Thứ 6, 29/03/2024, 13:01[GMT+7]

An Giang: Kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 24/09/2020 | 09:52:35
2,053 lượt xem
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng - an ninh được Chính phủ phê duyệt vào ngày 4-6-2010. Theo đó, mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM (theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM) và phấn đấu có nhiều xã NTM nâng cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thăm trang trại trồng chuối xã Tân Tuyến (Tri Tôn)

Thành tựu nổi bật

Ở An Giang, sau 4 năm thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 18-7-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X về xây dựng NTM (giai đoạn 2016-2020), An Giang đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể, thông qua chương trình này, nông thôn An Giang được khoác lên mình chiếc áo mới, đời sống người dân từng bước nâng lên, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Có kết quả như hôm nay là nhờ kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhiệm vụ phát triển KTXH được quan tâm đúng mức; trong sản xuất, các địa phương đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, từ đó việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn các xã NTM chuyển dịch đúng hướng.

Gia đình ông Trần Văn Nở (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) canh tác 3ha lúa chất lượng cao để xuất khẩu, thời gian qua, nhờ việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, thông qua các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên hiệu quả trong sản xuất tăng lên đáng kể. “Ngoài áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, nông dân còn đẩy mạnh liên kết thông qua chương trình phát triển kinh tế hợp tác mà đại diện là các hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời phát triển mô hình “Cánh đồng lớn”. Chính yếu tố này đã tạo nên sự phát triển vượt bậc trong sản xuất, đời sống của người làm nông nghiệp được nâng lên” - ông Nở tâm sự. 

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, thay vì chạy theo số lượng, năng suất trên mỗi vụ canh tác, nông dân xã Long An (TX. Tân Châu) nói riêng, cả tỉnh nói chung đã biết tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường, nghĩa là có thị trường tiêu thụ mới tổ chức sản xuất. “Bà con đã thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp đó là: “Bán cái thị trường cần, chứ không bán cái mình có”. Chính cách suy nghĩ này mà giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất được tăng lên. Nếu năm 2016 giá trị sản xuất đạt 144 triệu đồng/ha thì đến năm 2019, giá trị này tăng lên 183 triệu đồng/ha/năm” - ông Nở thông tin thêm.

“Thành tựu nổi bật của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM những năm qua còn thể hiện qua việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa, kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị (theo quy hoạch); cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; từ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

Tính đến tháng 9-2020, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện là: huyện Thoại Sơn, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc có 100% xã đạt chuẩn NTM, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận hoàn thành NTM; có 61/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận đạt chuẩn “Xã NTM”, đạt tỷ lệ 51,26% (đạt trước 1 năm so với lộ trình, kế hoạch đề ra). Huyện Thoại Sơn là đơn vị đi đầu của tỉnh trong phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020.

Định hướng nông thôn mới nâng cao

Giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh phấn đấu có 14 xã điểm đạt chuẩn NTM nâng cao (đến thời điểm hiện tại có 3/14 xã đạt chuẩn “Xã NTM nâng cao”). Đặc biệt, tỉnh đang triển khai thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững tại các ấp thuộc các xã khó khăn, biên giới ở các huyện: Tịnh Biên, An Phú, Tri Tôn và TX. Tân Châu (hiện có 2 ấp của TX. Tân Châu đạt chuẩn “Ấp NTM”).

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, mục tiêu chung của chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2020-2025 là tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và hành động cụ thể của cấp ủy Đảng, chính quyền; các ban, ngành, đoàn thể, địa phương; các tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM. Tiếp tục tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo sự công bằng và hài hòa trong phát triển giữa thành thị và nông thôn.

Để làm được việc này, đòi hỏi từng cấp, ngành phải không ngừng đổi mới tư duy, đổi mới cách làm; phát huy tính năng động, sáng tạo, đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng các xã NTM có kinh tế - xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; các công trình thiết yếu phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn cơ bản được hoàn thành; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

Theo baoangiang.com.vn