Thứ 2, 22/07/2024, 20:29[GMT+7]

Tăng cường xử lý vi phạm về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển

Thứ 2, 14/09/2020 | 08:30:21
1,326 lượt xem
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND, ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý bãi sông, bãi triều ven biển, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên đôn đốc các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời cung cấp số liệu vi phạm tồn đọng để tập trung xử lý dứt điểm.

Hạt Quản lý đê điều huyện Thái Thụy phối hợp với các địa phương giải tỏa công trình vi phạm.

Thái Bình hiện được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài khoảng 580km, trong đó có 356,3km đê trung ương, còn lại là đê bối, đê bao và đê vùng. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương cùng sự chủ động, tích cực của tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo, cứng hóa nhiều tuyến đê góp phần nâng cao khả năng chống lũ, bão của hệ thống đê điều. Thực hiện Chỉ thị số 18, từ đầu năm đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách đê điều phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm Luật Đê điều.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Thái Thụy cho biết: Trên địa bàn huyện Thái Thụy hiện có 38,3km đê trung ương cấp III, trong đó đê tả Trà Lý dài 9,7km, đê biển 7 dài 16,1km, đê biển 8 dài 12,5km. Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên tuyến đê do Hạt quản lý vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Các hành vi vi phạm chủ yếu là làm nhà, xây dựng hàng quán, xây lắp cẩu, chất tải vật tư, làm hàng rào trên mái đê, cơ đê, trong hành lang bảo vệ đê điều, ngoài bãi sông, đỉnh kè. Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND, ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh, thời gian qua Hạt Quản lý đê điều huyện Thái Thụy đã thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản kiến nghị chính quyền địa phương xử lý theo quy định của pháp luật. Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/6/2020, Hạt Quản lý đê điều huyện Thái Thụy đã phát hiện 24 vụ vi phạm hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ. Trong đó, đã xử lý 19 vụ, xử phạt hành chính 8 vụ với tổng số tiền 113,5 triệu đồng. Thời gian tới, Hạt Quản lý đê điều tiếp tục tuyên truyền Luật Đê điều tới người dân các địa phương có đê; đồng thời, vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trong hành lang bảo vệ đê.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 và 7 tháng đầu năm 2020, các huyện, thành phố đã xử lý 73 vụ vi phạm mới phát sinh và 205 vụ tồn đọng của những năm trước. Trong đó, có 50 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không nằm trong quy hoạch đã được giải tỏa hoặc buộc phải dừng hoạt động. Bên cạnh đó, nhận thức và việc chấp hành các quy định của pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai của các tổ chức, cá nhân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số vụ vi phạm tồn đọng từ năm 2011 đến nay vẫn còn nhiều như: huyện Kiến Xương 302 vụ, huyện Tiền Hải 251 vụ, huyện Thái Thụy 197 vụ, huyện Quỳnh Phụ 147 vụ, huyện Đông Hưng 126 vụ, huyện Vũ Thư 117 vụ, huyện Hưng Hà 103 vụ, thành phố Thái Bình 97 vụ; số bến bãi có chiều rộng bãi ≤ 20m và không nằm trong quy hoạch giải tỏa được còn ít, chỉ giải tỏa được 8/25 bến bãi, hai huyện Kiến Xương, Tiền Hải xử lý vi phạm còn chậm...

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18/CT-UBND, ngày 21/10/2019 của UBND tỉnh, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện, thành phố tăng cường công tác xử lý vi phạm, kiên quyết xử lý, giải tỏa các bến bãi ngoài bãi sông có chiều rộng bãi nhỏ hơn 20m và không nằm trong quy hoạch. Đối với các vụ vi phạm mới phát sinh, UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường xử lý theo thẩm quyền sau khi nhận được biên bản vi phạm hành chính. Đối với các vụ vi phạm tồn đọng thì chỉ đạo UBND xã và lực lượng công an xã, phường phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều vận động từng chủ vi phạm tự giác giải tỏa, tháo dỡ công trình vi phạm; trường hợp không chấp hành, yêu cầu củng cố hoàn thiện hồ sơ và tổ chức cưỡng chế theo quy định. Bên cạnh đó, các địa phương cần thường xuyên tổ chức phát quang mái đê, chân đê. Yêu cầu các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý không tập kết vật liệu lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, lên mặt đê, mái đê và hạ thấp chiều cao chất tải theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phạm Hưng