Thứ 7, 23/11/2024, 05:06[GMT+7]

Người dùng thường làm gì khi phát hiện tài khoản trên internet bị xâm phạm?

Thứ 5, 20/08/2020 | 16:09:03
1,934 lượt xem
Một khảo sát của Kaspersky đã cho thấy những việc người dùng thường làm sau khi phát hiện tài khoản của mình bị xâm phạm.

Khi người dùng online nhiều hơn trong mùa dịch thì các biện pháp bảo mật càng phải tăng cường.

Với số lượng người dùng trực tuyến và mức độ online ngày càng tăng do tác động của đại dịch COVID-19, khảo sát mới được thực hiện bởi công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky đã chỉ ra sự thay đổi hành vi và quan điểm của người dùng trực tuyến khu vực Đông Nam Á trong thời gian này.

Báo cáo của Kaspersky cho thấy, 82% người dùng trong khu vực Đông Nam Á nghĩ rằng với thói quen trực tuyến hiện tại, quyền riêng tư dữ liệu của họ sẽ được an toàn. Con số này cao hơn 7% so với mức trung bình toàn cầu là 75%.

Nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ 1% trong số 760 người tham gia khảo sát ở Đông Nam Á thừa nhận rằng họ cảm thấy rất không an toàn trên thế giới ảo - thấp hơn 2% so với thế giới (3%), 11% cảm thấy không an toàn - thấp hơn so với thế giới (16%), và 5% không chắc chắn về câu trả lời của mình.

Mặc dù có niềm tin về sự an toàn trên mạng, nhưng những người tham gia khảo sát cũng thừa nhận đã từng bị tấn công trực tuyến. Người dùng thừa nhận rằng họ đã từng bị tấn công vào tài khoản mạng xã hội (21%), tài khoản email (20%), thiết bị di động (13%), mạng Wi-Fi (12%) và tài khoản ngân hàng (12%).

Đáng chú ý, 2% người được hỏi xác nhận tài khoản của họ đã bị xâm phạm hơn 3 hoặc 4 lần, trong khi 24% chắc chắn rằng dữ liệu của họ chưa bao giờ bị xâm phạm. Gần 20% cho biết họ không chắc liệu tài khoản của mình có bị xâm phạm hay không vì họ không biết cách kiểm tra (chiếm 18%) hoặc chưa bao giờ kiểm tra (chiếm 14%).

Khi được hỏi về những việc họ đã làm sau khi phát hiện tài khoản của mình bị xâm phạm, 57% người dùng tại Đông Nam Á đã thay đổi mật khẩu trên tất cả thiết bị không dây và tài khoản có liên quan; 54% chỉ cập nhật mã bảo mật đối với mạng không dây ảnh hưởng đến thiết bị và các tài khoản có liên quan. Ngoài ra, chỉ 23% người dùng từng bị hack đã cài đặt phần mềm bảo mật để bảo vệ tài khoản của họ, 14% mang thiết bị bị tấn công đến chuyên gia công nghệ, và 4% chọn cách không làm gì cả.

Ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết, công nghệ là một công cụ rất hữu ích, nhất là khi được bảo mật hiệu quả. Theo kết quả nghiên cứu này, người dùng trực tuyến ở Đông Nam Á đang dành từ 5 - 10 giờ mỗi ngày để trực tuyến và thừa nhận rằng các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến thời gian online của họ tăng từ 2 - 5 giờ mỗi ngày.

“Thật tốt khi chúng ta cảm thấy an toàn trên thế giới trực tuyến, đặc biệt là trong thời gian này, khi chúng ta cần hạn chế các hoạt động bên ngoài để giữ an toàn cho bản thân và gia đình trước đại dịch. Tuy nhiên, thoải mái trên thế giới ảo không đồng nghĩa với việc ngừng cảnh giác trước những rủi ro khi trực tuyến”, ông nói.

Theo 24h.com.vn