Thứ 6, 22/11/2024, 05:39[GMT+7]

NATO không còn làm chủ được tình hình Bắc Syria

Thứ 7, 26/10/2019 | 15:04:48
1,595 lượt xem
Các quyết định đơn phương của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria vô hình chung tước bỏ vai trò của NATO với tư cách một liên minh quân sự.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg

Cuộc họp bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO tại Brussels đã biến thành cuộc tranh cãi về hậu quả đối với NATO từ các quyết định đơn phương của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria. Hai nước này đều là thành viên của NATO nhưng đã không tham vấn đồng minh NATO trước khi đưa ra các quyết định gây chia rẽ và làm suy yếu NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng giải thích lý do bắt tay với Nga nhằm lập vùng đệm dọc theo biên giới với Syria, nhưng đã không thể thuyết phục được các đồng minh NATO. Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập, Mỹ bị chỉ trích đó là không khí 2 ngày họp tại Brussels. Với các nước châu Âu, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tiêu tan công sức của liên minh chống khủng bố mà Mỹ đứng đầu và các nước châu Âu góp công góp của. Cục diện nay đã thay đổi hoàn toàn. Vùng đất trước đây nằm trong vòng ảnh hưởng của NATO thì bây giờ quân đội Nga tùy nghi tuần tiễu. Để tái lập phần nào ảnh hưởng của NATO tại vùng đất này, nước Đức đề xuất Liên Hợp Quốc đứng ra dàn xếp.

"Thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là cơ sở lâu dài cho một giải pháp chính trị. Vấn đề này không thể chỉ do 2 nước quyết định, mà phải được đưa vào chương trình nghị sự quốc tế. Chúng tôi đang tìm một giải pháp bao gồm quan điểm của cộng đồng quốc tế" - Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp Karrenbaue nói.

Ông Didier Reynders, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ, nói: "Chúng tôi không phản đối nguyên tắc tạo lập một vùng đệm do quốc tế kiểm soát. Tình hình đã thay đổi quá nhiều kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận".

Hành động của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vô hình chung tước bỏ vai trò của NATO với tư cách một liên minh quân sự. Trong cuộc họp báo cuối, lãnh đạo NATO không thể nói rõ là sẽ tiếp tục hành động như thế nào ở vùng Bắc Syria.

Ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO, nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nhất trí rằng phải giảm thiểu bạo lực và tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria. Chúng ta cần duy trì cam kết trong vùng và tiếp tục cuộc chiến chống lại kẻ thù chung của chúng ta là lực lượng Nhà nước Hồi giáo cực đoan".

NATO cũng bối rối vì quan điểm của Mỹ đối với vùng Bắc Syria vẫn chưa rõ ràng. Khi đã thấy hậu quả của việc rút quân, Mỹ đã vài lần thay đổi quan điểm. NATO buộc phải chấp nhận chuyện đã rồi, không thể thuyết phục và phối hợp hành động quân sự của các nước thành viên.

Theo vtv.vn