Thanh Hóa: Bất cập trong quản lý và khai thác nguồn nước ngầm
Khai thác tràn lan
Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tự nhiên và xã hội; góp phần phục vụ cho các ngành công nghiệp, sinh hoạt dân dụng và nông nghiệp. Hiện nay, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa nhanh chóng, dân số ngày càng tăng, vì vậy nhu cầu sử dụng nguồn nước lớn, song ý thức về bảo vệ tài nguyên nguồn nước ngầm còn rất hạn chế. Không ít người cho rằng, đó là nguồn tài nguyên vô tận, không có ý thức tiết kiệm. Trong khi đó, việc quản lý Nhà nước nguồn tài nguyên này còn khá lỏng lẻo. Điều đáng nói ở đây là nguồn nước ngầm hiện đang bị các tổ chức và cá nhân khai thác một cách vô tội vạ và lãng phí. Đáng lo ngại hơn khi những năm gần đây nguồn nước mặt ở các ao hồ, sông, suối đang ngày càng cạn kiệt, không đủ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp nên số lượng giếng khoan, đào để lấy nước ngầm phục vụ việc tưới tiêu càng gia tăng.
Theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012, các tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm từ 10m3/ngày trở lên phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được cấp phép. Tuy nhiên trên thực tế thì ít có trường hợp nào xin phép vì hầu hết họ quan niệm khoan giếng nước trên đất nhà mình thì không cần phải xin phép cơ quan chức năng. Mặt khác, một số người khi biết quy định này lại “lờ” đi bởi họ ngại thủ tục phiền hà, mất thời gian hay phải tốn tiền đóng lệ phí. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2010 đến nay có trên 100 tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm được cấp phép. Trong đó, hầu hết các giấy phép trên đều cấp cho các công ty hoặc doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lượng nước lớn. Như vậy, người hành nghề khoan giếng trên địa bàn tỉnh hầu như làm tự phát, hoặc chưa được cấp giấy phép hoạt động. Trong khi các địa phương tuy biết số lượng người hành nghề khoan giếng, nhưng việc quản lý cũng như phổ biến pháp luật để họ ý thức hơn trong bảo vệ tài nguyên nước chưa được quan tâm. Thường thì các đội khoan tư nhân liên hệ với những hộ gia đình có nhu cầu khoan giếng nước và với thiết bị đơn giản, gọn nhẹ, họ hoạt động trên địa bàn rộng, cơ động từ địa phương này đến địa phương khác.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số địa phương ở huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Hậu Lộc..., thì hầu hết việc khoan, khai thác nước ngầm của các hộ gia đình đều không có giấy phép theo quy định. Khi cần khoan giếng, các hộ gia đình chỉ cần gọi theo số điện thoại dịch vụ khoan giếng để thỏa thuận giá cả, sau đó mua 1 máy bơm nước để hút nước lên. Với giá khoan dao động hiện nay từ 2,5-3 triệu đồng/giếng (tùy theo địa chất của từng khu vực). Chỉ trong 1 buổi là có thể hoàn thành 1 giếng khoan và khi giếng khoan có nước thì chủ nhà mới phải trả tiền. Do vậy, hầu hết các gia đình đều thuê thợ về khoan để lấy nước sử dụng.
Đến xã Tân Châu (Thiệu Hóa) vào những ngày tháng 2 này, chúng tôi không khó nhận ra hàng trăm giếng khoan, giếng đào nằm khắp các cánh đồng và trong khu dân cư để bơm nước ngầm tưới cho cây trồng và phục vụ sinh hoạt của các gia đình. Song khi được hỏi về việc đăng ký, xin cấp phép khai thác nguồn nước ngầm thì nhiều người chưa nắm được quy định này. Đơn cử như hộ gia đình anh Trần Văn Thao, ở thôn 2, để có nước phục vụ cho sinh hoạt, anh đã phải đầu tư gần 5 triệu đồng để khoan giếng, vì không biết quy định phải xin giấy phép khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất nên anh không làm hồ sơ xin phép mà tự mình thuê người về khoan giếng.
Cần đưa vào khuôn phép
Hiện nay, công tác quản lý tài nguyên nước đã được Nhà nước quan tâm và ban hành nhiều văn bản như: Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị định 201 năm 2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26-12-2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất... Đối với Thanh Hóa, UBND tỉnh rất quan tâm khi cho tiến hành điều tra, đánh giá trữ lượng và chất lượng nước dưới đất tại một số khu vực, chủ yếu là vùng ven biển để làm cơ sở cho các hoạt động cấp phép và bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm thời gian gần đây tại một số địa phương khó quản lý, khó kiểm soát, chế tài xử phạt đối với các đối tượng vi phạm còn hạn chế, các địa phương chưa quan tâm đến việc khai thác nguồn nước ngầm nên càng làm cho tài nguyên nước ngầm thêm suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do nhiều người sử dụng nước chưa nắm được quy định phải đăng ký, xin cấp phép. Trong khi đó, khâu quản lý ở cấp huyện, xã còn lỏng lẻo; địa bàn rộng, lực lượng chuyên môn mỏng... là những nguyên nhân chủ yếu. Mặt khác, do tài nguyên nước được phân bổ không đồng đều giữa các vùng, các nơi và giữa các mùa nên nguy cơ thiếu nước vào mùa khô ngày càng trầm trọng, dẫn đến nhu cầu khoan giếng của người dân rất lớn. Ngoài ra, cũng có một số chủ doanh nghiệp sử dụng nước biết phải đăng ký, xin cấp phép nhưng phớt lờ trách nhiệm vì xin cấp phép phải thuê đơn vị tư vấn khảo sát, lập đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch, tốn kém chi phí. Theo đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thiệu Hóa, cho biết: Việc khai thác nguồn nước mặt và cả nước ngầm ở một số địa phương hiện đang rất khó quản lý, nhiều trường hợp không có giấy phép một phần là do họ đã khai thác từ hàng chục năm nay; số khác thì tìm mọi cách để trốn tránh quy định. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt các đối tượng, đơn vị vi phạm chưa mạnh tay; đồng thời, các địa phương không mấy quan tâm đến việc khai thác sử dụng nguồn nước trên địa bàn nên vấn đề khai thác nước dưới đất lại càng khó kiểm soát hơn.
Để quản lý tốt nguồn tài nguyên nước ngầm, ngoài sự nỗ lực của ngành, Nhà nước cần hỗ trợ và vận động xã hội hóa để xây dựng các công trình nước sạch tập trung nhằm bảo đảm nguồn nước cho người dân sử dụng, tránh khai thác tràn lan gây cạn kiệt nguồn nước. Đồng thời, nghiên cứu các phương án sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông, kênh rạch sản xuất ra nước sạch cấp cho sinh hoạt và sản xuất dần thay thế nguồn nước ngầm. Chính quyền cơ sở, các ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Tài nguyên nước sâu rộng đến đồng bào các dân tộc, các tổ chức để người dân có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, khai thác nguồn nước ngầm theo đúng pháp luật; đồng thời, xử lý nghiêm đối với những hộ gia đình, tổ chức cố tình vi phạm nhằm góp phần hạn chế tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước ngầm trên địa bàn.
Theo baothanhhoa.vn
Tin cùng chuyên mục
- Quỳnh Phụ: Bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân 26.09.2023 | 09:32 AM
- Khắc phục khó khăn, bảo đảm cấp nước ổn định mùa nắng nóng 25.07.2023 | 10:29 AM
- Cấp nước sạch an toàn, ổn định 19.01.2023 | 02:55 AM
- Phổ biến các quy định của Bộ Y tế về quản lý chất lượng nước tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước sạch 25.04.2022 | 17:41 PM
- Công ty Mỹ Hưng cần khẩn trương cung cấp nước ổn định cho 2 xã An Thanh, An Mỹ 19.07.2021 | 09:42 AM
- Bể nước thắm tình quân dân 19.07.2021 | 10:17 AM
- Đưa nước sạch đô thị về nông thôn 16.07.2021 | 09:39 AM
- Nước sạch nghĩa tình 13.07.2021 | 18:03 PM
- Giúp đồng bào được sử dụng nước sạch 12.07.2021 | 08:36 AM
- Người Êđê giữ bến nước như mạch sống buôn làng 08.07.2021 | 20:50 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh