Thứ 6, 29/03/2024, 02:40[GMT+7]

Kiên Giang: Xây dựng nông thôn mới được phát huy

Thứ 2, 19/04/2021 | 14:17:20
916 lượt xem
Hiện toàn tỉnh Kiên Giang có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 03 huyện được công nhận đạt chuẩn gồm huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng và Gò Quao.

Trong năm 2020 với sự tham gia tích cực của các sở, ngành cấp tỉnh, địa phương và sự chung tay góp sức của người dân, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực với kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi... ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện. Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể… đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư phát triển, đã xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn 388/382 km, đạt 101,57% kế hoạch năm, nâng tổng số km đường giao thông nông thôn trên địa bàn được cứng hóa là 6.365/7.084 km, đạt 89,85 %. Điện nông thôn cải tạo và xây dựng mới đường dây trung thế 180,8 km, đường dây hạ thế 340,4 km, tổng dung lượng trạm biến áp cải tạo và xây dựng mới 22.272,5kVA với tổng vốn đầu tư là 47,73 tỷ đồng.

Hệ thống thủy lợi được quan tâm, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Toàn ngành giáo dục có 667 đơn vị, trường học, trong đó có có 286 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường, lớp học, trang thiết bị được đầu tư, phương pháp dạy học, kiểm tra, kiểm định đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới, chất lượng giáo dục giáo dục - đào tạo được nâng cao.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân từng bước được cải thiện với việc nâng cao năng lực, chất lượng khám và chữa bệnh, duy trì các kỹ thuật y tế chất lượng cao và tăng cường chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới. Công tác y tế dự phòng, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được chú trọng; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 5,18%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,02%, toàn tỉnh có 117/117 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, giảm thất nghiệp được các cấp, các ngành quan tâm đã giải quyết việc làm cho 35.570 lượt lao động, đạt 101,63% kế hoạch; đào tạo nghề cho 25.550 lao động, đạt 102,2% kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 67%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%.

Sản xuất nông nghiệp phát triển gắn với nhiều thành quả đạt được từ thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh. Các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP được tăng cường áp dụng, hình thành nhiều cánh đồng lớn trên lúa, vùng nuôi tôm tập trung với quy mô lớn theo phương pháp thâm canh và từng bước bền vững về môi trường sinh thái.

Phát triển hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, công nghiêp, nuôi cá lông bè, nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và tôm - lúa vùng U Minh Thượng. Từng bước ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia trong nuôi tôm như: Viet-GAP, Global GAP... cây tiêu ôn định sản xuất ở huyện Gò Quao, Giồng Riềng; cây khóm ổn định sản xuất ở Châu Thành, Gò Quao và Vĩnh Thuận và thành lập mới 35 Hợp tác xã, đưa toàn tỉnh có 431 Hợp tác xã, trong đó có 343 HTX trồng trọt, 86 HTX thủy sản, 02 HTX chăn nuôi.


Năm 2020 đã phân bổ các nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với Nguồn vốn ngân sách Trung ương là 291.590 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 236.390 triệu đồng; vốn sự nghiệp 55.200 triệu đồng. Nguồn vốn đối ứng, lồng ghép của tỉnh là 440.749 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển 357.949 triệu đồng; vốn sự nghiệp 82.800 triệu đồng.

Năm 2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh xác định cần đẩy mạnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển các mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Cùng với đó xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế, tập trung hoàn thành các nội dung, tiêu chí theo kế hoạch, trong đó, chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng khai thác được lợi thế địa phương, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Đồng thời phải đặc biệt chú trọng trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuât nông nghiệp cho người dân nông thôn, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, các chuỗi liên kết sản xuất và bảo vệ môi trường. Phấn đấu xây dựng 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 03 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm huyện Vĩnh Thuận, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên, mỗi huyện phấn đấu có từ 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao hoặc kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 62%; giải quyết việc làm cho 35.000 lượt lao động trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết của tỉnh đề ra; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90%.

Theo vanhien.vn