Nơi Bác về thăm: Ngày ấy... bây giờ
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một xóm của bà con nông dân Hợp tác xã Nam Cường mới thành lập do lấn biển khai hoang, ngày 26/3/1962. Ảnh tư liệu.
NAM CƯỜNG GHI NHỚ LỜI BÁC: “GIAN KHỔ CỐ VƯỢT LÊN”
Sau khi thăm các cụ già, chia quà cho cháu nhỏ, tặng Huy hiệu của Người cho các chiến sĩ khai hoang, Bác ân cần nói chuyện với nhân dân và cán bộ, bộ đội. Bằng tình cảm đặc biệt, Bác căn dặn: Ðược biết đồng bào Nam Cường có nhiều thành tích trong khai hoang lấn biển, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương thay mặt Ðảng, Chính phủ về thăm đồng bào. Bác khen ngợi đồng bào đã có tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm lấn biển, quai đê, mở rộng diện tích canh tác, làm giàu cho mảnh đất quê hương. Bác nhắc nhở đồng bào khi đi khai hoang: “Mọi việc khi mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, các cháu đoàn viên thanh niên phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc khó. Xã viên phải đoàn kết tốt với cán bộ thì mọi việc sẽ thành”. Bác dạy: “Muốn ăn cam thì phải trồng cam, đồng bào đi khai hoang cũng vậy, phải cố gắng lao động sản xuất thì mới nhanh chóng ổn định cuộc sống”. Bác dạy nhiều điều, nhưng có lẽ người dân Nam Cường nhớ nhất lời Bác dặn: “Ðồng bào đi khai hoang gian khổ không kém gì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc đầu có gian khổ, mọi người phải đoàn kết giống như dây chão được se bằng nhiều sợi nhỏ, dây lớn không thể đứt được”.
Kể từ ngày Bác Hồ về thăm đến nay, nhân dân Nam Cường luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Gian khổ cố vượt lên”, đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm cải tạo mảnh đất “nước mặn - đồng chua” để đất làm nên những mùa vàng, đầy hoa thơm, trái ngọt. Từ một xã nghèo, sau hàng chục năm cải tạo ruộng đồng, giờ đây năng suất lúa của Nam Cường đạt trên 10 tấn/ha. Tận dụng lợi thế là xã ven biển, Nam Cường dành hàng trăm héc-ta mặt nước lợ để nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ đã tham gia nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá vược, ngao giống và một số loại khác trên vùng quy hoạch này. Bên cạnh đó, kinh tế trang trại, gia trại, tiểu thủ công nghiệp cũng được Nam Cường duy trì và phát triển ổn định. Thương mại, dịch vụ đa dạng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Nhờ vậy mà tổng giá trị sản xuất của Nam Cường mỗi năm một tăng. Thực hiện lời huấn thị của Bác, Nam Cường đã biến vùng đất hoang hóa xưa kia trở thành “tấc đất, tấc vàng”. Ghi nhớ lời Bác dạy, sau khi đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, Nam Cường quyết tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện từng tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Mục tiêu chung nhất được mỗi cán bộ, đảng viên ở xã Nam Cường xác định: xây dựng nông thôn mới, trước hết là cải thiện đời sống người dân, nâng cao dân trí, do dân làm chủ, dân quản lý, dân bảo vệ và dân hưởng lợi.
Một trong những hộ có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn mới ở xã Nam Cường là ông Tạ Quang Hãn ở thôn Chí Cường. Gia đình ông Hãn tự nguyện ủng hộ hàng chục triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Những tấm lòng thơm thảo đối với quê hương như ông Tạ Quang Hãn đã góp phần đưa Nam Cường sớm về đích nông thôn mới vào năm 2013, dù không phải là xã điểm của tỉnh.
Nam Cường hôm nay. Ảnh: Thành Tâm
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Sang, Chủ tịch UBND xã Nam Cường phấn khởi cho biết: “Trải qua bao khó khăn, thử thách, lời dạy của Bác luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Nam Cường. Chúng tôi đã biến tình cảm của Bác thành hành động thiết thực, lấy đó làm động lực để vươn lên trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Với sự cố gắng vượt bậc của Ðảng bộ và nhân dân địa phương, nhiều năm liền Nam Cường luôn là xã dẫn đầu huyện Tiền Hải trong các phong trào thi đua yêu nước. Những phần thưởng Nhà nước phong tặng là sự ghi nhận đóng góp xứng đáng của các thế hệ người dân Nam Cường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ðến hôm nay, mặc cho thời gian vần vũ, mặc cho cảnh cũ người xưa có nhiều thay đổi, hình ảnh của Bác, lời dạy của Bác càng ăn sâu, bén rễ trong cốt tủy của những nhân chứng từng được gặp Bác năm nào. Cụ Ngô Ðăng Ký là một người trong số đó. Qua tâm sự của cụ Ký, chúng tôi mới biết, năm 1961, cụ Ký là tiểu đoàn trưởng khai hoang 61. Hồi bấy giờ, cuộc sống của những người đi khai hoang gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều người không chịu đựng nổi, phải bỏ về. Bám trụ lại, chỉ còn chưa đầy một trăm người. Giữa lúc tưởng như không thể vượt qua thì Bác về. Sau khi nghe từng lời dạy bảo của Bác, bao toan tính thiệt hơn của những người mở đất đều nhường chỗ cho niềm tin vào ngày thắng lợi.
Gần 100 tuổi mà còn đọc được báo Ðảng. Ðó là câu chuyện có thật ở Nam Cường. Cụ là Nguyễn Thị Gái - nhân chứng được đón Bác Hồ về thăm Nam Cường năm xưa. Phòng khách của gia đình cụ Gái đựng toàn sách báo. Theo như lời cụ kể thì thói quen đọc báo là do cụ học tập theo gương Bác Hồ. Và thói quen lưu giữ sách báo của cụ cũng bắt đầu từ ngày Bác đi vào cõi vĩnh hằng. Cụ Gái nói, làm như vậy là để luôn nghĩ đến Bác. Khi được hỏi về kỷ niệm về lần được đón Bác về thăm Nam Cường, giọng cụ Nguyễn Thị Gái hào hứng hẳn lên. Cụ kể: “Có ai biết Bác về đâu, chỉ thấy cái máy bay trực thăng lượn vài vòng rồi hạ xuống. Mọi người ùa ra xem máy bay thì thấy đồng chí phi công mở cửa máy bay. Bác đứng ở cầu thang vẫy tay chào mọi người. Bác đi nhanh lắm. Ði thẳng xuống từng nhà dân. Bác hỏi nhiều, dạy bảo nhiều điều. Ai nghe cũng nhớ”.
Năm Bác Hồ về thăm Nam Cường, ông Phạm Xuân Khoát là một thanh niên tuổi mười tám đôi mươi. Sau đó, ông tham gia công tác chính quyền, làm Chủ tịch UBND xã cho đến ngày nghỉ hưu. Ông Khoát bảo, thế hệ các ông do hoàn cảnh chiến tranh không được học hành, đào tạo bài bản như cán bộ cấp xã bây giờ nhưng mọi công việc được giao ông đều hoàn thành tốt. Tất cả là do sự giáo dục trực tiếp, ảnh hưởng trực tiếp từ tác phong quần chúng, đạo đức sáng ngời của Bác mà thành. Mãi mãi ông không thể quên được hình ảnh một vị lãnh tụ tối cao mà lại gần dân, yêu dân như Hồ Chí Minh. Trong câu chuyện mà ông Khoát kể với chúng tôi, ông nhắc đi nhắc lại chi tiết: “Bác xuống thăm thấy có những đoạn dây thừng to ngăn thành khu vực riêng, Bác hỏi: Các chú căng dây thừng để làm gì? Một cán bộ thưa với Bác là chúng cháu làm vậy để bảo đảm an toàn cho Bác. Nghe xong, Bác nghiêm khắc bảo: Các chú tháo ngay đi, rồi Bác vẫy tay mời mọi người tiến lên ngồi gần Bác. Bác hỏi: Muốn làm nhà thì đồng bào phải làm gì? Mọi người thay nhau trả lời. Nào là đốt gạch, nung vôi, đào ao... Nghe xong, Bác ôn tồn giải thích: Cách đó chưa đủ. Theo Bác, muốn làm nhà thì phải trồng cây. Một cặp vợ chồng mỗi năm trồng 5 cây. Sau 5 năm sẽ có 25 cây. Số cây ấy khi đến tuổi làm nhà, thì chỉ cần dùng một nửa. Nửa còn lại bán đi lấy tiền bù vào công làm nhà. Bác của chúng ta là vậy!
Thành công trong phát triển kinh tế - xã hội cho thấy sức sống mãnh liệt của vùng quê miền duyên hải. Sức sống ấy bắt nguồn từ công lao to lớn của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Cách đây hơn 2 thế kỷ, cụ Nguyễn Công Trứ đã chiêu dân, lập ấp, khai khẩn đất hoang, quai đê lấn biển để có Tiền Hải như ngày hôm nay, cùng bao công sức của các bậc tiền nhân. Họ đã tạo điểm tựa vững chắc, tiếp thêm nghị lực và quyết tâm cho hậu thế vươn lên bám biển, làm giàu từ biển. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức tự lực, tự cường, vượt khó bám biển quê hương của mỗi người dân Nam Cường. Trong đó, lời động viên, khích lệ của Bác khi Người về thăm đồng bào Nam Cường năm nào: “Gian khổ cố vượt lên” mãi mãi là niềm tin sắt son nhất trong trái tim những người con miền biển. Với họ, tình cảm của Bác đối với đồng bào bao giờ cũng bao dung, độ lượng, như đại dương trước mặt. Với họ, dường như Bác vẫn luôn dõi theo từng bước đi của Nam Cường nơi đầu sóng!
Trần Nam
Ðài Phát thanh Truyền hình Thái Bình
Tin cùng chuyên mục
- Giữ vững “Lời thề Độc lập” 02.09.2022 | 08:15 AM
- Làng kháng chiến - làng văn hóa 04.09.2022 | 20:38 PM
- Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9Chân lý " Không có gì quý hơn độc lập, tự do " trong tư tưởng Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và định hướng thực tiễn xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc 01.09.2022 | 08:57 AM
- Việt Thuận: Xưa đồng khởi, nay đổi mới 30.08.2022 | 08:42 AM
- Mùa thu nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 08.08.2022 | 15:55 PM
- Nhà hát Chèo tổ chức ghi hình chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Quốc khánh 2/9 24.08.2021 | 16:21 PM
- 4 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh năm 2021 24.08.2021 | 14:38 PM
- Đổi thay ở “Làng kiểu mẫu” 23.08.2021 | 10:22 AM
- Nhớ mùa thu tháng tám 19.08.2021 | 20:35 PM
- Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021)Đoàn kết làm nên chiến thắng 19.08.2021 | 08:47 AM
Xem tin theo ngày
-
Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn