Thứ 7, 20/04/2024, 06:48[GMT+7]

Gam màu sáng ở vùng quê nông thôn mới

Thứ 4, 22/07/2020 | 10:50:35
1,137 lượt xem
Một vùng địa linh nhân kiệt với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã đi vào sử sách, thơ ca đang tràn đầy nhựa sống, vươn mình trên con đường phát triển. Cuộc sống của người dân được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc..., đó là kết quả nổi bật của chặng đường 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên quê hương Vĩnh Lộc.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Vĩnh Phúc

Nhắc đến Vĩnh Lộc mọi người không chỉ biết đến đây là vùng đất có một công trình đá kỳ vĩ, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2011 mà còn là nơi phát tích của chúa Trịnh và nơi đây đã từng nuôi dưỡng nhà sĩ phu yêu nước Tống Duy Tân gắn liền với phong trào Cần Vương chống pháp thời kỳ 1886 – 1892. Mỗi tên đất, tên làng, mỗi ngọn núi, dòng sông trên quê hương Vĩnh Lộc đều thấm đẫm truyền thống lịch sử, văn hóa và huyền thoại. Hòa mình trong nhịp sống của thời kỳ CNH, HĐH, huyện Vĩnh Lộc đã bắt tay vào công cuộc XDNTM. Bao bộn bề công việc, cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ huyện, đặc biệt là các đồng chí trong ban chỉ đạo XDNTM của huyện đã tìm ra giải pháp triển khai thực hiện phù hợp, chèo lái con thuyền đưa huyện Vĩnh Lộc phát triển mạnh mẽ. Trong đó xác định XDNTM là tập trung xoá nghèo bền vững, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, trọng tâm là phát triển sản xuất.

Là địa phương có nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp với hơn 11.000 ha, chiếm gần 72% diện tích toàn huyện, người dân ở các xã lại cần cù, chịu khó vì vậy huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích để phát triển cây, con phù hợp. Từ đó trong mỗi vụ sản xuất không chỉ có cây lúa, cây ngô mà xuất hiện ngày càng nhiều cây trồng mới, mang lại thu nhập cao cho người dân như cây ớt xuất khẩu, rau màu ngắn ngày được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, rau, củ, quả được gieo trồng trong nhà lưới, đảm bảo độ an toàn. Những giống cây mới như dưa bao tử, dưa Kim Hoàng hậu... ở HTX sản xuất rau củ quả an toàn Hùng Cường (thị trấn Vĩnh Lộc) và HTX Tùng Anh (xã Vĩnh Thịnh) được sản xuất theo quy trình kỹ thuật bảo đảm an toàn đã dần đứng vững trên thị trường, trong tương lai sẽ trở thành sản phẩm đặc trưng của huyện. Những cánh đồng sình lầy chỉ trồng được 1 vụ lúa, có khi mất trắng nếu thời tiết không thuận lợi nhưng giờ đã được quy hoạch thành những trang trại chuyên nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa, nuôi vịt, thả sen mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân. Bên cạnh việc quan tâm phát triển giống cây trồng mới huyện Vĩnh Lộc cũng đã tìm giải pháp để khôi phục cây trồng truyền thống của địa phương. Ngành chăn nuôi cũng góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có 330 trang trại và gia trại, trong đó có 84 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 cụm trang trại được hỗ trợ theo chính sách tái cơ cấu của tỉnh. Nhiều mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ngày càng được nhân rộng như mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn trong nhà lưới, mô hình lúa – cá, chăn nuôi lợn, nuôi gà an toàn sinh học theo chứng nhận VietGAP. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất hàng hoá của huyện. Ngoài ra, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay toàn huyện có 20 sản phẩm thế mạnh thuộc 5 nhóm. Trong đó, sản phẩm nổi bật là chè lam Phủ Quảng, chao đèn lồng và đá mỹ nghệ được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh; riêng mây tre đan và đá mỹ nghệ đã được xuất khẩu...

Bên cạnh đó, huyện đã biết phát huy lợi thế của địa phương có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh để phát triển ngành du lịch. Những di tích, danh thắng trong huyện như động Hồ Công (xã Ninh Khang), chùa phủ Báo Ân (xã Vĩnh Hùng), chùa Tường Vân (thị trấn Vĩnh Lộc)..., ngày càng thu hút được du khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh. Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Động Tiên Sơn (xã Vĩnh An) đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, nằm trong tour du lịch không thể thiếu khi đến Vĩnh Lộc.

Đồng chí Vũ Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Để có được bức tranh NTM tươi sáng như hôm nay là nhờ sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của toàn dân. Trước tiên phải khẳng định, các khâu chỉ đạo, kế hoạch triển khai được thực hiện bài bản, nghiêm túc. Đảng bộ huyện ban hành nghị quyết, UBND huyện xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo XDNTM, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy nội lực, vai trò của cộng đồng từ khâu quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư XDNTM. Phát huy dân chủ, bàn bạc trong Nhân dân, lựa chọn các hạng mục ưu tiên để đầu tư, không dàn trải. Tạo điều kiện cho MTTQ và các đoàn thể tham gia giám sát và phản biện xã hội. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, rút kinh nghiệm; khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai. Một trong những nhiệm vụ được Ban chỉ đạo XDNTM huyện thực hiện ngay từ bước đầu đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM là lấy dân làm gốc, mọi công việc đều được đưa ra dân bàn bạc, thống nhất phương thức thực hiện và người dân sẽ là người trực tiếp hưởng lợi từ chính chương trình ấy.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, huyện Vĩnh Lộc đã về đích NTM trước 1 năm so với kế hoạch. Người dân nhận thức đầy đủ, chính xác về vai trò chủ thể của mình từ đó tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, vật chất để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu; 12/12 xã trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của huyện. Một số xã đã ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các thôn tổ chức xây dựng thôn NTM kiểu mẫu như: Chính sách hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, chỉnh trang nhà văn hóa, sửa chữa đường giao thông, lắp đặt, sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng trong các khu dân cư... điển hình như xã Vĩnh Tiến, Minh Tân, Vĩnh Hùng, Vĩnh Long, Ninh Khang... Huyện đã tập trung chỉ đạo tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ và huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp khác, nhất là từ đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp và XDNTM; nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được quan tâm xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; sản xuất phát triển, cơ giới hóa trong sản xuất làm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, đang dần hình thành nhiều mô hình sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, nhiều di tích văn hóa được trùng tu, tôn tạo nâng cấp, xây mới; các hoạt động văn hóa thể thao và học tập trong cộng đồng được khôi phục, duy trì và phát huy. Sự đoàn kết nhất trí trong Nhân dân được tăng cường, mối liên kết giữa cộng đồng địa phương và con em làm ăn xa quê ngày càng chặt chẽ. Chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn đang đổi mới, mức độ hài lòng của cộng đồng dân cư được nâng lên.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách với người dân Vĩnh Lộc trong chặng đường phía trước để giữ vững huyện NTM, phấn đấu xây dựng thành công huyện NTM nâng cao trong những năm tiếp theo, nhưng những gì đã có được ngày hôm nay như một luồng gió mới, tạo nên gam màu sáng cho quê hương Vĩnh Lộc.

Theo baothanhhoa.vn