Thứ 4, 01/05/2024, 06:11[GMT+7]

A Nông trong sắc màu nông thôn mới

Thứ 7, 11/07/2020 | 19:27:47
757 lượt xem
A Nông là xã biên giới được công nhận xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam từ năm 2014. Đây là sự quyết tâm, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, tâm huyết của mỗi người dân nơi đây.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Nông hướng dẫn người dân chăm sóc cây lúa nước. Ảnh: Hải Luận

Mô hình lúa nước của lính Biên phòng

Với đặc thù xã biên giới, nằm trên đỉnh Trường Sơn, người dân A Nông rất nỗ lực khai hoang đất ở vùng sườn đồi, dọc bờ suối làm lúa nước. Cách sản xuất của bà con người dân tộc Cơ Tu còn lạc hậu, nên sản lượng không cao. “Lúc đầu, cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng A Nông xuống địa bàn hướng dẫn bà con cách làm lúa nước kiểu mới, nói mãi bà con vẫn chưa chịu làm theo, còn nghi ngờ. Bà con trồng trọt theo kiểu “giao phó” cho trời, cho đất, làm cả năm nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu, đói khổ vẫn cứ đeo bám họ mãi” – Trung tá Hà Hữu Thắng, Đồn Biên phòng A Nông, BĐBP Quảng Nam, nói lên thực trạng.

Năm 2007, cán bộ Đồn Biên phòng A Nông xuống đặt vấn đề mượn 4 sào ruộng của người dân thôn A Đớt. Các công đoạn làm đất, bón phân chuồng, ủ giống, gieo hạt, chăm sóc lúa... bộ đội làm đều mời bà con ra quan sát và theo dõi. Trung tá Thắng nhớ như in: “4 sào lúa của đồn làm đạt năng suất gấp 2 - 3 lần so với cách làm của bà con, trở thành “vùng lúa điểm” của các xã biên giới. Chính quyền huyện Tây Giang mời cán bộ các xã, người dân đến tham quan. Vụ lúa bội thu đó, bộ đội thu hoạch xong tặng lại 100% cho người dân. Bắt đầu vụ sau, người dân làm theo, bộ đội trực tiếp cùng bà con chuyển giao kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất”.

Đến nay, xã A Nông có khoảng 80ha ruộng sản xuất lúa nước theo mô hình của Đồn Biên phòng A Nông đã triển khai trước đó. Bà BLup Tinh, ở thôn A Đớt có 4 sào ruộng, mỗi năm làm được 2 vụ, nhà có 6 nhân khẩu. Bà cho biết: Người dân ở vùng này đã trồng lúa theo mô hình của BĐBP, tuy chưa đủ ăn trong năm nhưng so với trước thì đã khá hơn rất nhiều. Nhà mình nuôi thêm 2 con bò, nên có thêm đồng vốn.
Xã A Nông có 279 hộ, trên 1.400 nhân khẩu, đang sản xuất theo 3 hướng chính: Phát triển trồng cây cao su, tập trung sản xuất lúa nước, khoanh vùng chăn nuôi chú trọng đến cải tạo đàn vật nuôi. Đến nay, diện tích cây cao su đã trồng là 252,36ha với 151 hộ nhận khoán, hình thành 18 khoanh vùng chăn nuôi bò tập trung với số lượng gần 500 con bò. Để có được kết quả trên, chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân hiểu đầy đủ ý nghĩa, mục đích xây dựng nông thôn mới, từ đó tự nguyện hiến đất, góp công để xây dựng cơ sở hạ tầng. Công tác tuyên truyền, vận động ở A Nông nói riêng và Tây Giang nói chung được thực hiện dưới nhiều hình thức, như tổ chức quần chúng nhân dân họp và vận động từng hộ, thôn tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới.

Giữ gìn văn hóa của dân tộc

Đồng bào dân tộc Cơ Tu có tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao, ngôi nhà Gươl là biểu tượng sự gắn kết bản làng với nhau, thông qua sinh hoạt cộng đồng, hội họp để giải quyết công việc, giáo dục con cháu, nơi giữ gìn các vật hiến tế... Mỗi khi có sự kiện quan trọng trong thôn, già làng hoặc trưởng thôn thổi kèn làm bằng sừng trâu, bà con tập trung đưa ra nhà Gươl sinh hoạt, phổ biến nhất là “hát lý” và “nói lý” tại nhà Gươl. Bà con ở đây nhà ai có nồi canh sắn ngon, họ đều múc san sẻ cho các nhà xung quanh, nhà khác mổ con lợn, họ cũng sẻ chia cho bà con trong thôn.

Phụ nữ người dân tộc Cơ Tu ở thôn A Đớt đến vườn rau mẫu của Đồn Biên phòng A Nông học cách trồng các loại rau xanh. Ảnh: Hải Luận

Những năm gần đây, huyện Tây Giang chọn xã A Nông xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu, đến nay, đã làm được 7 cụm dân cư sinh sống và 2 cụm đang chuẩn bị có dân cư đến ở. Ông ARâu Thương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã A Nông nói về ý nghĩa của các cụm dân cư: “Nếu để người dân ở rải rác các chân núi cách xa nhau mấy cây số thì khó khăn kéo điện thắp sáng về từng gia đình, rồi không đủ tiền làm đường giao thông bằng bê tông. Tập trung về ở thành thôn, Nhà nước đầu tư đường, nước sạch, công trình vệ sinh... Bà con sinh hoạt với nhau rất tốt, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc Cơ Tu”. Tại các cụm dân cư, nhà Gươl là vị trí trung tâm, nhà dân làm quay mặt về phía nhà Gươl.

Trong văn hóa, người Cơ Tu sống giữ rừng Trường Sơn hùng vĩ, rừng và sông, suối che chở, nuôi sống con người. Họ xem rừng cây, nguồn nước là tài sản chung phải luôn gìn giữ. “Chủ trương của xã phải bảo vệ rừng, nghiêm cấm người dân chặt phá rừng, những triền đồi lau sậy phát ra trồng cao su, cây quế, đang nghiên cứu để trồng cây đẳng sâm, cam, bưởi... có giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập khá” - Ông ARâu Thương nêu quyết tâm.

Theo bienphong.com.vn