Thứ 3, 21/01/2025, 14:44[GMT+7]

Nông dân Thái Bình khẳng định vai trò trong từng thời kỳ

Thứ 5, 03/09/2015 | 14:32:24
1,973 lượt xem
Trong cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền giai đoạn 1930 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Thái Bình, giai cấp nông dân đã cùng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đứng lên đấu tranh mở đầu cho cao trào cách mạng mới ở Thái Bình. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng cho tinh thần, vai trò cách mạng to lớn của nông dân nói chung, nông dân Thái Bình nói riêng với sự n

Nông dân xã Đông Xá (Đông Hưng) trồng xen canh bí, lúa để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Là tỉnh sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thái Bình có trên 90% dân số là nông dân. Cùng với hạn hán, lũ lụt, thiên tai, ruộng đất chủ yếu tập trung trong tay địa chủ, phong kiến, sản xuất nông nghiệp không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho người dân. Đa số nông dân phải đi cấy rẽ, nộp tô cho địa chủ, chịu sưu cao thuế nặng, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân nói chung, nông dân nói riêng hết sức cơ cực. Từ tháng 3 - 10/1930, ở Thái Bình đã diễn ra hàng loạt các cuộc đấu tranh quyết liệt của nông dân với chính quyền tay sai phong kiến ở các huyện: Kiến Xương, Vũ Tiên, Thái Ninh, Thư Trì. Tiêu biểu là hai cuộc biểu tỉnh của nông dân Duyên Hà - Tiên Hưng ngày 1/5/1930 và cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930, mở ra một thời kỳ đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nông dân ngày càng trở nên gắn bó, nông dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do Trung ương và Xứ ủy phát động: đấu tranh đòi thả tự do cho các chính trị phạm, phản đối thuế thân, đấu tranh đòi chia lại ruộng công... Sự phát triển của giai cấp nông dân đòi hỏi Đảng phải thành lập một tổ chức thống nhất chặt chẽ của nông dân trong cả nước để tập hợp và động viên sức mạnh của nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. 86 tuổi, cụ Lê Thanh Bình, xã Đông Hợp (Đông Hưng) kể về những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử vẫn rất mạch lạc, chi tiết: Xã Đông Hợp nằm cách xa trung tâm huyện Đông Quan lúc bấy giờ, vì vậy phong trào cách mạng cũng có phần trầm hơn song nhân dân vẫn nung nấu tinh thần cách mạng. Nhiều gia đình mở hiệu sách, quán thuốc làm nơi liên lạc, lấy tiền ủng hộ cách mạng. Hai anh em ông Hà Đức Văn, Hà Văn Tý cất giấu truyền đơn tài liệu tại chùa Bái rồi chuyển giao cho các cơ sở quanh vùng. Trước nạn đói năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nhân dân trong xã đã kéo đến phá kho thóc Nhật của điền chủ Nguyễn Văn Ất chia cho dân nghèo, do vậy nhiều người đã thoát qua nạn đói. Chiều ngày 18/8/1945, hàng chục người dân trong xã đã tập trung tại chùa Báo Ân rồi tham gia giành chính quyền ở phủ Thái Ninh, tạo nên cao trào trong quần chúng.

Nông dân xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) phá dỡ tường bao, hiến đất làm đường giao thông.

Ngày nay, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, giai cấp nông dân Thái Bình tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua, xây dựng nông thôn mới. Người nông dân được làm chủ trên ruộng đất của mình, không còn nỗi lo "tháng ba ngày tám" mỗi dịp giáp vụ. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Năng suất lúa giữ vững trên 131 tạ/ha/năm; đã quy hoạch và xây dựng được nhiều vùng màu, lúa chất lượng cao; có 143 cánh đồng mẫu với diện tích 6.072ha. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ và ngành nghề. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, diện mạo nông thôn đổi mới. Dân chủ cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục có những bước phát triển mới về lượng và chất. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình, cho địa phương, góp phần đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh nhà có bước phát triển toàn diện, liên tục với trình độ ngày càng cao, đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Nhiều mô hình điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, nhiều hộ nông dân khắp các địa phương đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư tiền của, sức lao động, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh vươn lên trở thành "triệu phú". Đến nay, toàn tỉnh đã có 85 xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, dự kiến hết năm 2015 có 165 xã nông thôn mới. Đóng góp vào những thành tựu đáng tự hào ấy không thể không kể đến vai trò chủ thể với những hoạt động cụ thể, thiết thực của người nông dân. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao.

Với truyền thống vẻ vang, lòng yêu nước nồng nàn và tuyệt đối trung thành với Đảng; với trí thông minh, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất của giai cấp nông dân nói chung, nông dân Thái Bình nói riêng được tôi luyện và không ngừng lớn mạnh. Ở bất kỳ giai đoạn, thời điểm nào, nông dân luôn là hạt nhân góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Lưu Ngần

  • Từ khóa