Thứ 5, 02/05/2024, 07:04[GMT+7]

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và một số văn bản hướng dẫn thi hành (Phần 6)

Thứ 4, 25/03/2020 | 09:04:31
1,938 lượt xem

Câu  42.  Trường hợp nào phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế?
Trả lời: 
Theo Điều 8, Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch thì các trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế như sau:
Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế được thực hiện trong trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định nhưng không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế của người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế.

Câu  43: Việc quản lý người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 13 Nghị định 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch và khoản 3, Điều 36, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì việc quản lý người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế như sau:
1. Trong thời gian áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng chế độ ăn, mặc, ở và không được tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly trừ các trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 dưới đây.
2. Trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế nếu:
- Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế có diễn biến bệnh hoặc mắc các bệnh khác vượt quá khả năng xử lý của mình thì thủ trưởng cơ quan thực hiện việc cách ly phải chuyển người đó đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ khả năng gần nhất để điều trị cho người bệnh;
- Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế mà bị tử vong, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ quan thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế phải tiến hành việc kiểm thảo tử vong theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện vệ sinh trong việc quàn, ướp, chôn cất, di chuyển thi hài, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
3. Việc vận chuyển người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế từ địa điểm này đến địa điểm khác phải sử dụng phương tiện vận chuyển chuyên dụng, đồng thời phải áp dụng các biện pháp dự phòng để không làm lây nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm cho người vận chuyển và ra cộng đồng.
a) Thời gian áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế do người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 nêu trên quyết định nhưng không quá 21 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế có hiệu lực;
b) Trường hợp hết thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế mà đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế chưa khỏi bệnh hoặc chưa được xử lý theo quy định Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cụ thể:  khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Trường hợp nhận được khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì phương tiện vận tải, người, hàng hóa trên phương tiện đó phải được cách ly để kiểm tra y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, nhập khẩu, quá cảnh; nếu không thực hiện yêu cầu cách ly của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly nhưng trong quá trình thực hiện biện pháp cưỡng chế cách ly y tế không tuân thủ các quy định của cơ quan thực hiện việc cưỡng chế cách ly phải gia hạn thời gian cưỡng chế cách ly.
Quyết định gia hạn thời gian cưỡng chế cách ly y tế là 10 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Câu 44. Việc vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch được quy định như thế nào?
Trả lời: 
Theo quy định tại Điều 50 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bao gồm:
- Vệ sinh môi trường, nước, thực phẩm và vệ sinh cá nhân;
- Diệt trùng, tẩy uế khu vực được xác định hoặc nghi ngờ có tác nhân gây bệnh dịch;
- Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác là trung gian truyền bệnh.
Đội chống dịch cơ động có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo quy trình chuyên môn ngay sau khi được Ban chỉ đạo chống dịch yêu cầu.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế theo hướng dẫn của cơ quan y tế có thẩm quyền; trường hợp không tự giác thực hiện thì cơ quan y tế có quyền áp dụng các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế bắt buộc.

Câu 45. Người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 51, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch phải thực hiện một hoặc một số biện pháp bảo vệ cá nhân sau đây:
- Trang bị bảo vệ cá nhân;
- Sử dụng thuốc phòng bệnh;
- Sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh;
- Sử dụng hóa chất diệt khuẩn, hóa chất phòng trung gian truyền bệnh.
Nhà nước bảo đảm cho người tham gia chống dịch thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân nêu trên.

(còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày