Thứ 2, 05/08/2024, 05:21[GMT+7]

Đội ngũ công nhân viên chức, lao động Lớn mạnh qua từng thời kỳ cách mạng

Thứ 3, 19/08/2014 | 08:26:56
1,042 lượt xem
Trước sự đổi thay, khởi sắc của quê hương cùng không khí hân hoan kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước nói chung, của Thái Bình nói riêng với nhiều thành quả, chúng ta tự hào bởi đội ngũ công nhân viên chức, lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng góp phần giành chính quyền và làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt.

Khối công nhân huyện Vũ Thư diễu hành biểu dương lực lượng trong lễ khai mạc Đại hội Thể dục thể thao lần thứ VII.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Thái Bình, đội ngũ công nhân còn ít về số lượng. Tuy nhiên, Thái Bình có khả năng tiềm tàng tạo nên sức mạnh và ý thức hệ giai cấp vô sản to lớn bởi có sự tồn tại và phát triển của hàng nghìn thợ thủ công truyền thống ở khắp các làng xã. Ngoài ra, Thái Bình còn có nhiều người làm công nhân tại các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy của tư bản Pháp và tư sản Việt Nam, thường xuyên giữ mối liên hệ với người thân ở quê hương. Được giác ngộ ý thức giai cấp, tiếp thu chân lý cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, khi trở về quê họ tiếp tục truyền bá tư tưởng cách mạng đến với những người nông dân lao động. Khi các chi bộ Đảng được thành lập và phát triển, mối liên hệ tự nhiên đó trở thành mối liên minh công nông bền chặt, góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển cùng với phong trào cách mạng cả nước.

Từ lực lượng nhỏ bé ban đầu, đội ngũ công nhân Thái Bình dần dần phát triển. Họ được giác ngộ cách mạng nên sớm tổ chức các hoạt động chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, sớm thành lập tổ chức công nhân cứu quốc. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lực lượng công nhân Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quần chúng khác nhanh chóng lật đổ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền cách mạng, góp phần cả nước thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 20/7/1946, tổ chức Công đoàn Việt Nam (Hội Công nhân cứu quốc) đổi tên thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân. Ngày 15/9/1946, tổ chức Công đoàn Thái Bình cũng chính thức được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Công đoàn đã tập trung củng cố ổn định và phát triển tổ chức, động viên công nhân viên chức, lao động trong toàn tỉnh khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, làm thêm giờ để sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ kịp thời cho kháng chiến, dân sinh... Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn luôn là lực lượng tiên phong đấu tranh vì độc lập, tự do, vừa sản xuất, vừa chiến đấu với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng cả nước viết nên bản hùng ca đại thắng, hòa bình, thống nhất đất nước.

Nhìn lại chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là thành tựu sau gần 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ công nhân viên chức, lao động Thái Bình ở thời kỳ nào cũng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong việc tham gia thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công nhân viên chức, lao động Thái Bình luôn giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng với tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; là lực lượng tiên phong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhiều phong trào thi đua, hành động thiết thực, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Thái Bình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tạo điều kiện thuận lợi để các khu, cụm công nghiệp ngày càng phát triển, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và lao động đến làm việc. Hiện toàn tỉnh có trên 129.200 công nhân viên chức, lao động, tăng hơn 80.000 người so với năm 2003. Không chỉ lớn mạnh về số lượng mà chất lượng công nhân viên chức, lao động cũng không ngừng được nâng lên. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chương trình hành động số 31-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng đội ngũ công nhân lao động Thái Bình thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, công nhân viên chức, lao động luôn được các cấp công đoàn, các cơ quan, doanh nghiệp tạo điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề, nâng cao ý thức, tinh thần làm chủ, thực hiện kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 33.000 cán bộ khoa học, kỹ thuật, trong đó có 9 giáo sư, phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 638 thạc sĩ, 46 bác sĩ chuyên khoa II, 32.300 cử nhân đại học, cao đẳng; trình độ bậc thợ 6 - 7 chiếm 6,2%, bậc 3 - 5 chiếm 58%, còn lại là trình độ sơ cấp nghề; số lao động trẻ dưới 30 tuổi chiếm 31% lực lượng lao động trực tiếp. 5 năm qua, đã có 60 công nhân lao động xuất sắc được tôn vinh; 30 thợ giỏi ngành may được khen thưởng; 12 tập thể, 43 cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua được biểu dương; 887 công nhân lao động được nhận các hình thức khen thưởng của các cấp công đoàn...

Tuyệt đối tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, có ý thức học tập, vươn lên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh..., công nhân viên chức, lao động Thái Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, góp sức xây dựng Thái Bình thành tỉnh nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Hà Dung

 

  • Từ khóa