Thứ 2, 25/11/2024, 01:34[GMT+7]

Ký ức cựu du kích Lạc Hồng

Thứ 2, 17/06/2019 | 08:56:13
1,773 lượt xem

Cụ Nguyễn Đỗ Khay, 93 tuổi, cựu du kích thôn Mỹ Cụ là nhân chứng trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Lãm, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hồng về sự hy sinh của hai cựu du kích Nguyễn Danh Tẩy và Vũ Đăng Hỹ.

“Hai cụ Nguyễn Danh Tẩy và Vũ Đăng Hỹ phải được Nhà nước suy tôn là liệt sĩ từ lâu rồi chứ, gần 70 năm sau chưa có được danh phận liệt sĩ với hai cụ ấy là quá muộn. Tôi rất mừng vì biết hai cụ đều là du kích Lạc Hồng đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được cơ quan chức năng chứng minh danh phận đề nghị Nhà nước suy tôn liệt sĩ” - đó là tâm tư của cụ Nguyễn Đỗ Khay, 93 tuổi, cựu du kích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sống ở thôn Mỹ Cụ, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) khi trò chuyện với tôi và ông Nguyễn Văn Lãm, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hồng dịp đầu xuân Kỷ Hợi 2019.

Dù đã ở tuổi 93 nhưng cụ Khay minh mẫn và nhớ được nhiều sự kiện của làng xã, quê hương, trong câu chuyện đầu xuân cụ Khay nhớ và đọc lại “Cắm chông chống giặc nhảy dù/Cắm kè sông Luộc diệt thù xâm lăng”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân xã Quỳnh Hồng kiên cường đánh giặc giữ làng, người dân tin theo Đảng góp công, góp của sẵn sàng hy sinh cho kháng chiến. Từ cuối năm 1946, nhân dân Quỳnh Hồng đã sẵn sàng chặt hạ, đóng góp hàng trăm cây xoan, cây tre, cây cau để cắm kè trên sông Luộc ngăn tàu chiến Pháp. Từ những năm 1949, 1950, xã Quỳnh Hồng triển khai rào làng kháng chiến, những chiến hào, hầm hố, ụ tác chiến được nhân dân và du kích đắp nhiều trên các trục đường 216, 217, các làng kháng chiến Lương - Mỹ Cụ, Quỳnh Ngọc, La Vân được hình thành theo thế liên hoàn, Quỳnh Hồng như “thiên la địa võng” chờ giặc Pháp đến là tiêu diệt. Tháng 2/1950, thực dân Pháp từ Hưng Yên mở trận càn Tô Nô sang Thái Bình. Tháng năm này, quân và dân Quỳnh Hồng vừa lo đánh giặc giữ làng vừa xây dựng lực lượng, đối phó với tề gian, phản động, đã có những thời điểm Chi bộ đảng và lực lượng du kích xã phải bật đất rời làng vì thế giặc mạnh, vì tay sai của giặc lùng sục, bắt bớ. Thế nhưng, theo lời cụ Khay, ở đâu có dân là có Đảng, bằng các hình thức hợp pháp, bất hợp pháp, Chi bộ đảng và lực lượng du kích xã vẫn lớn mạnh, làng kháng chiến vẫn không lui một bước, du kích Quỳnh Hồng vẫn gài chông, gài mìn, phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức các trận chống càn, các trận đánh chặn giặc Pháp và tay sai khi chúng càn quét quê hương. Khi nhắc về sự hy sinh của hai cựu du kích Nguyễn Danh Tẩy và Vũ Đăng Hỹ, mắt cựu du kích Nguyễn Đỗ Khay nhòa lệ. Cụ Khay bảo gần 70 năm rồi cụ Tẩy, cụ Hỹ mới được Nhà nước ghi công, sao muộn thế. 

Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Hồng Nguyễn Văn Lãm nói với tôi, ở Quỳnh Hồng những người tham gia trung đội du kích đánh giặc Pháp thượng thọ và minh mẫn như cụ Khay là hiếm. Các cụ cùng thời như Nguyễn Văn Quyên, Đoàn Vũ Viện, Nguyễn Đỗ Súy, Nguyễn Huy Ru, Vũ Công Viện sau khi để lại lời xác nhận gửi cơ quan chức năng về trường hợp hy sinh của hai cựu du kích Nguyễn Danh Tẩy và Vũ Đăng Hỹ đã lần lượt quy tiên trên dưới 10 năm nay. Hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho cụ Tẩy và cụ Hỹ địa phương cũng đã làm từ trên 10 năm rồi nhưng do thời gian quá lâu, việc hoàn thiện hồ sơ khó khăn, khi thì thiếu người làm chứng, lúc thì do nghị định quá thời hiệu và thế là thời gian nối thêm chữ chậm về hai trường hợp này. Người còn sống, chứng kiến sự hy sinh của hai cựu du kích Nguyễn Danh Tẩy và Vũ Đăng Hỹ có lẽ duy nhất là cụ Nguyễn Đỗ Khay. 

Tôi lật tìm các trang hồ sơ đề nghị xác nhận người có công diện tồn đọng sau kháng chiến chống thực dân Pháp của xã Quỳnh Hồng, về trường hợp hy sinh đối với hai cựu du kích Nguyễn Danh Tẩy và Vũ Đang Hỹ kèm theo lời xác nhận của cựu du kích Nguyễn Đỗ Khay và ghi lại ngày 15/10/1950 giặc Pháp tại bốt Quỳnh Côi mở trận càn vào thôn Mỹ Cụ, xã Quỳnh Hồng. Đội du kích thôn Mỹ Cụ dưới sự chỉ huy của thôn đội phó Nguyễn Văn Quyên đã chiến đấu kiên cường, chống trả giặc. Song do lực lượng không cân sức, đội du kích đã rút ra cánh đồng Ghép chân đê Nam Hà tiếp tục chiến đấu, trong lúc chiến đấu ông Nguyễn Danh Tẩy bị trúng đạn đã hy sinh. Ông Nguyễn Danh Tẩy được xác định hy sinh trong trường hợp chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Còn trường hợp hy sinh của cựu du kích Vũ Đăng Hỹ được kết luận như sau: Ông Vũ Đăng Hỹ và ông Nguyễn Đỗ Khay cùng trung đội du kích. Ngày 19/1/1953, trong lúc đang làm nhiệm vụ chuẩn bị bếp nấu ăn tiếp tế cho bộ đội chủ lực Đại đoàn 320 tại nhà cụ Quản Hằng thì bị máy bay giặc Pháp ném bom ở 3 làng Lương Cụ, Mỹ Cụ và Quỳnh Ngọc, ông Vũ Đăng Hỹ bị trúng đạn, hy sinh tại chỗ. Ông Vũ Đăng Hỹ được xác định hy sinh trong trường hợp trực tiếp phục vụ chiến đấu quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Cựu du kích chống Pháp Nguyễn Đỗ Khay ở tuổi 93 nhớ về những năm tháng quê hương tràn bóng giặc ngoại xâm, nhớ về những người đồng đội với mã tấu, đòn càn, với chông mìn cùng toàn dân rào làng đánh giặc. Cánh đồng Ghép nơi cách đây 69 năm cựu du kích Nguyễn Danh Tẩy hy sinh, dấu tích chiến tranh không còn mà chỉ còn trong ký ức của lão du kích Nguyễn Đỗ Khay.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)

Vũ Quóc Oai - 5 năm trước

Theo các Cụ lưu ký lại :Lãnh đạo chủ chốt xã Lạc HồngTrong Thời kỳ kháng chiến cho đến hòa bình lập lại 1954 ở xã Lạc Hồng : Đồng Chí Vũ Quốc Toán Bí Thư kiêm phó Chủ Tịch Ủy Ban kháng chiến xã Lạc Hồng, Đồng chí Nguyễn Văn Điềm Chủ Tịch Ủy Ban Kháng chiến, Đồng chí Tùng xã Đội Trưởng đã hy sinh trong cuộc cách mạng giảm tô cải cách. với khí phách rất quật cường, trước lúc hy sinh đồng chí Vũ Quốc Toán đã hô vang " Đảng Lao động Việt Nam muôn Năm"... đến nay truyền thống cách mạng vẻ vang của các đồng chí vẫn còn đọng trong tâm trí của nhân dân và các thế hệ con cháu, xong đã gần 70 năm nay cả 3 đồng chí chưa được công nhận danh phận đối với người hoạt động cách mạng.

Tải thêm