Thứ 3, 07/05/2024, 04:26[GMT+7]

Đan Phượng: Nỗ lực trở thành huyện nông thôn mới nâng cao

Thứ 6, 08/05/2020 | 14:29:13
3,084 lượt xem
Được công nhận là huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Thủ đô vào năm 2015, cho đến nay, huyện Đan Phượng tiếp tục giữ vững vị thế “lá cờ tiên phong”. Huyện đã có chín xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và đang nỗ lực đưa sáu xã còn lại đạt mục tiêu này trong năm nay để đưa Đan Phượng trở thành huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế tại huyện Đan Phượng. Ảnh: PHẠM HÙNG

Từ khi thời tiết chuyển sang hè, chiều nào cũng vậy, khu vực hồ nước trước trụ sở UBND xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) đều có rất đông người đến đi bộ, tập thể dục. Ông Nguyễn Văn Thành ở thôn Đoài (xã Liên Hà) cho biết, địa phương đã cải tạo hồ, dựng lan-can bảo vệ, trồng cây xanh, lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao... Những công trình mới như vậy không chỉ giúp cho diện mạo nông thôn sạch, đẹp hơn, mà còn giúp nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Theo Chủ tịch UBND xã Liên Hà Lê Thị Tuyết, triển khai xây dựng NTM nâng cao vẫn trên cơ sở 19 tiêu chí như NTM, nhưng các chỉ tiêu đều đòi hỏi cao hơn. Liên Hà xác định bên cạnh mũi nhọn phát triển kinh tế, tiếp tục đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường để người dân có đời sống ngày càng tốt hơn. Trên tinh thần đó, xã xây dựng kế hoạch cải tạo các ao, hồ hiện có kết hợp xây dựng vườn hoa. Đến nay, xã đã hoàn thành cải tạo hai ao, hồ với số tiền đầu tư 14 tỷ đồng; xây dựng một vườn hoa, khu vui chơi công cộng trị giá 1,5 tỷ đồng... Đến hết năm 2019, xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.

Liên Hà là một trong sáu xã của Đan Phượng đạt mục tiêu này. Trước đó, sau khi về đích huyện NTM (năm 2015), huyện Đan Phượng đã lựa chọn ba xã: Ðan Phượng, Song Phượng và Liên Trung để tập trung thực hiện bộ tiêu chí NTM nâng cao. Trong đó hoàn thành điều chỉnh, lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn. Hàng trăm tỷ đồng được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, các xã tích cực thực hiện chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn. Mỗi xã xây dựng ít nhất một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản an toàn. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đời sống người dân ba xã được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của hai xã Ðan Phượng và Song Phượng đạt gần 51 triệu đồng/năm, riêng xã Liên Trung lên tới 62 triệu đồng/năm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, ngay từ khi bắt tay triển khai Chương trình xây dựng NTM nâng cao (giai đoạn 2016 - 2020), địa phương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ thành khẩu hiệu: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Triển khai ba tập trung về tuyên truyền, tập trung nguồn lực; bốn trụ cột trong nông nghiệp và năm điểm nhấn về văn hóa - xã hội.

Hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực về nguồn vốn cũng đã được huyện Đan Phượng triển khai. Theo đó, các xã đặt mục tiêu về đích NTM nâng cao trong năm 2019 được ngân sách huyện hỗ trợ 500 triệu đồng/xã. Bên cạnh đó là gần 600 triệu đồng kinh phí hỗ trợ các địa phương thực hiện gắn biển số nhà, đặt tên đường làng, ngõ xóm... Nhưng yếu tố quan trọng nhất mang tới thành công, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thạc Hùng, là sự đồng thuận của nhân dân. Muốn vậy, tất cả đều phải công khai, minh bạch ở tất cả các khâu, nhất là trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực. Cùng với đó, cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, năm 2019, kinh tế - xã hội của huyện phát triển toàn diện, đạt và vượt 24 chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 12.779 tỷ đồng, tăng 9,82%; thu nhập bình quân đầu người đạt 55,8 triệu đồng/người/năm (đạt 106,5% chỉ tiêu kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,25% xuống còn 0,26%; thu ngân sách đạt 152%; giải quyết việc làm đạt 164% kế hoạch...

Từ đầu năm đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội với những kết quả đạt được ban đầu như: Triển khai sản xuất vụ xuân năm 2020 đạt 95,87% kế hoạch gieo trồng; thu ngân sách đạt 134,347 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán thành phố giao... Huyện cũng tập trung triển khai các dự án lớn, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tám công trình; hoàn thành giải phóng mặt bằng 15 dự án với diện tích hơn 132 nghìn m2. Phấn đấu hết năm 2020, các xã còn lại của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Mặc dù đạt được kết quả như vậy, nhưng lãnh đạo huyện Đan Phượng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả còn chưa tương xứng so với tiềm năng. Tại buổi làm việc mới đây với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, huyện NTM hàng đầu của Hà Nội mà thu nhập bình quân mới đạt gần 56 triệu đồng/người là còn thấp. Đồng chí đề nghị lãnh đạo huyện chỉ đạo phát triển nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 4% trong năm 2020; đẩy nhanh các dự án đầu tư công; tạo mọi điều kiện để khu vực tư nhân triển khai các dự án, công trình... Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề; chú trọng mở thêm các điểm công nghiệp mới, khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh chuyển đổi thành các doanh nghiệp. Trong quy hoạch, phải tính đến quy hoạch hạ tầng của mô hình quận tương lai, đô thị thông minh, giữ lại những gì đẹp nhất của huyện NTM; chú ý đầu tư hạ tầng ngầm; sớm cấp chỉ giới đường đỏ để quản lý tốt quy hoạch, tạo tiền đề thành quận trong giai đoạn tới.

Theo nhandan.com.vn