Thứ 6, 19/04/2024, 20:12[GMT+7]

Tự hào ngày Quốc khánh

Thứ 5, 01/09/2022 | 09:12:53
17,422 lượt xem
Những ngày này, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các nẻo đường từ thành thị tới nông thôn. Người dân Thái Bình hòa chung niềm hân hoan cùng cả nước mừng tết Độc lập. Trong không khí vui tươi ấy, những người lính Cụ Hồ năm xưa lại quây quần bên nhau ôn lại kỷ niệm một thời chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Dưới ánh sáng của cách mạng, họ đã cống hiến trọn tuổi xuân cho đất nước.

Thành phố Thái Bình. Ảnh: Ngọc Trâm

Nhớ mãi lời dạy của Bác

Đó là tâm sự cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Lẫm, thôn Tô Đê, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) chia sẻ cùng chúng tôi khi nhắc đến kỷ niệm 2 lần được gặp Bác Hồ. Trong cuộc đời mình, có lẽ CCB Phạm Văn Lẫm không bao giờ quên thời khắc hạnh phúc khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ: Lần thứ nhất tôi được gặp Bác Hồ là khi cùng đồng đội đang bắc cầu qua sông Hồng để đưa vũ khí, đạn dược, trang thiết bị chi viện cho chiến trường miền Nam. Đang hăng say làm việc thì nghe đằng sau có lời khen: “Các chú làm như thế là tốt lắm”, khi quay ra thì nước mắt tôi tự dưng tuôn trào vì thấy người đứng sau mình là Bác Hồ kính yêu. Chúng tôi hứa với Bác rằng dù khó khăn, gian khổ thế nào cũng sẽ cố gắng vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Lần thứ hai là vào năm 1965, khi ấy Bác về thăm Quân khu 3, mặc dù chỉ được phép đứng từ xa nhưng tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác đối với cán bộ, chiến sĩ Quân khu: “Các chú ở đồng bằng không có rừng cây nhưng có rừng người, căn cứ trong lòng dân là tốt nhất”. Lời dạy của Bác đã khắc sâu trong tâm trí CCB Phạm Văn Lẫm, là nguồn động lực to lớn để ông hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đồng thời tích cực tham gia hoạt động của địa phương, vận động con cháu trong gia đình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lẫm.

Những CCB như ông Lẫm, ông Lãi, ông Xuyến giờ đây đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Trở về với đời thường, họ sống đúng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, giản dị, chất phác và luôn tự hào về một thời gian khó nhưng rất đỗi hào hùng.

Người cắm cờ trên điểm cao Đa-vít

Bức ảnh cựu chiến binh Phạm Văn Lãi cắm cờ trên điểm cao Đa-vít được ông lưu giữ cẩn thận.

Mặc dù vừa mới chữa bệnh trở về nhưng khi nghe tin có phóng viên đến tìm hiểu về những kỷ niệm thời chiến đấu, CCB Phạm Văn Lãi, thôn Nam Long, xã Tự Tân (Vũ Thư) như khỏe hẳn ra. Tiếp chúng tôi bên những kỷ vật thời chiến, ông Lãi cho biết: Năm 1973, tôi được phân công cùng phái đoàn của quân đội ta vào thực hiện nhiệm vụ quân sự ngoại giao, bảo đảm các điều khoản trong Hiệp định Pa-ri được thực hiện theo đúng nội dung đã ký kết giữa các bên. Chúng tôi được dẫn tới trại Đa-vít, một trong những điểm nóng về chiến sự sau này. Trong những ngày ở trại Đa-vít, quân địch dùng đủ mọi thủ đoạn để gây khó dễ cho phái đoàn của ta nhưng với sự mưu lược, khéo léo, các đồng chí trong phái đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 8 giờ sáng ngày 30/4/1975, tôi nhận lệnh lấy lá cờ to nhất giao cho bộ binh treo lên điểm cao nhất của trại Đa-vít giúp quân đội ta có thể xác định mục tiêu, tấn công đúng chỗ. Khi tôi cầm lá cờ ra thì không gặp được đồng chí nào bên bộ binh, thế là tôi quyết định tự trèo lên đỉnh của tháp nước để treo cờ bởi đây là điểm cao nhất. Khi lá cờ tung bay trên đỉnh của tháp nước quân địch trở nên hoang mang, quân đội ta đánh chiếm trại Đa-vít dễ dàng hơn. Mỗi dịp Quốc khánh tôi đều thấy trân quý giá trị của độc lập, tự do. Có ngày 2/9/1945 thì dân tộc Việt Nam mới có ngày hôm nay. Mặc dù không được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập nhưng những điều Bác căn dặn các chiến sĩ sau này tôi vẫn luôn khắc ghi. Tôi tiếp tục hành trình cùng những cuộn phim tư liệu về Bác Hồ đi đến nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc để nhân dân các nơi được một lần thấy Bác. Sau khi nghỉ hưu, tôi dành toàn bộ những cuốn phim tư liệu đó tặng Bảo tàng tỉnh Thái Bình để mỗi dịp 2/9 đến những hiện vật lịch sử sẽ thay tôi kể tiếp câu chuyện về người Cha già kính yêu của dân tộc.

Ông Xuyến trưởng thôn

Nhắc đến thương binh hạng 1/4 Vũ Văn Xuyến, xã Đông Quang (Đông Hưng) người dân ở đây ai cũng biết ông là một trong những trưởng thôn gương mẫu, tấm gương cựu chiến binh (CCB) tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thời trẻ, ông Xuyến từng đi đến những bản làng xa xôi để làm công tác dân vận, kêu gọi đồng bào dân tộc đi theo ánh sáng của cách mạng. Trực tiếp cầm súng chiến đấu tại mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nên ông hiểu rõ ý nghĩa của độc lập, tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc được Bác Hồ nhắc đến trong Tuyên ngôn Độc lập.

Cựu chiến binh Vũ Văn Xuyến tích cực vận động con cháu trong gia đình học tập và làm theo lời Bác.

Xuất ngũ năm 1979, ông cùng gia đình mở cơ sở dệt may bao bì để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp con em, hội viên CCB có việc làm, nâng cao thu nhập. Cầm trên tay những kỷ vật thời chiến, ông Xuyến chia sẻ: Đây là những thứ quý giá nhất của cuộc đời tôi, nhắc nhở mỗi chúng ta để có được độc lập, tự do, dân tộc ta phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của nhiều thế hệ. Vì vậy, tôi tự nhủ phải nỗ lực vươn lên với tinh thần “tàn nhưng không phế”, làm những việc có ích cho dân, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Ông Xuyến đã vận động nhân dân, con em xa quê ủng hộ hơn 200 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn. Con cháu trong gia đình ông tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, hiến máu tình nguyện và hàng năm dành từ 10 - 20 suất quà tặng hộ nghèo.

Tiến Đạt