Thứ 6, 06/12/2024, 11:25[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên: Dân chủ, công khai, minh bạch

Thứ 2, 01/06/2020 | 15:06:42
1,064 lượt xem
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, hiện tỉnh Thái Nguyên đã có 101 xã, chiếm tỷ lệ 72% số xã nông thôn đạt chuẩn xã nông thôn mới, 3 đơn vị cấp huyện gồm: thành phố Thái Nguyên, thành phố sông Công và thị xã Phổ Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tại các xã nông thôn đạt bình quân 17 tiêu chí nông thôn mới/xã.

Không có tình trạng huy động quá sức dân ở Thái Nguyên.

Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của chương trình xây dựng nông thôn mới đề ra trong cả giai đoạn, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã bố trí, phân bổ trên 1.160 tỷ đồng; trong đó, hơn 460 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và hơn 700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Theo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, nguồn lực đầu tư cho chương trình ngày càng tăng, ngân sách Trung ương đã ưu tiên hỗ trợ đủ theo quyết định phân bổ vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

 Theo đó, tỉnh đã bố trí đủ nguồn ngân sách địa phương đối ứng, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác, thu hút mạnh mẽ sự tham gia đóng góp tự nguyện của người dân, doanh nghiệp cho chương trình xay dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 Đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 ở Thái Nguyên đã đạt hơn 1.200 tỷ đồng; tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương của tỉnh Thái Nguyên đạt hơn 3000 tỷ đồng...

 Trên cơ sở tổng nguồn vốn được giao, UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn đã phân bổ vốn chi tiết cho các công trình, dự án theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức của tỉnh, tổ chức cân đối, bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp theo quy định, quản lý sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản...

Ông Trần Nho Hưởng - Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, quy định về quản lý đầu tư và phân cấp quản lý chương trình, dự án, tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện cho ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền chủ động và chịu trách nhiệm về quản lý các nguồn vốn, phê duyệt dự án đầu tư, lồng ghép các nguồn lực để bố trí thực hiện đầu tư các dự án theo Đề án đã được ủy ban nhân dân tỉnh phê quyệt.

 Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã chủ động, tập trung lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để xây dựng các công trình trên địa bàn các xã nông thôn, xã đặc biệt khó khăn đảm bảo hiệu quả đầu tư.

 Qua kiểm tra bước đầu, việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, không có tình trạng huy động quá sức dân...

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm xã Yên Ninh (huyện Phú Lương) và xã Bình Long (huyện Võ Nhai) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành xây dựng 8 xã “nông thôn mới nâng cao” và “nông thôn mới kiểu mẫu”, không còn xã nông thôn đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới, huyện Phú Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới, nhân rộng các mô hình “hộ gia đình nông thôn mới”, “xóm, bản nông thôn mới kiểu mẫu”.

Theo daidoanket.vn