Thứ 6, 09/08/2024, 07:25[GMT+7]

Coi trọng việc giáo dục trẻ tại gia đình

Thứ 2, 09/06/2014 | 08:27:10
785 lượt xem
Giáo dục trẻ tại gia đình là việc các bậc phụ huynh dạy dỗ, chỉ bảo điều hay lẽ phải, tạo dựng cho trẻ những thói quen tốt, giúp trẻ phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Ðây là bổn phận, trách nhiệm của mỗi bậc làm cha mẹ, là việc vô cùng cần thiết. Thế nhưng, hiện nay, rất nhiều phụ huynh đang có xu hướng chú trọng đến việc cho trẻ ăn, đi học song chưa có sự đầu tư đúng mức đến việc dạy dỗ, uốn nắn trẻ ngay tại gia đình.

Coi trọng việc giáo dục trẻ tại gia đình để hướng tới mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện.

Chị Ðinh Thị Thủy (xã Văn Lang, Hưng Hà) có hai cậu con trai. Cậu con lớn của chị hết hè này sẽ lên lớp 6, cậu bé đang học lớp mầm non 4 tuổi. Với suy nghĩ sống ở nông thôn, nếu cứ nhìn vào mấy sào ruộng cấy lúa, trồng màu thì không có tiền tích lũy để xây nhà, cho con cái sau này học lên cao. Ngay sau khi đưa cậu út đi nhà trẻ, chị Thủy gửi các con nhờ ông bà nội ngoại chăm nom, đưa đón đi học. Chồng đi làm thợ xây ở Quảng Ninh, ngày ngày, chị đi làm công nhân may ở thị trấn Hưng Hà, cách đó 3 cây số. Sớm đi, tối mịt mới tan ca về nhà, công việc bận mải nên chị không có nhiều thời gian chăm sóc, dạy dỗ, bảo ban con cái học hành.

Chị Thủy cho biết: Cha mẹ nào cũng yêu thương và dành hết những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Lúc nào cũng  muốn được gần bên con, nhưng kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, bọn trẻ càng lớn, trang trải cho việc ăn học càng tốn kém nên tranh thủ lúc con còn nhỏ nhờ ông bà nuôi dưỡng, khi lớn lên, chúng biết nhận thức, mình dạy vẫn chưa muộn.

Trái với suy nghĩ của chị Thủy, chị Vũ Thị Hiền (xã Kim Trung, Hưng Hà) thì cho hay: Các cụ xưa nói “Dạy con từ thuở còn thơ” nhưng tâm lý con cái bây giờ cũng phức tạp lắm. Nhiều khi nghĩ mình đẻ con ra nên hiểu được con cái mình nghĩ gì nhưng lại không làm được như vậy. Sống ở nông thôn, suốt ngày quanh quẩn với mấy sào ruộng. Muốn dạy con nhưng cũng không biết cách dạy như thế nào cho đúng hướng, thôi thì chỉ biết chịu khó làm lụng đưa con đến trường, “trăm sự” cứ nhờ cả vào các thầy các cô. Các thầy cô được đào tạo bài bản ở trường lớp nên sẽ biết cách dạy.

Gia đình là nơi sinh ra, lớn lên, trưởng thành của mỗi người; là “tổ ấm” - nơi các thành viên sẻ chia những vui buồn, thành công, thất bại, hạnh phúc, khổ đau. Trong ba môi trường giáo dục của con người bao gồm: gia đình, nhà trường, xã hội, giáo dục tại gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên nhưng có vai trò nền tảng quyết định đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong xã hội.

Các bậc phụ huynh - người mẹ, người cha, ông bà là những người thầy đầu tiên của con trẻ, là những người có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển  của trẻ. Tuy nhiên, việc nêu cao vai trò giáo dục tại gia đình đang dần bị xem nhẹ. Tình trạng phụ huynh mải làm, cho con đi học thêm hết lớp này đến lớp khác song không quan tâm đến lời nói, việc làm của con em mình ngay tại gia đình càng ngày càng phổ biến.

Gia đình “nhờ” nhà trường trong khi đó tại các  nhà trường môn giáo dục công dân - một môn học quan trọng tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách đạo đức của các em bị xem là môn phụ; sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ ở nhiều địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Ðó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng số trẻ em phạm tội ngày càng gia tăng hiện nay.

Giáo dục trẻ tại gia đình, dạy con những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống, dạy con biết kính trên nhường dưới, lễ phép với ông bà cha mẹ, chăm lo học hành là nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý của các bậc làm cha mẹ. Hướng tới mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện, trước hết các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ tại gia đình từ đó có những thay đổi trong phương pháp giáo dục con. Bên cạnh đó, mỗi bậc phụ huynh cần là một tấm gương sáng về nhân cách, lối sống để con cái học tập và noi theo.

Vũ Hường

  • Từ khóa