Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021) Sức mạnh nhân dân là cội nguồn của thắng lợi
Bác Hồ khẳng định: "Trong cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân". Bác luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân. Tư tưởng "lấy dân làm gốc" của Bác là một bài học có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc xuyên suốt quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Cách mạng Tháng Tám tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc. Cuộc cách mạng lấy dân làm gốc, đoàn kết, tập hợp nhân dân, "lấy sức ta giải phóng cho ta", đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Nhờ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân, Ðảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Ðồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Ðảng, nguyên Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự Quốc dân Ðại hội từng kể lại và phân tích: Ðại hội Quốc dân Tân Trào là đại hội của đoàn kết, đại đoàn kết cả dân tộc. Bác Hồ quy tụ, đặt vấn đề đại đoàn kết để giành thắng lợi. Khẩu hiệu "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công" và phải dựa vào dân, phát huy sức dân để giành thắng lợi và có dân là có tất cả. Dân làm chủ cách mạng và dân đẩy cách mạng đi tới thắng lợi, đồng chí Vũ Oanh phân tích.
Phó Giáo sư, nhà sử học Lê Mậu Hãn trao đổi: Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, cao trào cách mạng càng lên cao, Cụ Hồ theo dõi sát sao cuộc vận động dân tộc chúng ta. Trong quá trình vận động đoàn kết dân tộc đó, dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, của Ðảng Cộng sản, từ đó đặt ra vấn đề cách mạng phải phát động toàn dân, nêu cao ngọn cờ dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân, bất cứ công nhân, nông dân, trí thức, tiểu tư sản... ai có tinh thần yêu nước đều được động viên tham gia các hoạt động cứu quốc của Việt Minh. Cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 là một cuộc cách mạng nhân dân và nhân văn. Cuộc cách mạng tập hợp được tuyệt đại bộ phận nhân dân cả nước, diễn ra nhanh chóng, ít đổ máu.
Tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, chúng tôi được tiếp cận những tư liệu vô giá, đó là nhiều tờ truyền đơn đang được lưu giữ trong số hàng triệu tờ truyền đơn do Mặt trận Việt Minh xuất bản kêu gọi cổ vũ đồng bào; kêu gọi các tầng lớp tay sai, bù nhìn theo Pháp, Nhật quay súng ủng hộ Việt Minh… Có thể thấy, trong Cách mạng Tháng Tám, Ðảng ta, Bác Hồ luôn đề cao sức mạnh của dân tộc, chủ trương phải đoàn kết mọi lực lượng của dân tộc vào sự nghiệp cách mạng. Bảo tàng còn lưu giữ album ảnh đen trắng gồm 200 bức. Album do nhà nghiên cứu sử học người Pháp là Phi-líp Ðờ vin-lê (Philippe Devillers) một trong những sử gia hàng đầu của Pháp cung cấp. Ông là một nhà báo từng có mặt ở Hà Nội trong những ngày lịch sử tháng 8/1945. Album được gửi tới Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thông qua Giáo sư Phan Huy Lê. Hàng trăm bức ảnh về quần chúng nhân dân náo nức và quyết tâm chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa; hình ảnh biển người tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng ngày 19/8 ở Hà Nội khởi động Tổng khởi nghĩa, vùng lên hưởng ứng lời hiệu triệu của cách mạng đập tan xiềng xích đế quốc, thực dân, phong kiến…
Khi ấy, Ðảng ta chỉ có 5.000 đảng viên, thông qua Mặt trận Việt Minh đã tập hợp hơn 20 triệu đồng bào làm cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử. Nhờ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân, Ðảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Nhân dân đã đẩy cách mạng đi tới thắng lợi. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, lấy dân làm gốc của Cách mạng Tháng Tám đã được kế thừa và phát huy trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tinh thần quật khởi và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc toàn dân tộc đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ trong suốt 30 năm. Cả dân tộc chung sức đánh thắng các thế lực ngoại xâm, lập nên những chiến công hiển hách, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Quá trình này chúng ta phải đối diện nhiều vấn đề lớn, phức tạp, phải vượt qua, phải giải quyết. Trước đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề. Với tinh thần "Dễ mười lần không dân cũng chịu,/ khó trăm lần dân liệu cũng xong" cùng bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, lấy dân làm gốc của Cách mạng Tháng Tám đã được kế thừa và phát huy, đặc biệt trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng được củng cố.
Một thực tế khác, hơn 500 ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", "lửa thử vàng, gian nan thử sức" và "tương thân, tương ái", với lòng yêu nước của cả dân tộc, cả nước góp sức, toàn Ðảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế và đồng bào ta ở nước ngoài, Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung phòng, chống đại dịch Covid-19. Những cống hiến đó đã tạo nên bức tranh đẹp lan tỏa sâu rộng trong cuộc chiến chống dịch với những sắc màu của giá trị nhân văn, đức hy sinh, sự sẻ chia và tình đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bài học xuyên suốt của Cách mạng Tháng Tám về đại đoàn kết toàn dân, luôn dựa vào sức mạnh của nhân dân còn nguyên giá trị. Thực tiễn cũng cho thấy phát huy sức mạnh làm chủ của nhân dân là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Muốn dựa vào sức mạnh của toàn dân, phải luôn quán triệt, thực hiện đúng quan điểm của Ðảng và lời dạy của Bác Hồ - việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Giữ vững “Lời thề Độc lập” 02.09.2022 | 08:15 AM
- Làng kháng chiến - làng văn hóa 04.09.2022 | 20:38 PM
- Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9Chân lý " Không có gì quý hơn độc lập, tự do " trong tư tưởng Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và định hướng thực tiễn xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc 01.09.2022 | 08:57 AM
- Việt Thuận: Xưa đồng khởi, nay đổi mới 30.08.2022 | 08:42 AM
- Mùa thu nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 08.08.2022 | 15:55 PM
- Nhà hát Chèo tổ chức ghi hình chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Quốc khánh 2/9 24.08.2021 | 16:21 PM
- 4 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh năm 2021 24.08.2021 | 14:38 PM
- Đổi thay ở “Làng kiểu mẫu” 23.08.2021 | 10:22 AM
- Nhớ mùa thu tháng tám 19.08.2021 | 20:35 PM
- Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021)Đoàn kết làm nên chiến thắng 19.08.2021 | 08:47 AM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng