Thứ 6, 22/11/2024, 04:21[GMT+7]

Hải Hồ thiên duyên

Thứ 2, 23/03/2020 | 08:06:02
2,999 lượt xem
Từ thời tiền Lê (980 - 1009), làng Hải Hồ, tên Nôm là làng Hới, tên hành chính là Hải Triều nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà đã nổi tiếng khắp vùng bởi nghề dệt chiếu cói và chiếu cói Hải Triều mềm mại như nét duyên con gái Hải Hồ, ấm áp nghĩa tình quê hương làm nên nét đẹp làng nghề truyền thống.

Đền Quan Trạng ở làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà.

Dân gian có câu ca: “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” và những thân phận “liễu yếu, đào tơ” làng Hải Hồ cũng nổi tiếng đảm đang lại xinh đẹp khiến bao bậc tao nhân, lữ khách phải ngẩn ngơ như “phương danh” truyền miệng: “Rượu Me, chè Thái, gái Hải Triều”.

Một ngôi làng nhỏ dung nạp hai mảnh đời, hai thân phận nhưng có cùng một cơ cảnh gắn chặt thân phận với tấm chiếu làng Hới. Đầu làng phải kể đến quan trạng Phạm Đôn Lễ, ông xuất thân từ một gia đình nghèo khó, tương truyền, cha ông làm nghề chài lưới, mẹ ông dựng một túp lều bên bến sông Luộc bán nước chè xanh và hoa quả kiếm sống qua ngày. Từ nhỏ ông đã ham học và thông minh nên được một người khá giả trong họ nhận nuôi cho ăn học. Sau đó ông được cha mẹ nuôi cho sang học ở làng Thanh Nhàn, huyện Kim Hoa (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Phạm Đôn Lễ học rất chuyên cần, hiểu biết rất nhanh. Thầy dạy đã có lần nhận xét: Con học nhanh hiểu, nhập tâm, biết trọng đạo thầy trò, sau này hẳn con là người sẽ làm nên việc lớn. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tân Sửu Hồng Đức năm thứ 12 (1481) mùa hạ, tháng 4 thi Hội cho các cử nhân trong nước, lấy đỗ bọn Phạm Đôn Lễ 40 người. Ngày 27 vua ngự điện Kính Thiên thân hành ra đầu bài văn sách... cho bọn Phạm Đôn Lễ... Ba người đỗ tiến sĩ cập đệ... Phạm Đôn Lễ tên tự là Lê Khanh người Ngự Thiên, phủ Tân Hưng ngụ ở Thanh Nhàn, huyện Kim Hoa”... Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì năm 27 tuổi, Phạm Đôn Lễ thi đỗ Trạng Nguyên; từ thi Hương, thi Hội đến thi Đình ông đều đỗ đầu.

Thần phả, thần tích làng Hải Hồ, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng, lộ Long Hưng (nay là làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) có ghi: “Làng Hới có nghề truyền thống dệt chiếu từ lâu đời, chiếu Hải Triều được thương nhân khắp nơi về mua, mang lên cả kinh đô Thăng Long bán cho tư gia quan lại triều đình. Quan Trạng (Phạm Đôn Lễ) đi sứ nhà Minh, qua tỉnh Quảng Tây đến vùng dân chuyên nghề dệt chiếu... đã học được kỹ thuật đem về dạy dân”. Truyền ngôn rằng, chiếu ở Quảng Tây được thương nhân các nước Ba Tư ưa chuộng trên con đường tơ lụa từ thế kỷ thứ III, chiếu rất bền và đẹp, chính vì thế mà họ giữ bí mật nghề dệt quyết không truyền nghề cho người ngoài. Khi quan trạng đến nơi thấy nghề dệt chiếu cói ở đây hưng thịnh, ông nghĩ nghề này có thể làm cho người dân quê mình bớt nghèo đói, vì thế ông đã tìm cách học hỏi, truyền nghề. Biết ý định của quan cống sứ nước Nam, dân làng chiếu Quảng Tây lảng tránh nên Phạm Đôn Lễ không thể ngay lập tức “khai thác” kỹ thuật dệt chiếu của bên họ. Vốn thông tuệ hơn người, quan trạng chú ý các thao tác dệt chiếu của họ rồi ghi nhớ trong đầu, khi về trại nghỉ ông ghi chép lại và “ấp ủ” mang về nước truyền dạy cho người dân quê ông. Quan trạng nhìn thấy khung dệt của họ cũng chẳng khác khung dệt của người dân quê ông, chỉ có thêm “ngựa” đỡ sợi đay, sợi đay căng đều nên chiếu dệt nhanh, mặt chiếu phẳng đều. Hết hạn đi sứ, về đến kinh đô, sau màn chào hỏi xã giao ở triều đình, quan trạng ngày đêm mày mò làm khung dệt chiếu từ những điều ghi chép và học “mót” được ở thượng quốc chế ra go dệt chiếu, tạo khung, thêm ngựa dệt... Ông tự tay làm thử, kết quả rất mãn nguyện. Làm đi làm lại nhiều lần, thành thạo như người thợ thực thụ, quan trạng cẩn cáo triều đình cho về thăm quê rồi truyền dạy cho dân làng “cải tiến” khung dệt chiếu. Chiếu Hới nổi tiếng từ đó.

Cuối làng Hải Hồ có gia đình ông Nguyễn Mỗ thuộc dòng dõi nho học, sống rất nhân hậu, an vui trong gia cảnh thanh bạch. Gia tộc đã trải vài ba đời làm nghề thầy đồ. Cuộc sống đạm bạc của gia đình ông đồ “trông nom” vào gánh hàng trên vai bà đồ. Lấy nhau đã lâu mà mãi ông bà đồ mới có tin vui. Bụng mang, dạ chửa lại gồng gánh vất vả, tần tảo sớm khuya để có tiền trang trải cuộc sống nên vào sáng hôm ấy khi tan chợ về, trên vai gánh nặng mà đường về nhà còn xa, bỗng dưng, bà đồ thấy trong mình khó chịu rồi chuyển dạ sinh một bé gái ở ngay đoạn đường mưu sinh ấy. Nhận tin bà sinh giữa đường, ông đồ tất tưởi đến đón hai mẹ con về, thấy thế liền đặt tên cho con là Lộ (nghĩa là đường đi). Lộ lớn lên trong tình yêu thương của ông bà đồ và ngày càng xinh đẹp, thướt tha. Ông bà đồ hàng ngày yêu quý, nựng nịu con gái và thường gọi con là Gái. Thuở nhỏ Gái thường được cha đọc sách Tam Tự kinh cho nghe, chữ nghĩa nhanh chóng đi vào trí nhớ, rồi tự lúc nào trong đầu cô bé Gái ngây thơ, nhí nhảnh đã bắt đầu bập bẹ đọc được chữ Hán. Thấy con sáng dạ, thông minh, tỏ vẻ rất hiếu học, ông đồ vui sướng quyết định sẽ cho con gái trau dồi nghiên bút. Mới 6 tuổi, bé Gái được ông đồ cho chính thức nhập môn vào trường học và bắt đầu gọi tên thật là Nguyễn Thị Lộ. Tám, chín tuổi đã thuộc làu tứ thư ngũ kinh, thông tuệ sách sử, có biệt tài xuất khẩu thành thơ. Nguyễn Thị Lộ giỏi chữ Hán nhưng lại thích làm thơ Nôm, sớm nổi tiếng văn hay chữ tốt. Kế thừa truyền thống gia đình, Nguyễn Thị Lộ có khiếu cả về ngành y dược lẫn lý số nên được cha mẹ mời thầy về dạy bắt mạch bốc thuốc và được chính cha giảng dạy về căn số, “can chi ngũ hành” cùng cách bói dịch. Chẳng may “ông bà đồ” sớm lần lượt về với tiên tổ, để lại một mình Nguyễn Thị Lộ bơ vơ cuối làng. Nguyễn Thị Lộ phải theo người bà con lên kinh đô Thăng Long, ngụ tại phường Tây Hồ bán chiếu gon kiếm sống.
Thiên duyên xui khiến quan hành khiển Nguyễn Trãi thư thả dạo chơi ven Hồ Tây gặp Nguyễn Thị Lộ bán chiếu. Thoạt thấy dáng cách thiếu nữ thanh tao, nhan sắc đậm đà, Nguyễn Trãi bèn dừng chân gạn hỏi và gợi chuyện làm quen. Thấy cô gái còn rất trẻ, gương mặt thanh tú, đối đáp thông minh, ứng xử nhanh nên ông đã ngẫu hứng:


Ả ở đâu ta bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa? Được mấy con?


Mấy câu thơ phiêu bồng của một ông quan chưa hề quen biết không khiến cho Nguyễn Thị Lộ rung động, bà thản nhiên đáp lại:


Tôi ở Hải Hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh chừng độ hai mươi tuổi
Chồng còn chưa có, có chi con!


Lời thơ trong sáng, ý tứ sâu sắc, chỉ riêng đầu câu thứ hai “can chi” thôi, Nguyễn Thị Lộ đã tỏ ra là người có học thức cao, vì “thiên can” là Giáp, Ất... còn “địa chi” là Tý, Sửu... Nguyễn Thị Lộ muốn nói với vị quan rằng: Tôi là gái mới lớn, còn trinh trắng. Câu thơ vừa thốt lên đã khiến quan hành khiển Nguyễn Trãi nảy ý mê say và không lâu sau đã cưới Nguyễn Thị Lộ làm thiếp. Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã có một thời gian không dài sống với nhau rất hạnh phúc, tâm đầu ý hợp trước khi gặp họa tru di.


Ông Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh

Dân nghèo ngày xưa thì chiếu Hới là sản vật, là ước vọng đời sống đủ đầy. “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” là một mơ ước mà chỉ những người giàu có mới thực hiện được. Với dân làng Hới, khi chiếu Hới nổi tiếng, bán rộng rãi khắp nơi thì đời sống nhân dân được no đủ và dân rất biết ơn quan Trạng Phạm Đôn Lễ. Khi ông qua đời, dân làng Hải Triều đã lập đền thờ ông, suy tôn ông là ông tổ nghề chiếu.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nghề dệt chiếu ở làng Hới (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) nổi tiếng trong và ngoài tỉnh từ thuở xa xưa. Ngày nay, cơ chế thị trường cạnh tranh hàng hóa, mặc dù nhiều loại chiếu nhựa, chiếu trúc tràn ngập thị trường song chiếu Hới vẫn đứng vững và phát triển nhờ sự năng động của làng nghề. Cơ bản, chiếu vẫn được dệt thủ công nhưng đa dạng mẫu mã, giá cả hợp lý. Đã xuất hiện doanh nghiệp, tổ hợp dệt chiếu bằng máy. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều gia đình nặng lòng với nghề truyền thống, dệt chiếu bằng go.

Cô giáo Trần Thị Kim Hương, Trường Tiểu học Phạm Đôn Lễ, huyện Hưng Hà

Hiếm có một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, văn hiến như làng Hải Triều, xã Tân Lễ. Nghề dệt chiếu cói truyền thống vẫn được nhân dân duy trì, phát triển. Thiên tình sử giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, người con gái tài sắc vẹn toàn lễ nghi học sĩ triều Lê tuy đã minh oan nhưng vẫn chưa được chiêu tuyết.


Quang Viện