Chủ nhật, 24/11/2024, 10:23[GMT+7]

Khởi sắc nông thôn mới ở Tân Uyên

Thứ 2, 24/08/2020 | 14:46:37
1,445 lượt xem
Sau hơn 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện miền núi Tân Uyên (Lai Châu) có nhiều khởi sắc, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.

Dựa vào cây chè, nhiều hộ dân ở huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã có thu nhập cao và xóa nghèo. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Bắt tay xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, đến nay, Tân Uyên đã hình thành các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật và có sự liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong chăn nuôi, từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, hình thành 225 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô gia trại.

Từ đó, góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị các sản phẩm, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 32,33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trung bình các xã giảm còn 9,23%.

Cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp, 100% các thôn, bản trong huyện đã có đường ô tô và đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa. Các công trình thủy lợi, chợ trung tâm xã, trường học, nhà văn hóa… trên địa bàn được kiên cố hóa, đảm bảo phục vụ cho giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội.

Những ngày tháng 8, dọc trên các tuyến đường, bản làng của huyện Tân Uyên, đâu đâu cũng thấy hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang. Người dân ai nấy cũng phấn khởi trước những thay đổi rõ nét của quê hương, đặc biệt sự thành công của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chúng tôi đến thăm xã Phúc Khoa - một trong hai xã đầu tiên của huyện Tân Uyên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đi trên con đường quanh co để đến đồi chè ở bản Ngọc Lại và bản Phúc Khoa, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những con đường bê tông cứng hóa mà ô tô có thể di chuyển. Bởi, theo tưởng tượng của chúng tôi đường lên đồi chè sẽ rất khó đi và chỉ có xe máy hoặc người đi bộ mới di chuyển được.

Khi dừng chân ở lưng chừng sườn đồi, một màu xanh mơn mởn thoang thoảng mùi chát ngọt của búp chè non đang trong lứa thu hoạch khiến chúng tôi quên đi những ồn ào nơi phố thị. Trước mắt chúng tôi, đông đảo người dân bản Ngọc Lại đang mải miết dọn dẹp, phát quang cây cỏ bên lề đường.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Lương Kiên, Trưởng bản Ngọc Lại cho hay, “nhờ xây dựng nông thôn mới mà người dân trong bản đã nâng cao nhận thức và tính tự giác trong các hoạt động chung. Khoảng hai tháng cả bản lại tập trung đi dọn dẹp đường giao thông, nội đồng, việc làm này đã trở thành thói quen của người dân trong bản”.

Điều phấn khởi nhất là sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, các mô hình kinh tế, hợp tác xã, nhà máy chè dần ra đời, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã Phúc Khoa đạt 34 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,18%.

Gia đình anh Nguyễn Văn Chanh, trú tại bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa hiện có 6 ha chè, trung bình từ 40 - 45 ngày được thu hoạch một lứa, mỗi 1 ha có sản lượng khoảng 5 tấn chè tươi. Năm nay, chè tươi bán với giá 5.000 đồng/kg, thấp hơn so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng trừ chi phí anh Chanh lãi được 50 triệu đồng/ha chè/năm.

Anh Chanh chia sẻ, từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình anh và các hộ dân khác được Nhà nước hỗ trợ về chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả. Đến nay, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá, có của ăn của để, chỉ riêng về trồng chè mỗi năm gia đình anh thu lợi nhuận được 300 triệu đồng. Ngoài kinh tế phát triển, người dân trong bản còn được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng, các cháu nhỏ được học hành đầy đủ trong cơ sở vật chất khang trang.

Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lai Châu. Đặc biệt, sự cố gắng, nỗ lực không ngừng khắc phục mọi khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phúc Khoa trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. 

Ông Lò Văn Lục, Chủ tịch xã Phúc Khoa cho biết, toàn xã hiện có hơn 1.000 hộ gia đình, với gần 4.460 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 76%. Sau khi xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, Phúc Khoa tiếp tục vận động bà con duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Năm 2020, xã huy động được 750 triệu đồng đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, để tiếp tục nâng cấp sửa chữa đường nội bản, nội đồng.

Thời gian tới, xã Phúc Khoa tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí, đặc biệt tăng cường công tác xây dựng xã, bản nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái. Xã tiếp tục lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; trong đó, ưu tiên các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng chè, mắc ca, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân…

Quyết tâm về đích

Ao chăn nuôi ếch của anh Tòng Văn Dung (sinh năm 1983, dân tộc Thái), Trưởng bản Bút Dưới, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) mỗi năm mang về hơn 100 triệu đồng cho gia đình. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Theo báo cáo huyện Tân Uyên, giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện hơn 346 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 100 tỷ đồng, chiếm 28%; vốn ngân sách địa phương 35 tỷ đồng, chiếm 10% (ngân sách tỉnh 25 tỷ đồng, ngân sách huyện 10 tỷ đồng); vốn huy động từ cộng đồng dân cư 69,1 tỷ đồng, chiếm hơn 19,9%, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình 30a, 135.

Ông Ngọ Doãn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, do đó yêu cầu đặt ra phải có từng bước đi cụ thể, vững chắc, không chạy theo thành tích. Đặc biệt, đối với huyện miền núi Tân Uyên việc xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn. Sau hơn 9 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện có 8/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện còn xã Nậm Sỏ đang phấn đấu trong năm 2020 sẽ đạt chuẩn. Đối với tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, huyện đã đạt 5/9 tiêu chí.

Để hoàn thành các tiêu chí còn lại, ngay từ đầu năm 2020, Phòng Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện Tân Uyên xây dựng kế hoạch để thực hiện các tiêu chí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, thành viên trong Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Huyện triển khai đồng bộ giải pháp duy trì và nâng cao các tiêu chí đối với những xã đạt chuẩn. Riêng xã Nậm Sỏ chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí còn lại.

Đối với 4 tiêu chí còn lại của huyện nông thôn mới gồm: quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, môi trường, thì huyện đang hoàn thiện quy hoạch xây dựng vùng Tân Uyên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, huyện đang giải phóng mặt bằng để xây dựng lại bến xe khách huyện và tổ chức lắp đặt hệ thống biển báo hiệu đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; triển khai xây dựng, thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và bố trí trụ sở, biên chế hoạt động theo quy định.

Ngoài ra, huyện Tân Uyên cũng đang quy hoạch bãi rác trên địa bàn các xã; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn; hướng dẫn người dân phân loại rác và cách thức xử lý rác thải cho phù hợp; đồng thời, khuyến khích người dân duy trì hàng tháng phát quang hành lang các tuyến đường giao thông nông thôn, thu gom rác thải, trồng hoa, cây xanh ven đường.

Ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho hay, xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Tân Uyên đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu hết năm 2020, đưa Tân Uyên trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Lai Châu đạt chuẩn nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu, trong những tháng cuối năm 2020, huyện Tân Uyên chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Cùng đó, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với xã đã đạt chuẩn. Huyện chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, duy trì diện tích vùng chè, quế, mắc ca và mở rộng diện tích nuôi cá lồng vùng lòng hồ thủy điện, nhằm xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới”. Cùng đó, tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là lao động thuộc các đối tượng hộ nghèo.

Theo baotintuc.vn