Chủ nhật, 05/05/2024, 06:40[GMT+7]

Bách tứ nhị thập Linh Quang

Thứ 2, 17/02/2020 | 08:59:54
4,209 lượt xem
Trải 420 mùa xuân trời đất giao hòa, Linh Quang tự vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm những người con Đô Lương xa quê hương và hiện hữu lung linh nơi chốn quê còn nhiều khó khăn đang đổi thay từng ngày bởi diện mạo vùng quê nông thôn mới Đô Lương...

Sau chiến tranh phá hoại của thực dân Pháp, Linh Quang tự không còn dáng vẻ cổ kính như xưa.

Tương truyền, từ thời nhà Lý, thế kỷ XII, niên hiệu Đại Định (1142) làng Tiến Lộc, tổng Xích Bích, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng nay là thôn Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng được khai quang do các vị danh nhân giám tự, cao tăng, thiền sư Khuông Việt, trạng sư Trần Tú Uyên, hòa thượng Thích Thiện Hải, Thích Quang Thịnh và các bậc thượng tọa, đại đức khác đã có công hoằng dương chính pháp cùng nhân dân khai điền, lập tự tôn tạo, xây dựng am Ngọc Quang to đẹp nhằm thu nạp Phật tử gần xa tu tập phật pháp. Đến năm 1.600 niên hiệu Hoàng Đức, Canh Tý niên, thế kỷ XVII am Ngọc Quang được đổi tên là Linh Quang tự và từng là Hạ trường báo ân của Giáo hội Phật giáo Hưng Yên.

Linh Quang tự (dân gian gọi là chùa Dật) tọa lạc hơn 10.000m², tương truyền khu đất xây dựng am Ngọc Quang thuộc làng Tiến Lộc vào những năm khoảng từ 866 - 900 thế kỷ thứ X từng bị Cao Biền, một nhà phong thủy nổi tiếng của Trung Quốc được vua Đường Ý Tông cử sang nước ta làm Tiết độ sứ trấn yểm. Cao Biền thực hiện lời dặn của Đường Ý Tông rằng đất Nam đó có huyệt phát vương nên Lý Bí đã xưng vương và từng làm các bậc tiên đế nhiều phen điêu đứng. Nay ngươi sang Giao Chỉ hễ thấy huyệt phát vương liền trấn yểm ngay. Nhưng thế đất u tịch am Ngọc Quang vẫn thoát lên thanh tao và linh thiêng khiến Cao Biền kinh hãi. Tương truyền một lần thị sát khu đất dựng am Ngọc Quang sau này, Cao Biền thấy thế đất hưng phát liền cho tay chân đem đồ đến trấn yểm. Đêm đó, Cao Biền dựng trại ngủ lại, Cao Biền mộng chiêm bao thấy có vị thần hiện lên nói rằng: Ta là thần Long Đỗ, tinh anh của khí thiêng sông núi đất Nam này việc gì nhà ngươi phải trấn yểm. Tỉnh mộng, sớm hôm sau, Cao Biền trực tiếp kiểm tra các huyệt yểm thấy đồ sắt tế khí đều đã sùi gỉ, mủn nát. Sau đó Cao Biền sợ hãi bỏ đi, các bậc cao niên làng Tiến Lộc cho người sửa chữa, lấp đầy các huyệt yểm. Xưa, am Ngọc Quang có kiến trúc cổ kính vào hạng bậc nhất vùng, có thể so với kiến trúc của Phật Điện nơi “Kinh Kỳ, Phố Hiến” với cung Tam Bảo ngôi tam quan Phật Điện, phủ Thánh mẫu vọng tiên cung, nhà Tổ và Chư hậu, nhà Tăng và 34 lớp học dành cho tu sĩ Phật Đạo.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), Linh Quang tự được Ủy ban kháng chiến Khu 3 chọn làm cơ sở chỉ huy của Bộ Chỉ huy Chiến khu 3 và Bộ Tư lệnh Mặt trận đường 5. Ngày ngày, khi chiều tà buông xuống, tiếng chuông trầm bổng của Linh Quang tự thong thả điểm từng hồi cũng là dấu hiệu báo cho quân du kích và cán bộ cách mạng hoạt động biết tình hình làng xã vẫn yên ổn, du kích có thể về làng. Khi chuông chùa đổ dồn, hối thúc cũng là dấu hiệu có địch càn quét về làng. Linh Quang tự cũng là nơi tập kết của đội nữ du kích làng Tiến Trật thời chống thực dân Pháp, dưới nền chùa từng có hai căn hầm bí mật cất giấu tài liệu cách mạng. Chùa còn là nơi sản xuất vũ khí của xưởng quân khí Quân khu 3, nơi đây là kho chứa vũ khí quân sự để phân phát cho các đơn vị chiến đấu toàn Quân khu 3. Cố Tổng bí thư Đỗ Mười trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp cũng từng về chùa hoạt động và chỉ đạo chiến dịch Đông Xuân năm 1949. 

Theo các tài liệu khảo cứu, để chuẩn bị tốt cho Cách mạng Tháng Tám 1945, Mặt trận Việt Minh làng Tiến Trật đã chọn 8 đồng chí cốt cán để làm nòng cốt xây dựng đội tuyên truyền Việt Minh gồm: Nguyễn Văn Xuyền, Đỗ Hữu Ất, Đỗ Hữu Ách, Đặng Văn Bạo, Bùi Đăng Ngữ, Hoàng Văn Lẫn, Bùi Thị Sim, Nguyễn Văn Nham do đồng chí Nguyễn Văn Xuyền chỉ huy. Ngày 2/8/1945, đồng chí Đinh Linh, Ủy viên Mặt trận Việt Minh khu 3 về Linh Quang tự phổ biến kế hoạch giành chính quyền. Để phục vụ hiệu quả cuộc biểu dương lực lượng giành chính quyền về tay nhân dân tại địa phương, nhà sư trụ trì Linh Quang tự Thích Thanh Nghĩa đã ủng hộ cách mạng 5 tạ thóc, 2 chỉ vàng và tự tay nấu bữa cơm chay cúng Phật, đồng thời cổ súy tinh thần toàn thể cán bộ, chiến sĩ cách mạng của các đơn vị chiến đấu có mặt tại chùa trước thời điểm diễn ra cuộc diễu binh.

Do chiến tranh tàn phá nên Linh Quang tự không còn giữ được vẻ ngoài cổ kính như xưa. Sau chiến tranh, nhân dân làng Tiến Trật xây dựng lại Linh Quang tự, chùa vẫn giữ được cuốn thư cổ “Đại tự y môn” và nhiều đồ tế khí khác, đặc biệt quả “Hồng Chung” cổ từ mấy trăm năm trước thuộc hạng “Tứ đại khí” triều Minh Mạng vẫn ngân nga khúc tự tình về miền đất cổ linh thiêng. Dân gian còn lưu truyền câu ca: “Chuông chùa Dật, mõ chùa Dai, khánh Nam Đài, trống Hải An” để ca ngợi vẻ đẹp uy nghi và tiếng chuông ngân nga trầm bổng đặc sắc của quả chuông quý hiếm chùa Linh Quang. Ngoài các đồ tế khí, hoành phi, câu đối, chùa vẫn lưu giữ được bức tượng đồng đen “Thích ca Mâu Ni” quý hiếm. Ngôi tam quan Điện Phật treo bức Đại tự “Quang Ngọc Kính” là lời nhắn nhủ của bậc tiền nhân rằng cửa từ bi luôn đón nhận lòng hảo tâm của phật tử, cao cả hơn hết vì nước non, vì dân tộc, lòng từ bi sáng trong như ngọc sánh cùng lọng tía, tán vàng phướn đại uy nghi. Hai bên y môn là hai tượng Hộ pháp “Thiện thần Chu thiên Bồ Tát” cao hơn một trượng với nét tạc nghệ thuật tinh xảo có từ hơn 500 năm trước và rất hiếm thấy. Phủ thánh mẫu “vọng Tiên cung” được trang trí cầu kỳ, các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son, thếp vàng, nổi bật là bức đại tự “Thiên Tiên Cung” thờ “Tam tòa Thánh mẫu” Đệ nhất Tiên thiên Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhất Thiên tiên Thái nữ Quỳnh Hoa, Đệ nhất Thiên tiên Thượng Ngàn công chúa... được tôn thờ trong “Khám Ngọc cung”, mỗi độ xuân về làng lại mở hội, chùa làng lại tưng bừng đèn hoa, tiếng nhạc xen lẫn lời ca ca ngợi công đức Đức Phật từ bi cùng “Tam vị Thánh mẫu” làm nghiêng ngả lòng người. Từng là Hạ trường tu luyện phật, pháp, tăng của cả vùng nói chung và giáo hội Phật giáo Hưng Yên nói riêng, trong đó có những nhà sư trở thành sư tổ như sư tổ Linh Quang tự, sư tổ Thích Đàm Nụ, Thích Thượng Hợp và 12 Chư Hậu, sư tổ chùa Quài, sư tổ chùa Rét, sư cụ Thích Đàm Thuyên, sư cụ Thích Đàm Nhương, Tự Đàm Ý, Hòa Thượng Thích Thiện Cao, Đại Đức chùa Đông Thịnh, chùa Hoàng Mai...

Lễ hội chùa Linh Quang, thôn Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng được tổ chức hàng năm nhằm ngày rằm tháng Giêng (tết Thượng Nguyên) với tục lệ cỗ chay. Rất nhiều món chay ngon mô phỏng nền văn minh lúa nước ngàn đời của dân tộc gắn với nghi lễ đạo Phật gắn bó bao đời nay hun đúc nên khí thiêng sông núi. Trải 420 mùa xuân trời đất giao hòa, Linh Quang tự vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm những người con Đô Lương xa quê hương và hiện hữu lung linh nơi chốn quê còn nhiều khó khăn đang đổi thay từng ngày bởi diện mạo vùng quê nông thôn mới Đô Lương...


Bà Đỗ Thị Lên, Chi hội trưởng Chi hội Phật giáo thôn Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng

Linh Quang tự vốn là nơi tu hành của nhiều tăng, ni nổi tiếng trong vùng nối truyền thống từ bao đời của rất nhiều phật tử trong và ngoài nước về quê hương mỗi dịp tết đến, xuân về, một vùng đất địa linh hàm chứa nhiều ẩn bí và là miền quê cách mạng kiên cường chống giặc ngoại xâm trong những năm tháng chiến tranh cứu quốc gian khổ từng nuôi giấu và đón đưa nhiều đồng chí cán bộ cốt cán của Đảng và Nhà nước.

Bà Trần Thị Viên, Chi hội Phật giáo thôn Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng

Năm 1950, Linh Quang tự bị giặc Pháp bắn phá, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, nhân dân làng Tiến Trật phải hạ Hồng Chung, dỡ mái chùa, phá tường, di chuyển tượng Phật, chùa chỉ còn trơ móng, cảnh vật hoang tàn. Trong chiến tranh, chùa Linh Quang bỗng trở thành tiền tiêu chiến đấu của làng kháng chiến. Trận chiến đấu oanh liệt ngày 6/8/1952, dựa vào thế trận lòng dân và mảnh đất chùa làng, bộ đội chủ lực ta cùng du kích làng Tiến Trật đã giáng một đòn chí mạng vào lực lượng tinh nhuệ của thực dân Pháp, khiến chúng tan tác. Trung ương Đảng, Chính phủ đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho làng.

Bà Nguyễn Thị Mến, thôn Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Đông Hưng

Chùa Linh Quang được bà con nhân dân thôn Tiến Trật chúng tôi cùng các tín đồ, phật tử gần xa có lòng hảo tâm đóng góp xây dựng lại. Tuy không cổ kính như xưa nhưng cũng đủ làm nơi tu tập, thờ phụng Phật pháp và các Thánh Mẫu Thiên tiên linh ứng. Chúng tôi rất mong cấp chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa có sự quan tâm, đầu tư giúp đỡ bà con nhân dân, Phật tử của Linh Quang có thêm điều kiện tôn tạo ngôi “linh thiêng cổ tự” này.


Quang Viện