Thứ 6, 22/11/2024, 23:46[GMT+7]

Tiếng gọi Tây Bắc (Kỳ 2)

Thứ 3, 09/07/2019 | 10:06:24
3,091 lượt xem
Những người con sinh ra từ quê lúa Thái Bình lên Lào Cai theo tiếng gọi của Đảng luôn phát huy truyền thống cần cù, chăm chỉ, tinh thần sáng tạo, vươn lên. Họ yêu quê hương thứ hai Lào Cai cũng như quê hương Thái Bình và đang ngày đêm góp sức để mảnh đất biên cương giàu đẹp.

Lùng Vai được tiếp nhận nhiều kỹ thuật sản xuất lúa tiến bộ từ những người con Thái Bình.

Kỳ 2: Bài ca cây lúa ở vùng cao Mường Khương

Trên quê hương mới

Mang trong mình vết thương từ chiến tranh biên giới, bản thân phải trải qua nhiều biến cố, cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng ông Trần Mạnh Hải, thôn 5 Na Phả, Bản Xen chưa bao giờ ân hận về quyết định rời quê hương Thái Bình lên Lào Cai theo tiếng gọi xây dựng kinh tế mới của Đảng.

Mùa thu năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, anh bộ đội Trần Mạnh Hải trở về từ chiến trường miền Nam với dự định tiếp tục những công việc còn dang dở trước ngày nhập ngũ. Nhưng chỉ chưa đây một tháng sau, khi xã Vũ Đông, Kiến Xương vận động các hộ dân đăng ký lên xây dựng kinh tế mới tại Lào Cai, anh lại là một trong những người xung phong đầu tiên. “Biết là sẽ khó khăn, gian khổ, nhưng ngày ấy không chỉ mình tôi mà chẳng ai suy nghĩ giành lấy việc nhẹ nhàng về mình cả”- ông Hải nhớ lại quyết định đăng ký vào đội hình đi xây dựng kinh tế mới.

Chuyến xe khách do huyện Kiến Xương chuẩn bị đã đưa gia đình ông Hải và 23 hộ dân khác xuất phát từ sáng sớm. Vùng đồng bằng với những cánh đồng trù phù cứ xa dần trong ánh mắt những người con quê lúa thay vào đó là trập trùng núi rừng và cung đường uốn lượn. Trời vừa chập tối thì chiếc xe cũng vừa đặt chân đến Bản Xen, đồng bào người Tày, người Dao đã biết tin từ trước nên hồ hởi ra đón như chào đón những người thân của mình.

Hồ Thủy lợi Bản Xen.

Bắt đầu cuộc sống mới ở nơi xa lạ bao giờ cũng khó khăn, một số hộ nảy sinh tư tưởng chán nản có ý định trở về quê cũ. Giữa lúc ấy, 3 đảng viên Trần Mạnh Hải, Nguyễn Văn Úc, Lê Tư vừa lo sản xuất, chạy lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ đi khai hoang vừa động viên từng hộ dân quyết tâm bám trụ lại mảnh đất biên giới này. Phát huy truyền thống cần cù, chăm chỉ, vươn lên trong phong ba, bão táp, nhưng người con quê lúa bắt tay vào khai khẩn đất hoang, cải tạo đầm lầy, xây dựng hệ thống thủy lợi, biến cả một vùng đất toàn lau sậy thành những cánh đồng màu mỡ, những ao hồ nuôi thủy sản. Người Thái Bình còn mang cả nghề làm miến đao từ miền xuôi lên hướng dẫn cho những đồng bào người Tày, người Dao để có thêm thu nhập. Chiến sự biên giới nổ ra, Trần Mạnh Hải và những thanh niên quê lúa lên xây dựng kinh tế mới lại đứng trong đội hình dân quân xã, đứng lên bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có những người đã mãi mãi nằm nằm lại nơi rừng xanh núi thẳm.

Khi tiếng súng đạn lùi xa, lại tiếp tục có những chuyến xe đưa người Thái Bình lên Bản Xen khai hoang, từ 24 hộ ở Na Phả, nay có thêm nhiều hộ khác định cư ở Cốc Múi, Na Nối. Những người con quê lúa trước kia đã đổ mồ hôi, xương máu trên quê hương mới thì nay những thế hệ sau lại tiếp tục bắt tay xây dựng cuộc sống mới.

Ba thuyền trưởng họ Đỗ

Lần theo những chuyến xe năm xưa đưa đồng bào Thái Bình lên xây dựng kinh tế mới tại Mường Khương, chúng tôi bất ngờ nhận ra một điều trùng hợp ở ba xã nông thôn mới đầu tiên của Mường Khương là Bản Lầu, Bản Xen, Lùng Vai, trong những giai đoạn khó khăn nhất triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đều có bàn tay chèo lái của những người con Thái Bình. Đó là ông Đỗ Ngọc Đản, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lùng Vai, ông Đỗ Duy Phiên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu và Đỗ Quý Vân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bản Xen.

Ông Đỗ Ngọc Đản sinh ra và lớn lên ở xã Hiệp Hòa, Vũ Thư bên sông Trà Lý. Tháng 12/1975, gia đình ông cùng hơn 40 hộ dân xã Hiệp Hòa đặt chân lên mảnh đất Lùng Vai. Nơi mà nhiều hộ dân khi xưa vẫn nghi hoặc chắc không thể sống nổi thì nay đã trở thành những cánh đồng màu mỡ, đồi chè xanh ngát. Đó chính là thôn Tảo Giàng – điểm tập kết của những hộ dân khi mới đặt lên Lùng Vai. Những người Thái Bình lên xây dựng kinh tế mới được bố trí ở xen ghép với các hộ người Nùng, Dáy, Dao, Pá Dí, Tu Dí ở Lùng Vai và hình thành nên các đội sản xuất, các hợp tác xã nông nghiệp Tảo Giàng, Bồ Lũng, Đông Căm... Mang theo những kỹ thuật làm thủy lợi, thâm canh, tăng năng suất lúa lên vùng cao, những người con Thái Bình góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số và một không khí xây dựng xã hội chủ nghĩa đầy sức sống trong các hợp tác xã. Trải qua nhiều vị trí công tác, ông Đỗ Ngọc Đản được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Lùng Vai từ năm 2001 - 2015, bài học từ những ngày lên khai hoang, khiến ông luôn tâm niệm xây dựng nông thôn mới trước hết làm cho người dân biết tự tổ chức cuộc sống của mình, biết liên kết để phát triển kinh tế bền vững, nhờ đó sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến nay, Lùng Vai luôn được đánh giá là một trong những xã duy trì các tiêu chí bền vững nhất của tỉnh.

Nông thôn mới Bản Xen.

Ông Đỗ Duy Phiên cũng ở huyện Vũ Thư, nhưng thuộc xã Song Lãng. Chuyến xe đưa gia đình ông Phiên và 31 hộ dân khác rời mảnh đất quê lúa vào tháng 10/1975. Trước đó, huyện Mường Khương và Vũ Thư đã tổ chức kết nghĩa, một đoàn cán bộ ở Bản Lầu cũng đã về tận Song Lãng để gặp gỡ những dân chuẩn bị lên khai hoang. Mồ hôi, công sức của những người lên xây dựng kinh tế mới năm xưa nay vẫn con in đậm trên những công trình thủy lợi như đập Nam Mạ, Na Lin… Từ ngày có đồng bào miền xuôi lên khai hoang, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bản Lầu đã thay đổi phương thức sản xuất từ độc canh cây lúa sang đa dạng các loại cây trồng, biết áp dụng kỹ thuật mới, giống mới vào sản xuất. Sau khi chủ trương khoán hộ ra đời, các hình thức phát triển thương mại - dịch vụ ở miền xuôi cũng nhanh chóng xuất hiện ở Bản Lầu, nhờ vậy mảnh đất đìu hiu lau sậy như khoác lên mình chiếc áo mới trở thành phố núi đông vui nhộn nhịp. Thời kỳ Bản Lầu thực hiện chủ trương giãn dân ra biên giới, tiếp nhận đồng bào vùng cao Tả Gia Khâu, Dìn Chin đến sinh sống, ông Phiên đã vận dụng kinh nghiệm từ những năm tháng được chứng kiến thế hệ cha anh mình tố chức bà con đi xây dựng kinh tế mới. Nhờ đó, vành đai trắng Na Lốc, Cốc Phương ngày càng thay da đổi thịt, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh. 

Nhận nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2013 đến 2015 sau gần 2 khóa làm Chủ tịch UBND xã, ông Đỗ Duy Phiên đã góp phần đưa Bản Lầu trở thành một trong những xã về đích nông thôn mới sớm nhất của tỉnh. Đặc biệt với những tiêu chí mà nhiều xã phải rất vất vả để hoàn thành như hộ nghèo, thu nhập thì Bản Lầu lại dễ dàng đạt được nhờ các thương mại, dịch vụ phát triển, các vùng sản xuất hàng hóa hình thành rõ nét, người dân năng động trong áp dụng những cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất.

Như một cơ duyên để ba người con Thái Bình ấy có chung một điểm hội tụ, ông Đỗ Quý Vân, nguyên Bí thư Đảng ủy đã góp phần đưa Bản Xen cùng với Bản Lầu, Lùng Vai trở thành “tam giác nông thôn mới” ở vùng hạ huyện Mường Khương. Quê ở Vũ Đông, Kiến Xương, ông Vân là một trong những hộ lên Bản Xen, Mường Khương trong đợt đưa dân lên xây dựng kinh tế mới cuối cùng. Lăn lộn từ những ngày làm hợp tác xã nông nghiệp, ông Vân được tín nhiệm giao nhiều nhiệm vụ công tác tại UBND xã sau này, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã, ông cũng là một trong những người  đứng đầu Đảng ủy xã lâu nhất ở Bản Xen, từ năm 1997 - 2015. Những năm ông Vân giữ cương vị đứng đầu Đảng ủy xã cùng là khi phong trào xây dựng nông thôn mới ở Bản Xen đang lên cao nhất và gặp nhiều khó khăn nhất. Bản lĩnh của người con quê lúa giúp ông sẵn sàng đối mặt với những thử thách ấy, vững vàng cùng tập thể Đảng ủy xã đưa Bản Xen về đích đúng hẹn. Đến Bản Xen hôm nay, có thể cảm nhận rõ hình ảnh nông thôn mới với những tuyến đường liên thôn khang trang, sạch đẹp, những căn nhà văn hóa rộng rãi được xây dựng bằng sức dân.

Quá trình những người con Thái Bình cũng như đồng bào các tỉnh miền xuôi bất chấp gian khổ, mở lối, khai hoang, lập nên xóm làng là quá trình đồng bào đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu, vì vậy còn rất nhiều điều mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chưa thể nói hết. Đến nay, hàng vạn người con miền xuôi đã và đang sinh sống, làm việc tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, luôn sát cánh, đồng lòng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai. Sự đóng góp công sức, trí tuệ ấy đã và đang góp phần tổ thắm mối tình đoàn kết giữa tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền xuôi.

(còn nữa)

Mạnh Dũng - Phạm Khánh

(Báo Lào Cai)