Thứ 4, 09/07/2025, 17:56[GMT+7]

Về thăm Quỳnh Trang, Quỳnh Nguyên cơ sở cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa

Thứ 6, 21/08/2015 | 08:15:58
5,068 lượt xem
Trong cuộc cách mạng lịch sử của dân tộc ta 70 năm về trước, Thái Bình là một trong những tỉnh có phong trào cách mạng rộng khắp. An toàn khu Phương Quả, xã Quỳnh Nguyên và cơ quan in ấn Đồng Rè, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ được ghi nhận là căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Thái Bình, nơi họp bàn và đưa ra những quyết sách quan trọng góp phần làm nên thắng lợi cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Thái Bình.

Chùa Đồng Rè - nơi đặt cơ quan in ấn của Tỉnh ủy Thái Bình thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Nguyên và Quỳnh Trang, xã có diện tích chính 479ha là an toàn khu, căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Thái Bình, Quân khu Tả Ngạn, công binh xưởng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1944, tổ chức Thanh niên phản đế và đội Thái Hùng của xã Quỳnh Nguyên được thành lập có nhiệm vụ diệt ác, trừ gian và bảo vệ các cơ sở cách mạng tại địa phương. Đầu năm 1945, đồng chí Ngô Duy Đông được phân công về huyện Quỳnh Côi để xây dựng an toàn khu của tỉnh chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Phong trào cách mạng tại đây nhanh chóng được khôi phục, phát triển và thành lập Mặt trận Việt Minh. Tháng 4/1945, Ban chấn chỉnh phong trào họp và quyết định đổi tên thành Ban Tỉnh ủy lâm thời và bầu Ban Thường vụ do đồng chí Nguyễn Đức Tâm làm Bí thư, tiến hành một số nhiệm vụ cấp thiết để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền như chuẩn bị về lực lượng, tổ chức và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống phát xít Nhật, bè lũ tay sai. Chùa Phương Quả, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Côi được chọn làm an toàn khu của Tỉnh ủy để họp bàn và chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 do các đồng chí: Ngô Duy Đông, Lương Quang Chất, Nguyễn Đức Tâm lãnh đạo.

Về thăm chùa Phương Quả, chúng tôi được tận mắt chứng kiến đường hầm cách mạng khi xưa, nơi ghi lại dấu tích những ngày tháng lịch sử của 70 năm về trước. Đường hầm được bố trí ngay dưới chân chính điện, cửa hầm hình tròn và chỉ đủ cho một người chui xuống. Hầm được thông ra phía sau chùa, khi có động, cán bộ cách mạng sẽ nhanh chóng sơ tán. Đây chính là nơi trú ẩn và diễn ra những cuộc họp của Tỉnh ủy Thái Bình khi đó. Cụ Phạm Quang Cớt (sinh năm 1932, thôn Phương Quả Nam, xã Quỳnh Nguyên), một trong số ít nhân chứng về cuộc Cách mạng tháng 8/1945 nhớ lại: Phương Quả khi xưa là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Bọn mật thám thường dò la về cán bộ Việt Minh nhưng nhân dân nơi đây luôn kiên quyết che giấu và bảo vệ cán bộ. Đồng chí Trần Xuân Thuẫn, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Nguyên cho biết: Không chỉ nuôi giấu cán bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa, giai đoạn 1947 - 1950, chùa Phương Quả còn là cơ sở sản xuất vũ khí chống Pháp của Trung đoàn 42.  

Thư của đồng chí Đỗ Mười

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2008

Thân gửi: Đồng chí Nguyễn Ngọc Sinh

Bí thư Chi bộ thôn Trình Uyên, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình,

Tôi đã nhận được thư của đồng chí và bác Lê Đăng Khuyến. Tôi cảm ơn đồng chí và bác Khuyến đã có lời hỏi thăm sức khỏe tôi.

Cách đây hơn năm mươi năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt, tôi đã có dịp về làng Trình Uyên, đã có một ít ngày ở nhà ông Hộc, ông Mộc, bà Quỳ và mấy bà con nữa. Tôi không quên sự che chở và giúp đỡ của đồng bào và đồng chí ở Trình Uyên cũng như ở những nơi khác đối với chúng tôi trong những ngày khó khăn. Tôi nhờ các đồng chí chuyển lời cảm ơn chân thành của tôi đến các đồng chí, anh em, bà con trong làng, xã.

Nhân dịp đầu năm 2008 và sắp bước sang năm Mậu Tý, tôi chúc Đảng bộ và nhân dân thôn Trình Uyên, xã Quỳnh Nguyên thu được nhiều thắng lợi mới trong năm mới: mọi người sức khỏe dồi dào, làm ăn, học hành giỏi, gia đình hạnh phúc, Đảng bộ và nhân dân đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn, góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chào thân ái,
ĐỖ MƯỜI

Theo Lịch sử Đảng bộ Thái Bình, sau hội nghị thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời (tháng 4/1945), Tỉnh ủy đã lập cơ quan in đặt tại An Bồi, huyện Kiến Xương, lúc gần khởi nghĩa chuyển về chùa Đồng Rè (xã Quỳnh Trang), cách an toàn khu Phương Quả khoảng 2km nhằm in truyền đơn, tài liệu, in lại Báo Cứu quốc và Báo Cờ giải phóng, phân phát rộng rãi xuống cơ sở. Để giữ bí mật cho bộ phận này, ban ngày, các cán bộ ở đây thường viết đá và sinh hoạt tại một gian buồng ở nhà dân, ban đêm mang bản in lên chùa in. Mỗi đêm có từ 10 đến 15 giao liên, cán bộ đến chùa làm nhiệm vụ mang giấy, mực in và vận chuyển tài liệu, truyền đơn đến các địa phương. Mặc dù đã 90 tuổi nhưng cụ Bùi Xuân Tiềm, xã Quỳnh Trang vẫn rất minh mẫn. Cụ nhớ lại: Việc thành lập an toàn khu và cơ quan in ấn đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng nhiều nơi, Quỳnh Côi trở thành huyện có phong trào cứu quốc mạnh nhất. Nhân dân các xã trong huyện, đặc biệt là 2 xã Quỳnh Trang và Quỳnh Nguyên đã ngày đêm nuôi giấu cán bộ Việt Minh và nung nấu ý chí quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền. Đến cuối tháng 7/1945, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh đã lên đến cao trào, cơ sở cứu quốc phát triển nhanh chóng, không khí chuẩn bị khởi nghĩa sục sôi khắp nơi. Chiều ngày 18/8/1945, cuộc khởi nghĩa nổ ra đầu tiên ở Thái Ninh khiến làn sóng cách mạng lan tỏa mạnh mẽ, các địa phương trong tỉnh đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 6 ngày (từ 18/8/1945 đến 24/8/1945), chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống các phủ huyện, các làng xã đã hình thành, hệ thống chính quyền tay sai của phát xít Nhật đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Không chỉ là căn cứ thời kỳ tiền khởi nghĩa, sau Cách mạng tháng 8/1945, xã Quỳnh Nguyên còn là cơ sở hoạt động của Quân khu Tả Ngạn do đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Tả Ngạn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào kháng chiến chống Pháp tại 2 xã Quỳnh Trang, Quỳnh Nguyên nói riêng và các xã khác trong huyện Quỳnh Côi nói chung ngày càng dâng cao, quân và dân đã tiêu diệt nhiều tên địch, thu về nhiều vũ khí quan trọng.

Ngày nay, trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân 2 xã Quỳnh Trang và Quỳnh Nguyên quyết tâm xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện, phấn đấu về đích nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.

Đặng Anh

  • Từ khóa