Thứ 3, 23/07/2024, 04:36[GMT+7]

Tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đất sản xuất vụ mùa

Thứ 3, 27/06/2017 | 14:49:13
1,715 lượt xem
Đến ngày 22/6, nông dân trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa xuân, làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa đạt 56.000ha, gieo được 2.691ha mạ mùa.

Đến ngày 22/6, nông dân trong tỉnh đã gieo được 2.691ha mạ mùa.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy gần 80.000ha lúa, trong đó nhóm lúa thuần chất lượng cao chiếm 25 - 35% diện tích, nhóm lúa có năng suất cao, chịu thâm canh từ 65 - 75% diện tích. Các giống lúa gieo cấy chủ yếu là nếp, lúa Nhật, BC15, Thiên ưu 8, TBR1, TBR225... và một số giống lúa lai kháng bạc lá như Nam ưu 209. Phấn đấu gieo cấy từ 20.000 - 25.000ha lúa mùa sớm,  gieo mạ từ ngày 5 - 20/6, cấy từ 17 - 30/6; trà lúa mùa trung kết thúc cấy muộn nhất đến ngày 10/7. Lúa gieo thẳng từ 20/6 - 2/7 với trà sớm, 1 - 5/7 với trà trung. 

Hiện nay đang là thời điểm cao độ của sản xuất vụ mùa đòi hỏi ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh phải nỗ lực, quyết liệt triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm lịch thời vụ. 

Để giành thắng lợi vụ mùa, vụ đông và bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, góp phần vào kế hoạch tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các địa phương khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng đẩy nhanh tiến độ làm đất và gieo cấy lúa mùa trà sớm, bảo đảm có khoảng 20.000ha được gieo cấy trước ngày 5/7 để có quỹ đất gieo trồng cây vụ đông ưa ấm. Chỉ đạo chặt chẽ thời vụ gieo mạ, các phương thức gieo mạ cụ thể, linh hoạt theo đề án; sử dụng cơ cấu giống lúa hợp lý cho từng vùng sinh thái, khuyến cáo nông dân gieo cấy tập trung theo vùng để thuận tiện cho việc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh và áp dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật; chủ động phòng, trừ sâu bệnh trên mạ. Do áp lực về thời vụ, các địa phương cần đặc biệt chú ý làm đất kỹ, vệ sinh đồng ruộng nhằm hạn chế sâu bệnh từ vụ xuân chuyển sang. 

Hiện nay, cơ giới hóa đang được áp dụng rộng rãi trong khâu thu hoạch lúa, do vậy, lượng rơm, rạ để lại trên đồng ruộng khá lớn. Nếu cày lồng dập rạ và gieo cấy ngay, rơm rạ sẽ không kịp phân hủy, rất dễ gây ngộ độc hữu cơ cho lúa, ảnh hưởng đến năng suất. Tình trạng nông dân sau khi thu hoạch lúa do không có nhu cầu sử dụng rơm, rạ nên đốt để lấy tro bón ruộng vào mùa tiếp theo đang diễn ra ngày càng phổ biến. Để tránh lãng phí nguồn hữu cơ quan trọng này, đồng thời kịp thời làm đất để gieo cấy lúa mùa, có nhiều cách hữu ích, trong đó phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học hữu cơ được một số địa phương trong tỉnh áp dụng thí điểm và bước đầu thu được kết quả khá tích cực.

Để hạn chế tình trạng đốt rơm, rạ, nhiều nông dân gom rơm ngoài đồng về làm thức ăn cho gia súc, sản xuất nấm.

Các địa phương cũng cần chuẩn bị mọi phương tiện chủ động tiêu nước cho mạ, lúa mùa và cây màu hè khi có mưa lớn xảy ra; chỉ đạo khơi thông kênh mương nội đồng, khoanh vùng mạ mùa, sẵn sàng tiêu nhanh nếu gặp mưa lớn gây ngập úng. Ngành Nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động cung ứng đủ, kịp thời các loại vật tư nông nghiệp; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Chấn chỉnh việc hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sử dụng các loại phân vô cơ có hàm lượng NPK ở mức tối thiểu bón trên lúa vụ mùa nhằm hạn chế sâu bệnh hại phát sinh.

Những vấn đề cơ bản về kỹ thuật
  • Khuyến khích áp dụng phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy; áp dụng tiến bộ canh tác cải tiến SRI để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế việc gieo thẳng ở vụ mùa.
  • Chủ động phòng, chống úng, nóng và hạn kịp thời, gieo tăng 5 - 10% mạ ở trà cuối và chuẩn bị thóc giống, rau màu ngắn ngày để dự phòng khi thời tiết bất thuận gây chết mạ, chết lúa.
  • Lúa lai cấy trên chân đất trũng, hẩu, tầng canh tác dày ở vùng nội đồng và vùng ven biển.
  • Các giống lúa: Bắc thơm số 7, T10 chỉ sản xuất ở vùng có trình độ thâm canh cao và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tổng hợp để hạn chế thiệt hại do bệnh bạc lá gây ra.


Lưu Ngần