Thứ 6, 22/11/2024, 09:31[GMT+7]

Cận cảnh người dân quay cuồng với hạn mặn khốc liệt chưa từng có ở ĐBSCL

Thứ 4, 26/02/2020 | 15:27:11
868 lượt xem
Thời điểm này tuy chưa vào đỉnh điểm (tháng 3 - 4) nhưng hạn mặn gần như bao trùm khắp các tỉnh ĐBSCL, trong đó Bến Tre là một trong những địa địa phương chịu tác động nặng nhất. Điển hình tại 1 ấp của tỉnh Bến Tre, người dân đang quay cuồng với hạn mặn khắc nghiệt này.

Người dân chắt chiu từng giọt nước ngọt

Ngày 25/2, ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại ấp 2, xã Phong Nẫm (Giồng Trôm, Bến Tre) có hàng trăm hộ dân chưa có nước sạch. Hằng ngày, mọi sinh hoạt như tắm giặt, rửa chén bát đều bằng nước mặn, còn nấu ăn hay dùng để uống thì mua nước ngọt với giá đắt đỏ. 

Ông Nguyễn Văn Trọng, 82 tuổi ở tổ 9, ấp 2 (Kinh Cũ), xã Phong Nẫm nói với phóng viên rằng, sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến hạn mặn khủng khiếp như năm nay. "Đợt hạn mặn 2016 vẫn chưa hề hấn gì, năm nay mặn đến sớm hơn 1 tháng và kéo dài, thời tiết khắc nghiệt. Nhà tôi trang bị 5 - 6 cái hồ chứa nước ngọt để sử dụng quanh năm nhưng giờ vẫn không đủ dùng", nói xong, ông dẫn phóng viên ra sau vườn chứng kiến cảnh những dây bầu đang mang trái chết khô queo do thiếu nước. 

Cây thiếu nước đang chết héo 

Chị Liễu sử dụng nước mặn sinh hoạt 

Con gái ông là chị Trần Thị Liễu cho biết thêm, mọi sinh hoạt, tắm giặt, rửa chén bát đều bằng nước mặn. Còn nước ngọt mua với giá đắt đỏ, vào đến nhà hơn 300.000 đồng/mđể uống, nấu tàu hủ bán hằng ngày và tắm cho con nhỏ nên rất chắt chiu. "Người lớn hằng ngày đều tắm nước mặn rồi dội lại ca nước ngọt cho đỡ ngứa ngáy", chị Liễu nói. 

Chị Liễu rửa  chén bằng nước mặn 

Cùng hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Lệ Mai ở cùng tổ 9 than thở: "Mấy hôm trước nhà thiếu nước, lấy nước mặn cho bò uống bị tiêu chảy nên hoảng hồn không dám cho uống nữa, vì thế buộc phải mua nước ngọt cho uống hằng ngày". Hằng ngày bà Lệ ở nhà nấu tàu hủ đem ra chợ bán và nuôi 2 con bò, chồng đi làm thuê, còn con gái đang học lớp 10. Bà cho biết, không có nước sạch vô cùng vất vả, vợ chồng làm hằng ngày cũng chỉ đủ ăn, còn phải mua thêm nước ngọt mấy trăm nghìn một khối xài vài ba bữa là hết, để nấu ăn và cho bò uống chứ không còn cách nào khác. Còn nước dưới mương mặn đắng, không thua gì ngoài sông. 

Bà Mai chắt chiu từng giọt nước cho bò uống 

Còn vợ chồng anh V., cách nhà bà Mai vài trăm mét là công nhân đi làm về đến nhà, cho biết: "Hàng ngày tắm, giặt, sinh hoạt đều bằng nước mặn trong ao lấy từ sông vào, trong khi không có nước máy. Ở đây dân mong muốn có nước sạch sử dụng để đỡ vất vả nhưng mãi đến giờ chưa có". 

Anh V. cho biết, hằng ngày gia đình sử dụng nước dưới mương để sinh hoạt 

Hồ chứa nước nhà anh V. nước mặn đắng 

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Bùi Thành Hiếu, Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm cho biết, toàn xã có 1.960 hộ với 6.600 nhân khẩu. Đến nay nước sạch từ nhà máy kéo đến dân mới đạt 62%. Đối với khu vực ấp 2 đang thiếu nước sạch là khoảng 300 hộ nằm xa bên trong nên chưa kéo ống đến. Ông Hiếu cho rằng, việc này địa phương đã kiến nghị cấp trên nhiều lần để đưa nước sạch đến cho dân nhưng phía công ty Cấp thoát nước tỉnh cho hay do khu vực này ở xa, dân cư ít nên chi phí lắp đặt ống rất cao. Nếu đầu tư thì phải mấy chục năm mới hoàn vốn. Vì thế đến giờ vẫn chưa có nước sạch kéo đến.

Theo Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm, thời điểm này (ngày 25/2) nước từ nhà máy cấp cho dân để sinh hoạt cũng đã mặn trên 5‰, còn bên trong mương vườn hầu như đều mặn.

Hiện nay, trên địa bàn xã có doanh nghiệp đang thử nghiệm vận hành máy lọc nước mặn thành ngọt bằng năng lượng mặt trời, dự kiến vào đầu tháng 3 sẽ đặt 2 nơi để hỗ trợ cho người dân tại doanh nghiệp và trụ sở UBND xã để cung cấp miễn phí. Ngoài ra, xã cũng đã vận động 47 ống cống, mỗi ống 4m3 để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo chứa nước.

Theo tienphong.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày