Thứ 7, 27/07/2024, 02:23[GMT+7]

Nhớ mùa thu năm ấy

Thứ 4, 19/08/2015 | 08:34:42
1,864 lượt xem
70 năm đã qua kể từ Tháng Tám năm 1945, bài học về khởi nghĩa giành chính quyền đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhân dân hân hoan mừng ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Ảnh tư liệu

Thời cơ cách mạng đến đúng lúc chúng ta đang trong một hoàn cảnh rất điển hình. Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) nhưng trục phát xít Đức - Ý - Nhật lại thất bại, phải đầu hàng Hồng quân Liên Xô và phe đồng minh. Dân ta bị áp bức, bóc lột đến tận cùng, sống trong cảnh một cổ hai tròng (phát xít Nhật, chính quyền bù nhìn, phong kiến). Nhật bắt dân ta nhổ lúa trồng đay, cả nước 2 triệu người chết đói (riêng Thái Bình 28 vạn người). Cụ Võ An Ninh đã ghi lại sự kiện đó bằng bức ảnh: Bên phải là cột mốc Phú Khánh - km3, bên trái là người kéo xe ba gác chở xác người chết đói nằm chỏng chơ. Trên đường vào xã Bình Nguyên (Kiến Xương), bên trái vẫn còn nghĩa trang bà con chết đói năm 1945. Đã vậy lại còn vỡ đê (đê Đìa, đê Mỹ Lộc), lụt lội mất mùa, đói kém. Lòng dân chất chứa oán hờn, sớm hôm chờ cơ hội vùng lên đấu tranh.

Về lực lượng lãnh đạo, mặc dù bị địch khủng bố, bắt bớ, tù đày, các cán bộ, đảng viên trung kiên vẫn tìm mọi cách liên lạc với tổ chức, gây dựng phong trào. Ban Dân chính Đảng bộ tỉnh được Xứ ủy công nhận gồm 7 đồng chí: đồng chí Hậu (Nguyễn Đức Tâm) là Bí thư, đồng chí Ngô Duy Đông và Quang là Ủy viên Thường vụ, các anh: Mạnh Hồng, Lý Kiểm, Nguyễn Tài Khoái và chị Hạnh là Tỉnh ủy viên.

Tháng 5/1945, Tỉnh ủy họp (có đồng chí Lê Liêm, đại diện Xứ ủy) đã quyết định tích cực chuẩn bị khởi nghĩa, tập trung 3 vấn đề:
1. Tìm mọi cách chống đói, vận động người giàu giúp đỡ người nghèo; phá kho thóc, giữ thuyền chở thóc gạo của Nhật chia cho dân.
2. Rèn vũ khí thô sơ, giáo, kiếm, mã tấu. Thu súng săn, ống nhòm, bản đồ của địch phục vụ hoạt động vũ trang.
3. Mở lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ tự vệ.

Về cán bộ, ngoài lực lượng bám trụ tại chỗ và trên điều về còn có các đồng chí vượt ngục tù ra, lớp thanh niên trí thức yêu nước (như Ngô Duy Cảo). Tổ chức Đảng, Tổng bộ Việt Minh còn mở lớp huấn luyện quân sự (đồng chí Bắc, tức Đoàn Thế Hùng được trên cử về), lớp chính trị do đồng chí Nguyễn Văn Năng, Bùi Đăng Chỉ phụ trách. Ta còn tổ chức lấy 3 thuyền thóc của Nhật ở bến Hiệp chia cho dân nghèo; thu súng săn.

Chùa Phương Quả (xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ) - an toàn khu của Tỉnh ủy Thái Bình năm 1945.

Ngày 18/8/1945, tại Thượng Tầm, Thường vụ Tỉnh ủy họp nghe báo cáo tình hình và quyết định việc khởi nghĩa trong toàn tỉnh, ra nghị quyết phổ biến tới cơ sở. Ngay chiều ngày 18/8, tự vệ của ta đã tước vũ khí của Phủ (đóng ở phố Châu Giang). Hội nghị đã bàn huy động lực lượng tự vệ tước vũ khí ở Phủ Thái Bình. Khi được tin Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền, tổ chức Đảng của Thái Bình đã chuyển nghị quyết tước vũ khí của huyện thành khởi nghĩa giành chính quyền. Sau Thái Ninh là Tiên Hưng giành chính quyền (19/8), Quỳnh Côi, Phụ Dực, Đông Quan, tiếp đó là Duyên Hà, Hưng Nhân, Thụy Anh giành được chính quyền.

Việc giành chính quyền ở tỉnh có thuận lợi là sau khi Nhật đầu hàng, các huyện đã giành được chính quyền, tỉnh trưởng Nguyễn Hữu Trí đã gửi thư đề nghị ta vào tiếp quản. Ngày 19/8, thị xã Thái Bình tổ chức mít tinh biểu dương lực lượng, duy nhất có sự hy sinh của anh Phạm Tấn (thôn Vĩnh Gia, xã Phú Xuân) bị viên sĩ quan Nhật bắn bị thương rồi mất. Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại nhà cụ Minh Tân (thị xã) đã bàn và cử ra Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Ngô Duy Cảo làm Chủ tịch, ông Vũ Quý Mão, nguyên tri phủ Kiến Xương làm Phó Chủ tịch. Các đồng chí: Nguyễn Văn Năng, Bùi Đăng Chi, Nguyễn Văn Khiếu, Đoàn Thế Hùng là Ủy viên phụ trách các mặt: tuyên truyền, tài chính, quân sự... Lúc này, Ban Tỉnh ủy cũng được phân công cụ thể: Bí thư là đồng chí Nguyễn Văn Hậu (Nguyễn Đức Tâm). Đồng chí Ngô Duy Đông, Ủy viên Thường vụ, Bí thư Tỉnh bộ Việt Minh. Đồng chí Lương Quang Chất, Ủy viên Thường vụ, phụ trách an ninh - quân sự. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Bí thư Nông hội. Đồng chí Đỗ Thị Hạnh, Bí thư Phụ nữ... Ngay lập tức, chính quyền cách mạng bắt tay vào việc chống đói, đắp đê chống lụt, tổ chức bình dân học vụ, vừa kiến quốc vừa chuẩn bị cho kháng chiến.

Sau 70 năm ngẫm lại, từ việc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thái Bình, nhiều bài học vẫn còn nguyên giá trị: Vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên, Mặt trận Việt Minh do Đảng lãnh đạo bao trùm các mặt hoạt động, chấp hành nghiêm và vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Trung ương; nghệ thuật chời thời cơ; công tác xây dựng tổ chức đảng, bồi dưỡng cán bộ về chính trị và quân sự; bài học về đoàn kết toàn dân (sử dụng tỉnh trưởng Nguyễn Hữu Trí làm cố vấn, tri phủ Kiến Xương làm Phó Chủ tịch). Đảng viên chưa nhiều nhưng nổi lên là bầu nhiệt huyết của lòng yêu nước (đồng chí Ngô Duy Cảo được đồng chí Đông thay mặt tổ chức công nhận là đảng viên làm Chủ tịch tỉnh khi mới 22 tuổi).

Nguyễn Bá Côn
(Thành phố Thái Bình)

(Dựa theo hồi ký "Khởi nghĩa giành chính chuyền ở Thái Bình" của đồng chí Ngô Duy Đông do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình xuất bản năm 1993).


  • Từ khóa