Chủ nhật, 24/11/2024, 16:00[GMT+7]

Mầm sinh Mỹ Xá

Thứ 2, 16/03/2020 | 09:17:57
3,126 lượt xem

Thuần Mỹ điện thờ 5 vị vua triều Lê ở làng Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà đã trở thành phế tích.

Nếu như năm Đại Bảo thứ 3 (1442), vì kế ly gián của Tuyên từ Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh mà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao phải chạy về đất Ngự Thiên tránh sự truy sát, đến Trạm Chay chuyển dạ sinh Thái tử Lê Tư Thành thì đến thời Lê Chiêu Tông, vị hoàng đế thứ 10 của triều Lê, ở ngôi từ 1516 - 1522 lại một lần nữa đất Ngự Thiên “mở lòng” đón vua về ấp Mỹ Xá, nương náu ở điện Thuần Mỹ trước vận nước gian nan, ngự giá xiêu dạt, vua cùng ngự nữ Ngọc Quỳnh khấn rằng: “Nếu lòng trời còn trông về họ Lê, xin cho được giọt máu truyền đời, trước lo phụng thờ tông miếu, cùng trăm quan lo việc trung hưng”. Lòng thành động đến Hoàng thiên, từ đó ngự nữ mang thai, sau đẻ ra Thái tử Lê Duy Ninh (tức vua Lê Trang Tông, vị vua khởi nghiệp triều Lê Trung Hưng).

Thảo dân huyện Ngự Thiên đều biết chuyện vua Lê Chiêu Tông về điện Thuần Mỹ ở ấp Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) nương náu và cầu tự. Sách “Truyền thuyết về Chúa chổm” và “Tân Hưng phủ chí” ghi chép đại lược: “...Cuối đời Lê sơ, quốc gia ly loạn, Lê Chiêu Tông phải lánh về Ngự Thiên, cuộc sống ngày thường thiếu cơm, thiếu áo, bên vua chỉ có mình ngự nữ Ngọc Quỳnh...”. Giữa năm 1519, thiên hạ tạm yên, vua trở lại kinh thành nhưng thế lực của Mạc Đăng Dung quá mạnh, vua không còn đủ sức khống chế nên ngày 27/7/1522 đã bàn với các thân tướng Phạm Hiến, Phạm Thứ ra mật chỉ yêu cầu Trịnh Tuy từ Tây Đô về hộ giá, song chưa kịp thì tình thế gấp ép, đang đêm Chiêu Tông phải chạy sang huyện Minh Nghĩa, trấn Sơn Tây, tạm trú ở xã Mộng Sơn.

Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời Mạc Đĩnh Chi, ngày trước vốn ở làng Đông Cao, huyện Bình Hà (thuộc Hải Dương) sau dời sang ở làng Cổ Trai (thuộc Nghi Dương, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng bây giờ). Mạc Đăng Dung thuở trẻ, nhà nghèo, làm nghề đánh cá, nhưng có sức mạnh, thi đỗ Đô lực sĩ, làm đến Đô chỉ huy sứ về triều vua Uy Mục; đến triều vua Tương Dực, được phong là Vũ Xuyên, đời vua Chiêu Tông phong là Vũ Xuyên bá, sau đó chính Chiêu Tông lại phong Đăng Dung là Vũ Xuyên hầu. Ngày 28/7/1522, Mạc Đăng Dung vào kinh, lấy cớ “nước không thể một ngày thiếu chủ”, cùng Thái sư Lê Phụ, quận công Lê Chu... đi đón em vua là Lê Xuân ở Ngự Thiên về kinh đô tôn làm vua (tức vua Lê Cung Hoàng). Chiêu Tông cố giữ được phía Tây Nam sông Hồng. Mạc Đăng Dung phò vua mới (Cung Hoàng) về Gia Lộc, Hải Dương. Tướng Trịnh Tuy nghe kinh có biến, cất 1 vạn quân từ Thanh Hóa ra đón vua Lê Chiêu Tông về Tây Đô. 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Nhân năm ấy lúa nhiều nơi bị sâu, tháng 10 mưa lớn, Lê Chiêu Tông có văn cúng trời rất thống thiết: “Nay nhân vận nước gặp lúc gian truân, thiên hạ tỏ điềm cảnh tỉnh, lúa mùa sắp chín gặp phải hoàng trùng, mùa chiêm bắt đầu lại bị hạn hán. Nhà nông đã bị thất bát, muôn họ lại phải lo buồn. Thần đang lúc xiêu dạt, chỉ biết hết sức chăm lo. Nghĩ rằng điềm lành chưa ứng là do tệ chính chưa trừ. Có phải do người trung kẻ nịnh lẫn lộn mà chưa biết cách dùng ai, bỏ ai; có phải do hình phạt không trúng mà vẫn còn nhiều lỗi, dùng nhầm, dùng vượt. Hoặc do mạng người phải thí nhiều ở đầu đạn, mũi tên. Hoặc là của dân bị khánh kiệt do sưu cao thuế nặng; hay là người nắm quyền trị nước làm trái lẽ điều hoà, hay kẻ cầm quân đánh dẹp quá tham lam tàn bạo cho nên khí âm dương rối loạn, tai biến xẩy ra luôn. Nghĩ lo rất đỗi đau lòng. Kính cẩn khôn tỏ lời cầu khẩn. Cúi xin rủ theo nguyện vọng của dân, chuyển lại máy then tạo hoá để cho mưa ngọt ban khắp nơi... (để dân) kịp thời gieo mạ, lúa má nặng bông chắc hạt, toại nguyện bội thu, trộm cướp im hơi lặng tiếng, nước nhà chóng được bình yên...”. Sau ngày Chiêu Tông và vua em đi tế tiên đế ở Lam Kinh về, Mạc Đăng Dung càng nghi ngờ, được vài tháng Mạc Đăng Dung cho quân đón “cựu hoàng đế” Chiêu Tông về cung. Chiêu Tông biết việc dữ đã đến, gói ghém ít tư trang còn lại, rồi xui Ngọc Quỳnh nhân đêm dẫn con trốn đi. Lính của Đăng Dung vào trong điện Thuần Mỹ ép cựu hoàng lên ngựa, một số đi lùng bắt Ngọc Quỳnh. Bà bị đuổi gấp quá, liền ôm con nhẩy vào bụi rậm. Quân Mạc thấy cành lá gẫy còn vương nhựa sinh nghi. Lấy giáo đâm vào giữa bụi, Ngọc Quỳnh lấy thân che cho Duy Ninh. Vừa may có con cáo lớn nhẩy ra. Lính Mạc ngỡ mình đâm nhầm tổ cáo, bỏ đi. Ngọc Quỳnh lấy khăn băng bó vết thương, rồi cứ đêm chạy, ngày trốn, lần về quê ngoại tại sách Cao Trĩ, châu Ngọc Lặc, trấn Thanh Hóa. Nhà Mạc tiếp tục truy tìm về tận quê ngoại. Phạm Thị Ngọc Quỳnh phải dắt con ra phường Thọ Xuân để tránh truy lùng. Phần vì kiệt sức do bị trọng thương trên đường chạy trốn, phần vì sự chật vật, lam lũ nuôi con, bà Quỳnh mất sớm. Chính sử không thấy có ghi chép về sự kiện ngự nữ Ngọc Quỳnh mất ở đâu, khi nào. Theo các tài liệu khảo cứu, tháng 10 năm Ất Dậu (1525) sau vài năm chạy trốn nhờ có sự can thiệp của Lê Cung Hoàng, ngày 28 tháng ấy Mạc Đăng Dung cho người đón Lê Chiêu Tông từ động An Nhân, xã Cao Sơn, sách Thúy Cử, châu Lang Chánh, phủ Thanh Đô (Thanh Hóa) về kinh. Ngày 1 tháng 11 vua về đến kinh thành và được Mạc Đăng Dung cho người “chăm sóc nghiêm ngặt”. Ngày 12 tháng 2 năm Bính Tuất (1526) nhân vua em (Lê Cung Hoàng) về tế tiên đế ở Lam Kinh, vua Lê Chiêu Tông xin đi theo. Khi về đến cửa Hải Thị (nay là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà), vua xin ở lại để hương khói tổ tông ở Thuần Mỹ điện và Quang Hiếu điện. Lê Cung Hoàng chiều ý hoàng huynh, Mạc Đăng Dung cho quân giám sát nghiêm ngặt, ý định ép để vua Chiêu Tông phải chết. Mạc Đăng Dung chỉ cho một mình ngự nữ Ngọc Quỳnh ngày ngày được phép đem nước cho chồng (vua Chiêu Tông) cầm hơi. Bà phải lấy hồ nếp bôi vào yếm (phơi khô), vào trong điện đem giặt yếm lấy hồ nấu cháo. Chiêu Tông cảm động dặn dò Ngọc Quỳnh: “Duy Ninh là giọt máu hoàng gia. Tôn miếu mai sau trông vào nó cả. Vận mệnh nhà ta dài ngắn “máy then” khó biết, nhất nhật trẫm có mệnh hệ, nàng nên biệt xứ giữ lấy con nối dõi, một lạy này tỏ lòng biết ơn trước, vậy gắng ghi lòng...”. Năm Giáp Thân (1524) Mạc Đăng Dung đem quân vào Thanh Hoá, sau bắt giết Chiêu Tông. Năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung bắt các quan nhà Lê thảo bài chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc.

Sử cũ chép: Cung Hoàng và bà Hoàng thái hậu đều bị Mạc Đăng Dung giết. Bấy giờ triều thần có Vũ Duệ, Ngô Hoán, quan Đô ngự sử là Nguyễn Văn Vận, quan Hàn lâm hiệu lý là Nguyễn Thái Bạt, quan Lễ bộ Thượng thư là Lê Tuấn Mậu, quan Lại bộ Thượng thư là Đàm Thận Huy, quan Tham chính sứ là Nguyễn Duy Tường, quan Quan sát sứ là Nguyễn Tự Cường, tước Bình Hồ bá là Nghiêm Bá Ký, quan Đô ngự sử là Lại Kim Bảng, quan Hộ bộ Thượng thư là Nguyễn Thiệu Tri, quan Phó Đô ngự sử là Nguyễn Hữu Nghiêm, quan Lễ bộ tả Thị lang là Lê Vô Cương đều là người khoa giáp cả, người thì nhổ vào mặt Mạc Đăng Dung hay là lấy nghiên mực đập vào mặt, hay chửi mắng, bị Đăng Dung giết đi. Có người thì theo vua không kịp, nhảy xuống sông mà chết, người thì quay đầu về Lam Sơn lạy hồn vua rồi tự tử. Những người ấy đều là người có nghĩa khí để tiếng thơm về sau.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin
Theo sách Trạng nghè Thái Bình, khi Mạc Đăng Dung ép các quan nhà Lê thảo soạn văn chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc, văn chiếu thảo xong, truyền cho bách quan xem để cùng ký, quan Thiêm đô ngự sử Nguyễn Văn Kiệt quê làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay là thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) xem xong chiếu văn trợn mắt, bẻ gẫy bút, tự trút bỏ mũ áo, chạy thẳng ra cửa về quê.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Xác định công tác bảo tàng các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng, những năm qua, Bảo tàng tỉnh tích cực cử cán bộ về cơ sở khảo sát, nắm chắc tình hình di tích lịch sử, văn hóa, giữ nguyên hiện trạng để chờ trung ương công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đối với Thuần Mỹ điện ở khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, chúng tôi cũng đang tích cực đề nghị cấp có thẩm quyền xét công nhận di tích được đăng ký, bảo vệ.

Họa sĩ Nguyễn Hồng Quý, khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Thuần Mỹ điện là di tích lịch sử văn hóa có kiến trúc rất đẹp, nhiều tượng gỗ và đồ tế khí quý giá đã bị mất cắp, tọa lạc trên khuôn viên khoảng 10 mẫu Bắc Bộ. Hiện di tích xuống cấp nghiêm trọng, khuôn viên bị xâm lấn, chúng tôi tha thiết đề nghị cấp có thẩm quyền lưu tâm.


Quang Viện