Thứ 6, 03/01/2025, 05:23[GMT+7]

Những chuyển biến tích cực ở Nho Quan

Thứ 3, 17/03/2020 | 09:15:06
2,564 lượt xem
Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Nho Quan (Ninh Bình) thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành hành động tự giác của đội ngũ cán bộ đảng viên, tạo sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gia đình ông Ðồng Văn Ðông, thôn Liêu Thượng, xã Ðồng Phong, huyện Nho Quan chuyển đổi đất ruộng trũng sang trồng ổi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ nói đi đôi với làm là biểu hiện của sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thôn 6 của xã vùng cao Phú Long, huyện Nho Quan có hơn 150 hộ dân với gần 600 người, hầu hết là đồng bào dân tộc Mường, chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập thấp, đời sống rất khó khăn. Ở đây muốn thoát nghèo phải phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương bằng việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng ngay cả khi đã có mô hình điểm, vẫn chưa dễ thuyết phục được mọi nhà thực hiện, do tập quán canh tác cũ còn ngự trị bấy lâu.

Bí thư Chi bộ thôn 6 Quách Văn Hà kiên trì cùng các đảng viên trong chi bộ và cán bộ xã thường xuyên gặp gỡ, vận động, hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế đồi rừng. Mưa dầm thấm lâu, đến nay trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như dứa, mía đường; nuôi lợn rừng, ong, dê, bò lai… đã trở thành nghề chính, cho thu nhập cao của nhiều gia đình ở thôn 6. Với số hộ nghèo còn lại, chi bộ tiếp tục động viên và phân công đảng viên giúp đỡ. Theo Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Long Bùi Trung Hiếu, không chỉ tâm huyết giúp dân phát triển kinh tế, mà hễ việc gì liên quan đời sống người dân, đồng chí Quách Văn Hà đều tìm hiểu kỹ lưỡng rồi đưa ra bàn bạc với chi bộ, cùng chi ủy phối hợp Ban công tác Mặt trận tổ chức họp dân, giải quyết. Qua đó, làm cho mọi người thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ bản thân, gia đình đối với cộng đồng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Bà con thôn 6 đã bảo nhau hiến đất, mở rộng đường, góp hàng nghìn ngày công để bê-tông hóa gần 2 km đường giao thông, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, tu sửa nhà văn hóa. Năm 2019, thôn 6 tiếp tục được công nhận khu dân cư văn hóa; Chi bộ thôn 6 nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.

Nhằm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, Hội Cựu chiến binh huyện Nho Quan chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho hội viên về công tác giảm nghèo, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kinh nghiệm quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả. Hội đã khai thác được hơn 92 tỷ đồng từ các nguồn vốn để cho 3.500 hội viên vay. Có vốn, nhiều hội viên nỗ lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nho Quan Phạm Văn Khánh, Hội hiện có bốn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương, 43 hộ sản xuất giỏi cấp tỉnh, 477 hộ sản xuất giỏi cấp huyện. Các hộ đang duy trì hiệu quả 25 trang trại, 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút hàng trăm lao động. Tham gia xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã chọn một số tiêu chí để đăng ký với địa phương và vận động hội viên gương mẫu thực hiện. Kết quả, có hơn 1.200 gia đình hội viên tự nguyện hiến gần 143.400 m2 đất, tháo dỡ tường rào, góp hàng nghìn ngày công xây dựng các công trình phúc lợi. Hội còn thường xuyên phối hợp các tổ chức thanh niên, phụ nữ duy trì "ngày thứ 7, chủ nhật sạch", vận động bà con phân loại rác thải tại gia đình, sử dụng túi dùng một lần, không dùng túi ni-lông. Tại các thôn, xóm đều có tổ an ninh tự quản của Hội, kịp thời nắm bắt tình hình, góp phần hòa giải những mâu thuẫn nảy sinh trong người dân.

Việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị đã được nhiều cấp ủy của huyện Nho Quan xây dựng thành chuyên đề và đưa vào nội dung sinh hoạt thường xuyên, quan trọng trong tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, tạo chuyển biến về ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, như: Ðảng bộ Quân sự huyện với cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; Ðoàn thanh niên thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với các cuộc vận động, phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi", "Sáng tạo trẻ", "3 trách nhiệm", "Tuổi trẻ Nho Quan chung tay xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị";…

Ở Ðảng bộ Công an huyện Nho Quan, nhiều cán bộ, chiến sĩ sưu tầm những bài viết, câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để đưa ra liên hệ thực tiễn với nhiệm vụ được giao tại các buổi sinh hoạt chi bộ. Theo Thượng tá Lê Thanh Ninh, Bí thư Ðảng ủy, Trưởng Công an huyện, việc tự học, tự rèn luyện trong toàn lực lượng theo phương châm "trách nhiệm cụ thể; chương trình, kế hoạch cụ thể; làm việc cụ thể; kết quả cụ thể; thi đua cụ thể" được Ðảng ủy chủ trương gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 và Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Triển khai Quy định của Công an tỉnh Ninh Bình về 10 điều phải làm đối với trưởng công an huyện, đội trưởng, trưởng công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm, Ðảng ủy Công an huyện Nho Quan đã chỉ đạo việc ký cam kết thực hiện đến từng người và tổ chức các buổi sinh hoạt góp ý cho cấp trưởng trên các lĩnh vực công tác. Nhờ đó, làm tăng lên ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, tạo động lực để mọi cán bộ, chiến sĩ thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Xã Thạch Bình là địa bàn khó khăn của huyện Nho Quan, với địa hình đồi núi, nhiều xóm cách trung tâm xã hàng chục cây số, xa nhất là xóm Quảng Mào. Phần lớn học sinh trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn. Ðể thuận tiện cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3, Trường tiểu học Thạch Bình mở ba điểm trường lẻ. Học sinh lớp 4, lớp 5 vẫn phải về học tại điểm chính của trường ở trung tâm xã. Do học xa nhà cả ngày, các em phải gói cơm mang theo. Thấy các em cơm nắm đạm bạc. Mùa đông, cơm lạnh ngắt, mùa hè ăn không có canh, đảng viên Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, giáo viên Trường tiểu học Thạch Bình đã bàn với chồng dành một phần lương của gia đình để nấu bữa trưa miễn phí và cung cấp chỗ nghỉ trưa cho 20 học sinh. Việc làm này được gia đình cô giáo Hạnh Nguyên duy trì từ năm 2014 đến nay.

Phó Bí thư Huyện ủy Nho Quan Hoàng Khắc Tiệp cho biết, thời gian tới, để việc thực hiện Chỉ thị số 05 ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, huyện tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong nêu gương về đạo đức và thực thi công vụ; xây dựng tác phong công tác quần chúng, dân chủ, tôn trọng, chăm lo đời sống người dân; nói đi đôi với làm. Cùng với đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, của MTTQ và các đoàn thể đối với việc thực hiện các nội dung đã cam kết của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị. Kết quả giám sát và kết quả thực hiện Chỉ thị số 05 được xem là tiêu chí quan trọng khi đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày