Thứ 5, 28/03/2024, 23:48[GMT+7]

Chung tay xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng

Thứ 4, 08/07/2020 | 08:13:15
1,245 lượt xem
Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Sóc Trăng đã vào cuộc với nhiều biện pháp đồng bộ, từng bước triển khai cụ thể, phù hợp với từng địa phương. Xây dựng NTM đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông được nối dài tới các xóm, ấp, cuộc sống người dân ngày một ấm no.

Tổ hợp tác ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, phổ biến kinh nghiệm mô hình nuôi ếch cho người dân.

Về huyện Mỹ Xuyên trong những ngày này, đến đâu cũng thấy người dân hân hoan, trang hoàng nhà cửa, treo cờ Tổ quốc, vệ sinh đường sá tươm tất để đón mừng sự kiện được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM. Ông Lâm Văn Phấn, một nông dân Khmer sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu ở ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn chia sẻ: “Chính sách xây dựng NTM của Nhà nước là một chủ trương đúng đắn, làm cho đời sống đồng bào Khmer nơi đây phát triển về mọi mặt. Là người có uy tín, tôi đi vận động bà con góp công, góp sức cùng thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Người dân Khmer hưởng ứng rất nhiệt tình, ai cũng phấn đấu lao động, sản xuất, nghĩa tình phum sóc ngày càng cao”. Còn bà Kim Thị Bé ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn vui mừng kể: “Trước đây, giao thông đi lại khó khăn, đường đi không có, người dân vất vả lắm. Khu vực gia đình tôi ở có hơn 50 hộ sinh sống, phần lớn là hộ nghèo. Nhờ ơn Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, người dân đã từng bước thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn”.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Đặng Văn Phương cho biết, vốn là một huyện thuần nông, sản xuất nhỏ, phân tán, Mỹ Xuyên có điểm xuất phát thấp với hơn 30% dân số là đồng bào DTTS. Thực hiện xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đổi thay với diện mạo mới, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện bảo đảm theo chuẩn và kết nối thông suốt từ trung tâm huyện đến các xã, từ trung tâm xã đến các ấp. Có 40 trong số 53 trường học phổ thông các cấp đạt chuẩn quốc gia; hệ thống điện bảo đảm đạt chuẩn, cung cấp điện cho 98,72% số dân.

Xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú là xã nông thôn vùng sâu, có hơn 90% số dân là người DTTS. Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ Sơn Sà Ranh cho biết, trước đây, kết cấu hạ tầng nông thôn xuống cấp, đường sá đi lại rất khó khăn. Sau khi triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Phú Mỹ được nâng lên rõ rệt. Hiện xã có tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 95,88% số hộ; hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 71% số hộ; hộ chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường chiếm 70,13% số hộ; tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm vệ sinh môi trường và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm; người dân toàn xã tham gia các hình thức bảo hiểm y tế…

Chúng tôi có dịp về Vĩnh Châu, thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng, nơi có hơn 70% số dân là đồng bào DTTS, trong đó đồng bào Khmer chiếm đến 53% số dân. Thị xã hiện có ba trong số sáu xã đạt chuẩn xã NTM. Thượng tọa Kim Thương, sư cả chùa Lakhanawong (Xung Thum), xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu đã phát huy vai trò của người có uy tín, vận động cất, sửa chữa được ba căn nhà cho hộ nghèo và làm đường nông thôn, với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Thượng tọa Kim Thương chia sẻ: “Với trách nhiệm của sư trụ trì, tôi thường xuyên kêu gọi bà con phật tử tham gia xây dựng NTM bằng các hành động thiết thực, cụ thể như: trồng cây xanh, đóng góp ngày công cùng chính quyền địa phương thực hiện các công trình nông thôn, tích cực chung tay trong các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, khó khăn”.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thị xã Vĩnh Châu đã vận động người dân hiến hơn 48.000 m2 đất, 16.000 ngày công lao động và 2,2 tỷ đồng để xây dựng trường học, nhà văn hóa ấp, đường giao thông nông thôn… Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Sơn Ngọc Thạch khẳng định: “Thị xã sẽ tiếp tục vận động xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao một cách đồng bộ, tạo động lực cho đồng bào DTTS phấn khởi thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện NTM tỉnh Sóc Trăng, phong trào chung tay xây dựng NTM ở địa phương hiệu quả là nhờ chủ trương đúng, hợp lòng dân. Qua 10 năm thực hiện, Sóc Trăng đã huy động hơn 16.625 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, người dân đóng góp hơn 1.387 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 42 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 23 xã so với lúc kết thúc giai đoạn 1 (năm 2015), các xã còn lại đạt từ 12 đến 17 tiêu chí; bình quân số tiêu chí đạt 16,85% tiêu chí/xã. Riêng thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Xuyên là hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh đã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm, tăng hai lần so với năm 2010; toàn tỉnh chỉ còn hơn 8% số hộ nghèo, giảm gần 14% so với năm 2011; có 79 trong số 80 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, đường trục ấp, liên ấp; hơn 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có đủ nước tưới và sử dụng nước chủ động; hơn 98,5% số hộ dân có điện sử dụng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện NTM tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng nhận định, cùng với nhân dân trong tỉnh, đồng bào DTTS đã thể hiện tinh thần đoàn kết, thi đua yêu nước, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Có thể nói, phong trào xây dựng NTM ở tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã có sức lan tỏa rộng khắp đến các thành phần xã hội và địa phương, được đông đảo các tổ chức và nhân dân, nhất là đồng bào DTTS hưởng ứng tham gia, góp phần xây dựng nông thôn trù phú, cuộc sống ấm no, giữ vững bản sắc dân tộc và an ninh trật tự được ổn định.

Theo nhandan.com.vn