Thứ 6, 09/08/2024, 14:25[GMT+7]

Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng Cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chính xác

Thứ 2, 09/06/2014 | 08:23:48
889 lượt xem
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TT của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Lao động - TBXH) và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 15/4/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND về tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015 trên địa bàn tỉnh, tiến hành từ tháng 5/2014. Phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn ông Bùi Công Nhan, Phó Giám đ

Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh tặng quà cho cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đào Quyên

PV: Thưa ông, cuộc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng lần này có ý nghĩa như thế nào?

Ông Bùi Công Nhan: Ðợt tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng lần này là đợt tổng rà soát đầu tiên được thực hiện trên diện rộng, có ý nghĩa cả về mặt xã hội và quản lý nhà nước, là nhiệm vụ vô cùng quan trọng có ý nghĩa trước mắt và lâu dài đối với việc thực hiện chính sách người có công.  Ðây cũng là dịp khẳng định chính sách ưu đãi của Ðảng và Nhà nước, đồng thời cũng nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, phát hiện thiếu sót, sai sót, những điểm chưa hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách để kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Ðợt rà soát này tập trung vào 7 đối tượng là: liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong.

PV: Xin ông cho biết tiến độ thực hiện tổng rà soát ở tỉnh ta?

Ông Bùi Công Nhan: Tính đến ngày 1/6/2014, đợt tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố đã thành lập các ban rà soát tại địa phương, xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo tổng rà soát trên địa bàn và tổ chức tập huấn cho lực lượng làm công tác rà soát. Ở cấp xã: Tại 8 xã được chọn làm điểm đã thành lập Ban rà soát cấp xã, xây dựng văn bản chỉ đạo tổng rà soát ở địa phương, tổ chức tập huấn cho các thành viên tổ rà soát ở khu dân cư. Ðến nay, 8/8 xã, phường làm điểm đang tổ chức phát phiếu rà soát ở khu dân cư. Ở các địa phương còn lại đang tiến hành thành lập Ban rà soát cấp xã.

PV: Khó khăn lớn nhất trong thực hiện tổng rà soát lần này là gì thưa ông?

Ông Bùi Công Nhan: Do việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn lại quy định về chính sách và hồ sơ đề nghị hưởng chính sách khác nhau, không thống nhất nên gây khó khăn cho quá trình rà soát. Cùng với đó, cũng không tránh khỏi một bộ phận cán bộ trực tiếp tham gia công tác rà soát còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ trong việc thực hiện chính sách với người có công và việc nắm bắt chính sách ưu đãi người có công, đặc biệt là chính sách quy định ở những thời kỳ trước.

PV: Thái Bình sẽ thực hiện như thế nào để đợt tổng rà soát thực sự nghiêm túc, ngăn chặn tiêu cực và đạt được kết quả chính xác?

Ông Bùi Công Nhan: Ðể  đợt tổng rà soát được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và chính xác, ngăn chặn tiêu cực có thể xảy ra, Ban Chỉ đạo rà soát cấp tỉnh quán triệt Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Lao động - TBXH, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố phải vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đầy đủ, kịp thời và chính xác, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc tổng rà soát.

Ðối với cán bộ trực tiếp làm công tác rà soát, trên cơ sở các tài liệu hướng dẫn, các địa phương tổ chức tập huấn hướng dẫn và thực hiện thí điểm tại từng huyện, thành phố. Ban Chỉ đạo rà soát cấp tỉnh cũng đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên thực hiện kiểm tra, giám sát công tác rà soát ở các huyện, thành phố. Ðồng thời chỉ đạo các ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố phân công thành viên ban rà soát theo dõi, kiểm tra, giám sát tại các xã, phường, thị trấn.

Ở cấp xã, phường, thị trấn công tác kiểm tra, giám sát tại các thôn, tổ dân phố cũng được chú trọng. Ngoài ra, để bảo đảm tính chính xác của đợt tổng rà soát, sau khi có kết quả rà soát từ cấp huyện chuyển lên, Ban rà soát cấp tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp tổ chức phúc tra kết quả rà soát.

PV: Việc xử lý sau khi có kết quả tổng rà soát sẽ được tiến hành như thế nào thưa ông?

Ông Bùi Công Nhan: Sau khi hoàn thành tổng rà soát ở cấp tỉnh, Ban rà soát cấp tỉnh hoàn thiện báo cáo và trình  UBND tỉnh,  Bộ Lao động - TBXH; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công bố kết quả rà soát. Ðối với các đối tượng là người có công chưa được hưởng hoặc được hưởng nhưng chưa đầy đủ chính sách, căn cứ kết quả rà soát, ngành Lao động - TBXH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết chính sách theo đúng quy định của Nhà nước, đồng thời tham mưu cho Bộ Lao động - TBXH, cho Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi đối với người có công phù hợp với thực tế từ cơ sở. Ðối với các đối tượng hưởng sai chính sách, Ban rà soát cấp tỉnh sẽ xin ý kiến Bộ Lao động - TBXH cùng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Mai

                                   (Thực hiện)

  • Từ khóa