Thứ 4, 24/07/2024, 03:11[GMT+7]

Một vài suy nghĩ khi học Nghị quyết số 26-NQ/TW

Thứ 2, 23/07/2018 | 08:42:10
716 lượt xem
Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 7/5 đến ngày 12/5/2018, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành 3 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 26-NQ/TW về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Sau khi được học tập, quán triệt, xin nêu một vài suy nghĩ bước đầu về Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Đại biểu dự hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: Minh Đức

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng có tinh thần tự phê bình rất nghiêm túc. Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, Trung ương đã nghiêm túc nêu rõ những yếu kém của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ: Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp; một bộ phận không nhỏ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, “làm việc hời hợt”, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng… chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng “đúng quy trình” nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những vấn đề nêu trên đã minh chứng cho sự tự phê bình nghiêm túc của Trung ương. Thiết nghĩ, một Đảng biết “tự chỉ trích”, dám nhận những sai lầm, khuyết điểm là một Đảng chân chính và tiến bộ.

2. Có một điều tự sâu thẳm của nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là các bậc lão thành, thế hệ những người đã kinh qua gian khổ, hy sinh xương máu, cống hiến tuổi xuân trong các cuộc kháng chiến và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thế hệ những người đã từng trải qua những tháng năm chịu cảnh đói rét khi đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh lại bị bao vây cấm vận của các thế lực thù địch lần lượt “ra đi” theo quy luật của tạo hóa còn những băn khoăn về việc bảo vệ thành quả cách mạng. Lần này, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề cập rất rõ trong nhận định tình hình: “Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng từ ngày thành lập, Đảng luôn tin tưởng và đánh giá cao cống hiến của thế hệ trẻ. Nêu vấn đề trên để Đảng có chiến lược đào tạo, rèn luyện lớp cán bộ trẻ trở thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, lãnh đạo đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu, tôi thấy có 3 điều tâm đắc:

Một là: Trung ương đã kế thừa những chính sách ưu việt của các triều đại phong kiến. Cách đây hơn 500 năm, dưới thời vua Lê Thánh Tông, bộ “Lê Triều hình luật” (còn gọi là Luật Hồng Đức” có quy định về “Hồi tỵ” (tránh đi). Chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến họa, loạn”. Vì vậy, vua Lê Thánh Tông chủ trương: “Những người như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè, những người cùng học, những người cùng quê thì không được làm quan cùng một chỗ… Những quan lại ai quê ở phủ, huyện nào thì không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy”. Hoặc trong chiếu cầu hiền, hoàng đế Quang Trung viết: “Dân chúng trăm họ, ai có tài học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều có phép được dâng thư bày tỏ công việc. Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì có thể dùng được cho đời thì các quan văn, quan võ được tiến cử, lại cho dân đến yết kiến, tùy tài mà bổ dụng”. Kế thừa truyền thống, Nghị quyết nêu: “Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và đến năm 2025 hoàn thành bố trí đối với cấp huyện; cơ bản hoàn thành đối với cấp tỉnh”. Về chủ trương thu hút nhân tài, Nghị quyết viết: “Xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trưng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”.

Hai là:  Trung ương quyết liệt thực hiện những chủ trương, chính sách có tính nguyên tắc về công tác cán bộ mà thời gian vừa qua thực hiện có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn như: Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, tiếp tục xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược cơ bản lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Ba là: Trung ương đã kiên quyết, đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ. Trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ; tiếp tục thực hiện chủ trương bầu bí thư tại đại hội đảng bộ các cấp ở nơi có điều kiện; không nhất thiết địa phương, cơ quan nào cũng phải có cấp ủy viên; thí điểm người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm; có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tiến tới xóa bỏ “biên chế suốt đời”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Quán triệt quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Nghị quyết số 26-NQ/TW khẳng định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Học Nghị quyết số 26-NQ/TW, mỗi cán bộ, đảng viên đều có cơ sở và niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng; tin vào đội ngũ cán bộ lớp hiện tại và lớp kế tiếp sẽ có lập trường vững vàng, có đủ bản lĩnh và tài năng thực hiện thắng lợi “cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) mà mục tiêu cụ thể đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


Nguyễn Văn Hán

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày