Thứ 7, 18/05/2024, 10:13[GMT+7]

Lá cờ đầu phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 19/08/2020 | 09:25:04
10,168 lượt xem
Để người dân trong xã có nghề ổn định theo phương châm “ly nông bất ly hương”, Bình Định còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư về địa bàn. Ngoài 12 tổ hợp sản xuất, kinh doanh thu hút hàng trăm lao động của địa phương, xã còn có 1 doanh nghiệp may tạo việc làm cho trên 400 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Bình Định đạt trên 54 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, thương binh hạng 2/4, thôn Trần Phú, xã Bình Định (Kiến Xương) phát triển mô hình vườn hoa cây cảnh.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Bình Định (Kiến Xương) đã đổi mới tư duy, linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh vào thực tiễn địa phương bằng những cơ chế, cách làm phù hợp, tạo sự đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM). Bình Định trở thành lá cờ đầu của huyện Kiến Xương trong mọi lĩnh vực, nhất là trong xây dựng NTM.

Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Là xã không được chọn làm điểm xây dựng NTM nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ và nhân dân trong xã, năm 2013 Bình Định đã về đích NTM trong tốp đầu của huyện. Không dừng lại ở đó, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đề ra các chủ trương, giải pháp theo hướng xây dựng NTM nâng cao. Thuận lợi nhất ở Bình Định là có sự chung sức đồng lòng của toàn dân trong việc thực hiện chủ trương của các cấp, nhất là các giải pháp của địa phương. Do đó, đến năm 2019, các tiêu chí về NTM nâng cao đã hoàn thành, đồng thời xã cũng đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Cách làm của Bình Định là sự chủ động, dùng nội lực là chính, nguồn lực chủ yếu là từ nhân dân, lấy người dân làm trung tâm. Ý Đảng hợp lòng dân, hơn 10 năm qua Bình Định đã đầu tư trên 121 tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp gần 36 tỷ đồng, hiến 17.000m2 đất và hàng vạn ngày công để làm giao thông, thủy lợi.

Mô hình trồng nấm của anh Trần Văn Doanh, thôn Hưng Đạo, xã Bình Định (Kiến Xương) mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Kết quả xây dựng NTM ở Bình Định không chỉ làm thay đổi diện mạo làng quê theo hướng văn minh, hiện đại mà còn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Từng gia đình đã tự giác chỉnh trang vườn tược, sửa chữa, xây dựng mới cổng, tường rào, nhà ở khang trang, đường làng sạch đẹp. 

Bà Lê Thị Huệ, 84 tuổi, thôn Thái Hòa chia sẻ: Mặc dù tuổi cao song được sống trong không gian thoáng đãng, yên bình đã khiến tôi có thêm động lực để kiến thiết nhà cửa, tạo không gian xanh, hồn quê Việt ngay trong chính ngôi nhà mình. Cũng từ đó tôi thêm yêu cuộc sống hơn và đã sáng tác ra hàng chục bài thơ ca ngợi quê hương.

Đến năm 2019, Bình Định đã trồng được 25km đường hoa, lắp đặt trên 2.000 cột và bóng điện chiếu sáng từ nguồn vốn xã hội hóa, thành lập 15 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao, xây dựng 98 khu dân cư tự quản về an ninh trật tự. Địa phương cũng xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM. Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề phát triển nông nghiệp, xây dựng đề án mở rộng liên kết với các doanh nghiệp quy vùng sản xuất lúa giống. Những năm qua, toàn xã đã quy hoạch được 6 vùng sản xuất, hàng năm cấy từ 180 - 250ha lúa giống BC15 và TBR225 mang lại giá trị gấp 1,3 - 1,5 lần so với lúa thường. Cùng với đó, xã tập trung tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Địa phương không có tình trạng nông dân bỏ ruộng, xây dựng được một số mô hình sản xuất hữu cơ như trồng cây trong nhà lưới, làm nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Anh Trần Văn Doanh, thôn Hưng Đạo cho biết: Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gần 10 năm qua tôi đã đầu tư phát triển mô hình trồng nấm. Mới đầu làm chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn song với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của mình tôi đã học hỏi kinh nghiệm và đến nay mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Mô hình không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho gia đình mỗi năm mà còn góp phần bảo vệ môi trường cho địa phương, tránh tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch.

Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày