõ vẻ uy nghi của ngôi đền thiêng. Kiến trúc nghệ thuật chủ đạo là điêu khắc gỗ và đá tinh tế. Theo sử liệu, tòa Đại Bái của đền Lộng Khê được dựng lại vào năm Bảo Đại thứ 3 (1933) do tri huyện Phụ Dực là Phạm Gia Khánh đứng ra hưng công, cúng 15 đồng tiền Đông Dương và đôi câu đối. Mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn do vậy kiến trúc 5 gian tòa Đại Bái được xây dựng bề thế và oai nghiêm tạo nên vẻ tráng lệ của ngôi đền thiêng. Đội Lân chầu trên trụ biểu như thách thức với thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt làm tôn vẻ lẫm liệt uy linh nơi cửa Thánh. Tòa Đệ Nhị gồm 3 gian có cấu trúc tòa sen để lộ thiên một bên tòa thờ đức Thánh Mẫu, một bên thờ Đức Thánh Ông. Tòa Hậu Cung còn gọi là đền cấm gồm 3 gian. Tương truyền vì biết tiếng đền thiêng Lộng Khê nên vua Tự Đức ban cho dân làng Lộng Khê rất nhiều gỗ quý để dựng tòa này. Truyền ngôn khi nghỉ lại đền Lộng Khê trước khi xuất binh đánh giặc, Hưng Đạo vương đã được ngài (Dương Không Lộ chân linh) linh ứng báo mộng giúp vua Trần Nhân Tông và quân đội nhà Trần thắng lớn trận Bạch Đằng. Cảm kích bởi ngài linh ứng giúp vua Trần thắng trận, vua Trần đã sắc phong ngài là Nam Thiên Thánh Tổ Lý triều Quốc sư vào đêm ngày 24 tháng 3 âm lịch. Nhân dân Lộng Khê truyền ngôn cho các thế hệ sau trong làng thờ cúng Ngài và mở đại lễ hội hàng năm đồng thời đền Lộng Khê cũng là nơi tôn thờ Thành hoàng bản cảnh của làng là Thái úy Lý Thường Kiệt. Đền Lộng Khê là nơi tôn thờ hai nhân vật lịch sử có thật của quốc gia Đại Việt thế kỷ XII - XIII là Lý triều Quốc sư Dương Không Lộ và Thái úy Lý Thường Kiệt. Theo sắp xếp của tiền nhân, tòa Đại Bái thờ bài vị Thái úy Lý Thường Kiệt, toà Đệ Nhị thờ tượng Lý Thường Kiệt, tòa Hậu cung thờ bài vị và thần tượng Nam thiên Thánh tổ Lý triều Quốc sư Dương Không Lộ tạo thành tổ hợp kiến trúc “tiền Thần, hậu Thánh” có kết cấu liên hoàn khép kín.

Hàng năm hội đền, chùa làng Lộng Khê được mở từ 21 tháng 3 đến 30 tháng 3 (âm lịch) với nhiều nghi thức diễn xướng độc đáo. Đặc biệt, lễ hội đền Lộng Khê có múa Bát Dật, điệu múa dân gian “độc nhất vô nhị” ở Thái Bình và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc gắn với hành trạng của thiền sư Dương Không Lộ. Một nét đặc sắc nữa trong hội làng Lộng Khê là tục đốt cây Đình liệu tưởng nhớ đức Thánh Dương Không Lộ khi ngài rời Lộng Khê trong đêm tối đến nơi khác chấn sơn. Khi cây đình liệu cháy đã tàn, “nam, phụ, lão, ấu” trong làng mang đuốc ở nhà đến châm lửa rồi tỏa đi khắp nơi sau đó chạy lên đê sông Luộc cuối cùng mang đuốc về nhà thắp hương lễ gia tiên, cầu cho gia trạch an khang, cầu cho xóm làng yên vui, cầu cho “phong đăng hòa cốc”. Tục đốt cây đình liệu được giải mã từ sự tích Thiền sư Dương Không Lộ là người có công xây dựng và khai thủy, chấn sơn chùa Lộng Khê. Khi chùa Lộng Khê đã xây dựng khang trang, ngài muốn giao lại chùa cho đại sư Giác Hải trụ trì và đi lập sơn môn khác, vì không muốn để dân làng quyến luyến nên đợi khi đêm tối ngài bỏ đi. Dân làng nhớ thương đã đốt cây đình liệu đi tìm ngài.


Cựu chiến binh Ngô Quang Trướng, Trưởng ban quản lý di tích đền Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ

Ngày trước kinh tế còn eo hẹp, ngày hội đền, chùa Lộng Khê con cháu trong làng vẫn duy trì nét văn hóa độc đáo đốt cây đình liệu nhưng cây đình liệu nhỏ, cháy sáng khiêm tốn. Ngày nay con cháu làng Lộng Khê làm ăn phát đạt, khắp các miền đất nước cả ở ngoài nước gửi tiền về dựng cây đình liệu to sừng sững cao vài chục mét cháy sáng cả vùng để tưởng nhớ công đức Thiền sư Dương Không Lộ và cầu quốc thái dân an, cầu phong đăng hòa cốc, gia trạch yên vui, làm ăn phát đạt.

Cựu chiến binh Lê Đắc Thắm, thôn Lộng Khê 3, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ

Năm nào làng Lộng Khê cũng mở hội, lễ hội đền Lộng Khê có 2 phần, phần tế gồm các đoàn tế nam quan, nữ quan, nhân dân của địa phương, khách thập phương trong huyện, trong tỉnh và tỉnh ngoài về dâng hương tế thần, tế thánh. Phần hội làng duy trì truyền thống múa bát dật, múa kéo chữ và tổ chức các trò chơi dân gian, đặc biệt dựng và đốt cây đình liệu tưởng nhớ Thiền sư Dương Không Lộ, Lý triều Quốc sư.

Ông Đỗ Quang Tham, thủ từ đền Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ

Đền Lộng Khê được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1214 ngày 30/10/1990, hiện nay nhiều hạng mục di tích đang xuống cấp cần được duy tu, tôn tạo nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống bao đời cho con cháu.


Quang Viện