Thứ 6, 22/11/2024, 00:33[GMT+7]

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 04/06/2022 | 23:47:58
3,414 lượt xem
Năm 2015, Đan Phượng trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội. Từ kết quả đạt được, Đan Phượng tiếp tục phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Thành phố. Những năm qua, nông dân huyện Đan Phương - lá cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện đã tích cực chuyển đổi mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới gắn với các tiêu chí phát triển huyện thành quận vào năm 2025.

Mô hình cánh đồng hữu cơ bảo vệ môi trường và đất trồng

Tăng tốc chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp

Đến với xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng hôm nay, có thể thấy một sự đổi mới toàn diện không chỉ về đường làng, ngõ xóm, mà còn là tiềm năng kinh tế dồi dào. Đó là nhờ những hội viên nông dân - lực lượng nòng cốt trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tháp cho biết, trong lao động sản xuất đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tiêu biểu cùng với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm của người nông dân. Nhiều nông dân và hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh.

Nhờ đó, đã hình thành nên các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tổ hội mang lại hiệu quả kinh tế cao và ngày càng được nhân rộng: như mô hình hoa đồng tiền với 25 ha đã và đang làm tô thắm sắc màu nông thôn mới; mô hình trồng bưởi đào chín sớm với 10 ha; mô hình đã được nhận rộng và triển khai từ năm 2019; mô hình hoa ly với 2.5 ha là mô hình mới được trồng trên đất hai lúa đem lại giá trị kinh tế cao. Và để phát triển mô hình, Hội Nông dân xã đã phối hợp Ủy ban nhân dân xã cấp phát miễn phí gần 3.000 cây bưởi giống.

Cánh đồng lúa cho ra những bông vàng trĩu hạt 

“Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Hội luôn đi đầu với các mô hình đoạn đường tranh bích họa; mô hình hàng cây nông dân sáng xanh, sạch đẹp, an toàn đã vinh dự được đồng chí Bí thư Huyện ủy và đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy về trồng và gắn biển tên tuyến đường. Cán bộ và hội viên nông dân xã Đồng Tháp đang ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ cùng Đảng bộ, chính quyền xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô năm 2022, xây dựng xã thành phường, huyện thành quận trước năm 2025”.

Xã Liên Hồng có 4 chi hội nông dân với 1.268 hội viên. Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Hội Nông dân xã Liên Hồng đã tập trung vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng như mô hình trồng bưởi diễn, mô hình trồng hoa ly, rau muống, chuối tiêu hồng và mô hình trồng nấm,… để phát triển kinh tế. Để tăng năng suất cây trồng, Hội còn giúp nông dân tín chấp mua phân bón trả chậm; sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hồng cho biết: “Ngoài ra, nông dân xã còn chuyển đổi cơ cấu từ kinh tế nông nghiệp sang du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Đây là một trong những hướng đi mới của hội viên nông dân xã, dần khai thác thế mạnh tiềm năng của nông nghiệp du lịch - xu hướng mới hiện nay”.

Nếu như Đồng Tháp và Liên Hồng với thế mạnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thì ở xã Trung Châu lại có thế mạnh về sản xuất, chăn nuôi. Ông Trần Văn Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Châu cho biết, với 1.087 hội viên nông dân, toàn xã đã phát triển mạnh mẽ ngành chăn nuôi, trong đó có nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên và nuôi cá lồng. Cùng với đó, nông dân đã thực hiện tốt 3 nhóm mô hình, 10 phần việc, tích cực trồng hàng cây nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng tổng số diện tích cây trồng rau an toàn lên 10 ha.

Tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế nông nghiệp và tiến trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Lập cũng trở thành một xã đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào kinh tế nông nghiệp. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập Nguyễn Thị Lượng cho biết, Hội Nông dân xã có 13 chi hội và gần 1.500 hội viên.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân trong việc định hướng, hướng dẫn, vận động hội viên nông dân tin tưởng, thực hiện các chủ trương của huyện và xã về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, hàng năm Hội đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai quán triệt đến các chi hội và hội viên, nông dân. Đồng thời, phát động hội viên, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Phong trào đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung gắn với bảo vệ môi trường; thành lập các tổ hội nghề như tổ hội nghề mộc, tổ hội nghề kim khí mỹ nghệ,... Mỗi năm có hàng nghìn hộ được các cấp Hội công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi; nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá, giàu.

Song song với đó, Hội còn chú trọng đến công tác hỗ trợ nông dân vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế trang trại, kinh doanh dịch vụ; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, Hội Nông dân xã Tân Lập đã góp phần vào công tác giảm nghèo, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Từ cuối năm 2019 đến nay, Tân Lập không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo năm 2022 chỉ còn 80 hộ, chiếm tỷ lệ 1,15%.

Mô hình trồng bưởi cho ra những trái ngọt 

Thời gian tới, Hội Nông dân xã Tân Lập tiếp tục phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, vận động hội viên tìm hiểu, phát triển những mô hình kinh tế có hiệu quả cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới. Góp phần thiết thực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022 và xây dựng xã Tân Lập trở thành phường giai đoạn 2022-2025.

Ở huyện Đan Phượng có một xã cũng tên là Đan Phượng. Xã Đan Phượng nằm ở trung tâm của huyện với diện tích tự nhiên là 353,82 ha, Hội Nông dân xã có trên 1.500 hội viên. Trong những năm qua Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, đảm nhận trồng và chăm sóc các hàng cây trong xã, trồng hoa tại khu vực nhà văn hóa các thôn được hội viên hưởng ứng cao tạo nên các phong trào mang tên nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, năm 2022 là năm mà các cấp Hội Nông dân huyện tăng tốc phát triển kinh tế sau 2 năm Covid-19. Ngay từ đầu năm Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo và hướng dẫn Hội Nông dân các xã, thị trấn đăng ký xây dựng 18 tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, ngành nghề.

Mô hình trồng nho cũng là thế mạnh của nông dân Đan Phượng 

Những vườn nho trĩu quả 

Cụ thể, mô hình trồng rau tại xã Đan Phượng, xã Liên Trung; sản xuất giống tại xã Song Phượng; trồng bưởi tại xã Hạ Mỗ, Thượng Mỗ, Đan Phượng, Đồng Tháp, Tân Lập, Trung Châu; chăn nuôi tại xã Phương Đình, Đồng Tháp; sản xuất mộc tại xã Liên Hồng, Tân Lập; trồng hoa tại xã Đồng Tháp, Tân Lập, thị trấn Phùng với số lượng 254 hộ tham gia và quy mô 59 ha. Thông qua các mô hình nhằm giúp nông dân trao đổi kiến thức, tạo sự liên kết, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

Về phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tích cực tham gia giữ gìn môi trường nông thôn, tuyến phố văn minh, đoạn đường tự quản.

 Mô hình nông nghiệp đáng tự hào

Hội Nông dân huyện cũng chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các cơ sở đăng ký 6 công trình, phần việc thực hiện chương trình 04 của Thành ủy về liên kết sản xuất, trồng rau, trồng cây ăn quả, trồng lúa; đăng ký 03 mô hình dân vận khéo về tuyến đường hàng cây, đoạn đường hoa nông dân. Cùng với đó, Hội phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông tuyên truyền nông dân tham gia các mô hình khuyến nông như trồng măng tây theo hướng VietGAP, duy trì các mô hình trồng nho, chăm sóc cây ăn quả; mở rộng mô hình cây nho hạ đen giống cây trồng năng suất chất lượng cao; nhân mô hình trồng lúa ST 25, lúa Lai thơm 6, CS 6…  


Theo lộ trình phát triển mà Hà Nội đề ra, từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành quận. Với lộ trình này, huyện tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao theo các tiêu chí để lên quận; đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: rà soát, điều chỉnh các quy hoạch của huyện phù hợp với tiêu chí đô thị và quy hoạch của Thành phố để làm căn cứ triển khai thực hiện; ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng thương mại điện tử, phát triển các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại; phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm địa phương; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng, nét đẹp nông thôn truyền thống…


Theo laodongthudo.vn