Thứ 3, 10/09/2024, 14:19[GMT+7]

Nông thôn mới Bình Phước đổi thay từng ngày

Chủ nhật, 30/08/2020 | 19:41:28
1,487 lượt xem
Đến nay tỉnh Bình Phước đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Dự kiến đến hết năm 2020 có thêm 12 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 60 xã. Các tiêu chí của NTM là điện, đường, trường, trạm đều đảm bảo phát triển đồng bộ nhất là hệ thống lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng điện năng cho vùng nông thôn phát triển.

Đưa lưới điện quốc gia về các vùng nông thôn mới của Bình Phước

Diện mạo nông thôn mới thay đổi từng ngày

Xây dựng NTM đã làm cho diện mạo các vùng nông thôn ở Bình Phước ngày càng khởi sắc. Giờ đây, cảnh quan môi trường trên địa bàn luôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Các tuyến đường liên xã, liên thôn thông thoáng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao...

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đang được phát triển và dần hoàn thiện, với 68 chợ được quy hoạch trên toàn tỉnh. Các hạ tầng thương mại đang được hình thành và phát triển với 8 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, khoảng 30 nhà phân phối và 6.500 cửa hàng kinh doanh tạp hóa, tiện lợi.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, từ nguồn vốn chương trình NTM và các nguồn vốn lồng ghép khác đã được tỉnh triển khai hiệu quả, có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ... được thành lập và từng bước hoạt động ổn định. Các mô hình liên kết sản xuất ngày càng phát triển, nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển nhiều cụm, khu công nghiệp giúp giải quyết việc làm cho người dân trong và ngoài tỉnh. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp mạnh đã làm tăng việc làm cho người lao động. Ở những xã có khu, cụm công nghiệp, tỷ lệ người dân thất nghiệp hầu như không có.

Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Các mô hình sản xuất theo hướng liên kết như các trang trại chăn nuôi tập trung ký kết đầu ra sản phẩm với các công ty CP, CJ, Việt Phước, Hòa Phước, Choice. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đã được triển khai, củng cố và hoàn thiện. Việc chăn nuôi theo hình thức trang trại ngày càng phát triển, dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, đến nay có khoảng 70.000 lao động được đào tạo, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp khoảng 48.000 lao động, đào tạo nghề phi nông nghiệp khoảng 22.000 lao động, giải quyết việc làm trên 298.660 lượt lao động. Qua công tác giải quyết việc làm hàng năm đã giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn dưới 3,2%. Tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, mặc dù ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid- 19 nhưng từ đầu năm 2020 đến nay các cấp hội nông dân toàn tỉnh Bình Phước vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu phát triển mạnh, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nông hộ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các cấp hội nông dân đã phát triển mới 7 hợp tác xã, 24 tổ hợp tác; vận động nông dân hiến 2.000mđất, đóng góp 27,884 tỷ đồng và 6.204 ngày công xây dựng NTM.

Dồn sức đầu tư hạ tầng nông thôn

Đến nay, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh tăng thêm khoảng 4.500km, làm được 2.261,244 km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù. Cùng với đó, Bình Phước cũng đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống trường học các cấp. Hiện nay, toàn tỉnh có 34/160 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, chiếm 21,25%.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, đến nay hệ thống lưới điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng điện năng cho vùng nông thôn phát triển. Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước đã giải quyết một phần bài toán thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các xóm ấp vùng sâu vùng xa đã tiếp cận được lưới điện quốc gia.

Từ khi được đầu tư phát triển lưới điện, đời sống người dân thay đổi rất nhiều, kinh tế phát triển, diện mạo khu dân cư khang trang hơn. Có điện, người dân được tiếp cận các thiết bị gia dụng hiện đại, ánh sáng leo lắt của đèn dầu được thay bằng những bóng đèn led sáng trưng. Dòng nước sạch được bơm lên từ những giếng khoan... Có nguồn điện từ lưới điện quốc gia nhiều hộ dân đầu tư mua các thiết bị máy móc phục vụ tưới tiêu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao thu nhập. Ban điều hành các xóm ấp cũng đã vận động người dân đóng góp tiền lắp đặt đèn đường.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, với sự nỗ lực của các cấp, ngành và ngành điện trong việc đưa điện về nông thôn, đến nay nhiều huyện trong tỉnh đã hoàn thành tiêu chí điện trong chương trình xây dựng NTM. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất phát triển, tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân.

Theo congthuong.vn