Thứ 5, 28/11/2024, 00:26[GMT+7]

800 triệu trẻ em trên thế giới có lượng chì trong máu ở mức cao

Thứ 6, 31/07/2020 | 07:52:59
1,414 lượt xem
Gần 1/3 số trẻ em trên thế giới có lượng chì trong máu ở mức cao, có nguy cơ gây ra những tổn hại lâu dài đối với sức khỏe.

Gần 1/3 số trẻ em trên thế giới có lượng chì cao trong máu. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Đây là nội dung báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và nhóm bảo vệ môi trường Pure Earth được công bố vào ngày 30/7.

Theo báo cáo, có tới 800 triệu trẻ em trên toàn cầu có nồng độ chì trong máu ở mức tương đương hoặc trên 5 microgam/deciliter, hàm lượng được xem là có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng quan trọng như tim, phổi. Gần một nửa số trẻ này sống ở khu vực Nam Á.

Ông Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF, cho biết, chỉ với một vài triệu chứng ban đầu, chì âm thầm tàn phá sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, thậm chí có thể gây tử vong. Cụ thể, báo cáo cho biết, chì là một chất độc thần kinh mạnh, gây tác hại không thể khắc phục đối với não của trẻ em, đặc biệt là tàn phá não của trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi vì chì gây tổn hại cho bộ não của trẻ trước khi chúng có cơ hội phát triển đầy đủ, khiến trẻ bị suy giảm thần kinh, nhận thức và thể chất suốt đời.

Phơi nhiễm chì ở trẻ em cũng liên quan đến sức khỏe tâm thần và các vấn đề hành vi, làm gia tăng tình trạng tội phạm và bạo lực. Những trẻ lớn hơn chịu hậu quả nghiêm trọng gồm tăng nguy cơ tổn thương thận và các bệnh tim mạch trong cuộc sống sau này. Ước tính, tình trạng phơi nhiễm chì ở trẻ em sẽ tiêu tốn của các nước thu nhập thấp và trung bình gần 1.000 tỷ USD.

800 triệu trẻ em trên thế giới có lượng chì trong máu ở mức cao - Ảnh 1.

Đồ chơi bằng nhựa cũng có thể chứa chì. (Ảnh: Getty)

Báo cáo lưu ý rằng, việc tái chế pin axit chì không đạt tiêu chuẩn là tác nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ em sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ở những quốc gia này, số lượng phương tiện đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000. Cùng với đó, thực trạng thiếu quy định và cơ sở hạ tầng tái chế ắc quy yếu kém đã dẫn đến 50% ắc quy axit chì được tái chế không an toàn.

Các nguồn tiếp xúc với chì khác ở trẻ em gồm chì trong nước từ việc sử dụng ống chì; từ ngành công nghiệp khai thác và tái chế pin; sơn và bột màu chì; xăng pha chì; chì trong lon thực phẩm; chì trong gia vị, mỹ phẩm, thuốc ayurvedic, đồ chơi và các sản phẩm tiêu dùng khác. Cha mẹ làm việc trong ngành có liên quan tới chì thường mang bụi bẩn về nhà trên quần áo, tóc, tay và giày, do đó vô tình khiến con cái họ bị nhiễm độc tố.

UNICEF và nhóm bảo vệ môi trường Pure Earth khuyến cáo, chính phủ các nước có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm chì và tình trạng trẻ phơi nhiễm chì bằng cách phối hợp các biện pháp như kiểm soát và phòng ngừa nguy cơ phơi nhiễm; xây dựng năng lực xét nghiệm hàm lượng chì trong máu; tăng cường hệ thống y tế nhằm phát hiện, theo dõi và điều trị cho trẻ bị phơi nhiễm chì.

Theo vtv.vn