Thứ 6, 22/11/2024, 00:46[GMT+7]

Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông

Thứ 7, 17/07/2021 | 12:12:34
3,271 lượt xem
Xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút là xã điển hình phong trào hiến đất làm đường. Từ cán bộ cựu chiến binh đến giáo dân đều tình nguyện hiến đất...

Bê tông hóa giao thông nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông

Người cựu chiến binh xung phong hiến đất làm đường

Mấy tháng nay, toàn bộ 15 km đường liên xã Trúc Sơn - Cư K’nia - Đắk D’rông - Nam Dong đã được khoác lên “bộ áo” mới. Con đường bê tông rộng, kéo dài đã thay thế những đoạn đường “đau khổ” trước đây. Cảnh tượng bụi mù mịt trong ngày nắng, lầy lội trong mùa khô nay đã trở thành dĩ vãng.

Để có được đường bê tông khang trang, người dân "bảo nhau" tình nguyện hiến đất.

Tuy nhiên, phong trào hiến đất làm đường tại xã Trúc Sơn này đã “sôi động” tự hàng chục năm nay. Năm 1996, ông Nguyễn Văn Nạp (một cựu chiến binh), quê ở xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cùng gia đình chuyển vào thôn 6, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, Đắk Nông để lập nghiệp.

Trước đây đường vào thôn 6, xã Trúc Sơn là một con đường nhỏ hẹp, thường xuyên lầy lội vào mùa mưa khiến việc đi lại và vận chuyển nông sản hết sức khó khăn. Thế nhưng từ năm 2017, con đường này đã được bê tông hóa và có một phần đóng góp của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Nạp.

Để làm đường cần giải tỏa một diện tích đất vườn, trong đó gia đình ông Nguyễn Văn Nạp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng khi chứng kiến tuyến đường bị “tắc”, người dân đi lại khó khăn, thì ông Nạp không ngần ngại hiến ngay gần 1.000m2 đất vườn với 120 cây cà phê, 1 ao nuôi cá, với tổng trị giá khoảng 80 triệu đồng.

“Gia đình đã thống nhất và con cái của tôi cũng nhất trí theo ý kiến của tôi là hiến một phần đất này, mặc dù có thiệt hại cho gia đình nhưng mà lại giúp dân làng phát triển”.

Từ sự gương mẫu, tiên phong của gia đình ông Nguyễn Văn Nạp đã tạo ra khí thế mới trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Các hộ dân có tuyến đường đi qua đều đồng thuận trong việc hiến đất, cũng như đóng góp kinh phí để làm đường.

Ông Trương Triệu Bảo, thôn 6, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông, nói: “Anh em bà con trong xóm thấy ông Nạp hiến đất, chúng tôi cũng hiến để làm nên con đường khang trang sạch sẽ cho bà con đi. Từ khi con đường đã hoàn thành thì đã có nhiều đổi mới, nhà cửa sạch sẽ khang trang”.

Ông Nguyễn Hồng Đức, Trưởng thôn 6, xã Trúc Sơn, huyện Cư Jút cho biết, tuyến đường giao thông nông thôn ở thôn 6 được xây dựng theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, với chiều dài 700m, chiều rộng 3m. Tổng kinh phí xây dựng gần 600 triệu đồng,trong đó nhân dân đóng góp 113 triệu đồng, còn lại nhà nước hỗ trợ.

“Trong việc hiến đất của gia đình chú Nạp là sự khởi đầu cho thôn 6 chúng tôi, việc hiến đất của nhà chú Nạp cũng có một lượng đất khá lớn nên sau đó chúng tôi vận động gia đình khác dễ dàng. Với các tiêu chí thực hiện trong xây dựng nông thôn mới chúng tôi đã vận động và trên các cuộc họp chúng tôi cũng đã nói nhiều về vấn đề này nên bà con cũng hiểu".

Giáo dân “bảo nhau” thi đua hiến đất làm đường

Hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc xây dựng Nông thôn mới, bà con giáo dân thuộc Giáo Họ Vô Nhiễm (tập trung ở thôn 1, thôn 2 và thôn 3) xã Trúc Sơn đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất của gia đình để mở đường giao thông nông thôn.

Từ khi chưa có chủ trương làm đường giao thông của xã, ngay trong các buổi họp, bà con giáo dân thôn 1 đã trao đổi, bàn bạc giải tỏa hơn 2.000 m2 để làm đường giao thông liên xóm. Các giáo dân bắt tay vào việc tháo dỡ hàng rào, bao che, hiến đất vườn, đất ruộng để làm đường, tạo nên sức lan tỏa trong phong trào làm đường giao thông ở xã Trúc Sơn.

Gia đình ông Nguyễn Tiến Lợi là một trong những người tiên phong và cũng là gia đình hiến nhiều đất nhất thôn 1 để làm đường. Gia đình ông đã hiến gần 1.000m2 trong tổng số 3.000 m2 đất trồng cây công nghiệp, tự nguyện tháo dỡ tài sản trên đất để địa phương giải phóng mặt bằng tiến hành bê tông.

Còn gia đình ông Nguyễn Hữu Tài ở thôn 2 xã Trúc Sơn, ngoài hiến đất và tài sản trên đất, gia đình ông còn đóng thêm 5 triệu đồng để cùng với bà con giáo dân trong thôn đổ bê tông hơn 1 km đường nội thôn.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Trúc Sơn có gần 300 hộ gia đình với gần 1.500 nhân khẩu theo đạo công giáo tại giáo họ Vô Nhiễm, tập trung ở thôn 1, thôn 2 và thôn 3; chiếm 38,4% tổng số hộ trong toàn xã. Những năm qua người công giáo ở xã Trúc Sơn luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và các hoạt động ở địa phương. Không chỉ hiến đất, tài sản làm đường, bà con còn hăng hái tham gia đóng góp hàng trăm ngày công giải phóng mặt bằng, giải tỏa hành lang.

Để có được những tuyến đường lớn, việc người dân hiến đất mở rộng đường có ý nghĩa cự kỳ quan trọng.

Huyện Cư Jút là huyện đi đầu trong công tác phát triện hạ tầng giao thông nông thôn tại Đắk Nông. Theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cư Jút, trong năm 2020, toàn huyện cứng hóa được gần 37 km, nâng tổng số đường được cứng hóa lên gần 400 km (đạt tỷ lệ 61,75% đường toàn huyện). Trong số này, có nhiều chỉ tiêu đạt cao như: đường trục xã - liên xã (85,7%) đường đô thị (78,08%), đường thôn bon (78,83%)…

Trong năm 2021, huyện Cư Jút có 3 dự án đường giao thông được mở mới từ nguồn ngân sách tỉnh, gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông từ ngã tư Phan Chu Trinh đi xã Nam Dong; Dự án nâng cấp, cải tạo đường giao thông liên xã Tâm Thắng - Ea T'ling và Dự án đường giao thông xã Nam Dong đi xã Đắk D'rông - Đắk Wil.

Mới đây, HĐND tỉnh đã phê duyệt thêm 3 dự án giao thông quan trọng (khoảng 26 km) tại Cư Jút từ nguồn ngân sách. Các dự án dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.

Huyện Cư Jút luôn xác định đầu tư giao thông rất tốn kém nguồn lực nên phải thực hiện một cách bài bản, khoa học. Các trục đường chính, có ý nghĩa quan trọng của huyện được tập trung tối đa nguồn lực để nâng cấp, cải tạo theo hình thức cuốn chiếu, được tuyến nào bảo đảm chất lượng tuyến đó.

Điều đó giúp bảo đảm chất lượng công trình, phát huy tối đa hiệu quả vốn đầu tư công và góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.

Theo baogiaothong.vn