Thứ 3, 23/07/2024, 04:16[GMT+7]

Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính

Thứ 2, 20/03/2017 | 08:39:31
2,671 lượt xem
Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” (AVERP) xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác lúa và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Gieo thẳng lúa - một trong những biện pháp canh tác lúa bền vững Thái Bình đã áp dụng.

Định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và giai đoạn đến năm 2030 của Thái Bình được xác định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn có ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao. Lúa vẫn giữ vai trò chủ lực trong sản xuất nông nghiệp vì vậy bên cạnh việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo chuỗi giá trị liên kết, canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp đang được tỉnh chú trọng.

Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, nông nghiệp chiếm tới 33% tổng lượng phát thải khí nhà kính, trong đó sản xuất lúa gạo chiếm gần 50%. Để giải quyết thách thức này, đề án AgResults đã thiết kế dự án AVERP nhằm xác định phương pháp tiếp cận mới giúp giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất lúa và nhân rộng các phương pháp hiệu quả nhất cho hàng vạn nông hộ. Do phần lớn lượng khí nhà kính phát thải ở giai đoạn chuẩn bị đất và trồng lúa, dự án tập trung vào các phương pháp giảm phát thải hiệu quả trong 2 giai đoạn này. 

Bà Trần Thu Hà, Trưởng dự án AgResults Việt Nam cho biết: Dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn nhân rộng. Trong đó giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu vào vụ mùa năm 2017 kéo dài đến vụ xuân năm 2018, các đơn vị tham gia sẽ thử nghiệm các giải pháp công nghệ mà họ đề xuất trong 2 vụ này. Giai đoạn 2 gồm 4 vụ liên tiếp từ vụ xuân năm 2019 đến vụ mùa năm 2020, để giành được giải thưởng, các công nghệ cần chứng minh hiệu quả về số lượng các nông hộ sử dụng công nghệ, tiềm năng sử dụng lặp lại công nghệ, tổng lượng khí nhà kính được cắt giảm và mức tăng năng suất. Thay vì hỗ trợ trước sản xuất, dự án hỗ trợ sau sản xuất bằng cơ chế “kéo” tức là cơ chế thưởng bằng tiền dựa trên kết quả thực hiện nhằm hỗ trợ các đơn vị tham gia vượt qua rào cản của thị trường và đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện dự án AVERP trong thời gian 5 năm (2016 - 2021). Đây được coi là dự án quan trọng, mở ra hướng đi mới và phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. 

Ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thực trạng khi sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa nước đã góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính. Diện tích trồng lúa hàng năm của Thái Bình khoảng 160.000ha vì thế việc sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính là xu thế cần quan tâm. Thực tế, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp đơn lẻ nhằm nâng cao năng suất, giảm phát thải khí nhà kính như: gieo thẳng, điều tiết nước nông lộ, cấy thưa, bón phân cân đối… Dự án được triển khai tại tỉnh ta là một giải pháp đồng bộ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Tuy chưa phát hành hồ sơ đăng ký dự thi song đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm, tìm hiểu đến dự án khá nhiều.

Dự án AVERP dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 75.000 hộ nông dân, giảm khoảng 375.000 tấn CO2 tương đương, giảm khoảng 15% chi phí cho nông dân do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào. Tổng giá trị giải thưởng của dự án từ 2,9 - 3,3 triệu USD.

Lưu Ngần